Hướng đến hỗ trợ tăng trưởng
Việt Nam đang có sức ép buộc phải có tăng trưởng tốt hơn để tự chủ kinh tế
Mặc dù bị ảnh hưởng từ căng thẳng trên biển Đông nhưng 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước vẫn đạt mức khá cao, Chính phủ không phải điều chỉnh các chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm.
Sức ép mới
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,2%, cao hơn so với mức 4,9% của cùng kỳ 2 năm trước. Sau khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng GDP hằng quý vẫn giữ được xu hướng tích cực kể từ quý II/2013 là quý sau cao hơn quý trước. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng chỉ tăng 1,38%, là mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 có thể đạt khoảng 5,7%-5,8% nhưng chưa tính đến độ trễ trong 6 tháng cuối năm của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông. Như vậy, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức thấp hơn nếu tính toán hết các ảnh hưởng khó lường từ căng thẳng biển Đông. Chính phủ đã có những kịch bản trong tình huống xấu nhất để kịp thời đối phó.
Chính sách quản lý cần hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HỒNG THÚY
|
Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện bình thường, kịch bản tăng trưởng kinh tế như NFSC dự báo đã là rất tốt so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Song Việt Nam đang có sức ép buộc phải có tăng trưởng tốt hơn để tự chủ kinh tế. Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ nhất do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra, những năm tới, Việt Nam phải đạt tăng trưởng 8%-9% như thập niên 90 của thế kỷ trước, nếu vẫn duy trì mức 5%-6% như hiện nay sẽ rất khó đạt.
Hỗ trợ tổng cầu
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục tiêu này đang đặt ra cho Chính phủ nhiều việc cần phải thay đổi, trong đó có vấn đề ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Ví dụ như giảm thời gian nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp (DN) còn 100 giờ vào năm 2015 như mặt bằng chung của các nước ASEAN, vì hiện nay, thời gian nộp thuế của Việt Nam là 872 giờ. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ hỗ trợ cho DN, giúp khu vực sản xuất kinh doanh tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Lực hỗ trợ này là rất lớn và Việt Nam đã từng thực hiện thành công trong những năm 2000 khi thi hành Luật DN sửa đổi, tạo ra cú hích quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển.
Bên cạnh đó, NFSC khuyến nghị Chính phủ vẫn nên tiếp tục hỗ trợ tổng cầu cho nền kinh tế. Mức độ cải thiện sản xuất hiện còn chậm, số lượng DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giảm 4,1% so cùng kỳ, trong khi số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể lại tăng 16,2%. Nguyên nhân do tổng cầu còn yếu, nhất là cầu đầu tư. Các giải pháp được NFSC khuyến nghị là trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014. Đồng thời, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư nhà nước, góp phần bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, căn cứ vào diễn biến lạm phát để điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%-14% cho năm 2014 nhằm bảo đảm vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Hà Linh
Người lao động
|