Đội tàu biển VN khó thoát "danh sách đen"
Việc Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 bắt đầu có hiệu lực từ 20/8/2014 đang là rào cản lớn đến công tác giảm thiểu tỷ lệ tàu biển lưu giữ. Vì hiện có tới gần 50% tàu biển VN chạy tuyến quốc tế thiếu Giấy chứng nhận Lao động Hàng hải.
Tàu biển bị lưu giữ tiếp tục giảm
Ông Phạm Hải Bằng - Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, có 19 lượt tàu biển VN bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ do phát hiện những khiếm khuyết mất an toàn hàng hải, giảm 14 lượt so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, số lượt tàu bị lưu giữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) chiếm tới 16 lượt, giảm từ 7,79% của cùng kỳ năm trước xuống còn 4,27%.
"Tỷ lệ trên có thể xuống thấp hơn nữa nếu không có các trường hợp như tàu Phú An 36 và Cửu Long Gas bị cảng vụ Philippines và Trung Quốc lưu giữ với những nguyên nhân không thỏa đáng" - ông Bằng cho biết. Hiện Cục Đăng kiểm VN đang tiếp tục khiếu nại chính quyền cảng Trung Quốc và Philippines về 2 trường hợp trên.
Trên thực tế, từ năm 1999 đến nay, đội tàu biển VN luôn nằm trong “danh sách đen” của Tokyo - Mou về lưu giữ. Tuy nhiên, theo ông Bằng, nếu giữ được tỷ lệ không cao hơn 5% đến hết năm 2014, đội tàu biển VN sẽ lần đầu tiên thoát được danh sách này. Điều này đồng nghĩa với việc tàu biển VN sẽ ít bị cảng vụ nước ngoài kiểm tra hơn khi cập cảng của họ.
Nhiều mối lo trước mắt
Dù tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ đã giảm đáng kể so với thời điểm trước đây, song người trong cuộc (gồm cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận tải) đều chưa hết lo. Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN bày tỏ lo ngại tình trạng tàu biển bị lưu giữ bởi cảng vụ nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2014 sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, nhất là khi Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 sẽ bắt đầu có hiệu lực với đội tàu biển VN từ ngày 20/8/2014.
Cùng đó, từ 1/9 - 30/11/2014, cảng vụ các nước thuộc khu vực Tokyo- Mou và Paris - Mou thực hiện chiến dịch kiểm tra tập trung về thực hiện giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trên tàu.
Theo Cục Đăng kiểm VN, đội tàu biển VN hiện có 380 chiếc (tổng dung tích từ 500 tấn trở lên) chuyên chạy tuyến quốc tế, giảm hơn 120 chiếc so với giai đoạn năm 2010. Số công ty quản lý tàu cũng giảm nhiều và giờ chỉ còn 190 doanh nghiệp. Những công ty vận tải biển còn “trụ” lại đến thời điểm này đa phần thuộc diện có tiềm lực, có khả năng chống chọi với sự suy giảm của thị trường vận tải biển quốc tế. |
Theo công ước, tàu biển VN nếu thiếu Giấy chứng nhận Lao động Hàng hải và Bản công bố phù hợp lao động hàng hải sẽ bị cảng vụ nước ngoài giữ lại, cũng giống như việc tàu có các khiếm khuyết kỹ thuật hoặc thuyền viên có thao tác kỹ thuật sai so với yêu cầu của sỹ quan cảng vụ nước ngoài.
Để có hai loại giấy tờ trên, chủ tàu phải chuẩn bị hồ sơ và đề nghị đánh giá. Đáng lưu ý là đến thời điểm hiện tại, vẫn còn tới 146 trên tổng số 380 tàu chưa gửi hồ sơ cho Cục Đăng kiểm VN để thẩm định (tương đương 49%) trong khi việc đánh giá cũng như thời gian khắc phục các khiếm khuyết không hề ngắn.
Ông Phạm Thanh Trường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn cho biết, từ tháng 9/2013 và gần nhất là tháng 4/2014 đã tổ chức hội nghị phổ biến, thông báo trực tiếp đến tất cả các chủ tàu trên toàn quốc về việc thực hiện công ước MLC. Tuy nhiên, chỉ có công ty lớn thực hiện, còn nhiều doanh nghiệp quy mô 1-2 tàu vẫn chưa có động thái gì.
“Hiện đã có 57 nước áp dụng công ước. Chúng tôi luôn muốn hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện, nhưng dường như nhiều doanh nghiệp đang chờ được tiếp tục gia hạn thời điểm áp dụng công ước, như đã từng được Bộ GTVT gia hạn đến 20/8 này”- ông Trường nói.
Về vấn đề này, ông Hoàng Lê Vượng - Trưởng ban Quản lý thuyền viên tàu biển Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, mục tiêu của công ước trên chính là để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, với thực trạng kinh doanh ảm đạm hiện nay, việc đảm bảo lương thưởng, không gian sinh hoạt tiêu chuẩn cho thuyền viên là vô cùng khó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó do mẫu hợp đồng lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không phù hợp công ước, không được ngành Y tế hướng dẫn địa chỉ khám sức khỏe thuyền viên hoặc địa chỉ cấp chứng nhận cho đầu bếp theo tiêu chuẩn quốc tế…
Huy Lộc
Giao thông vận tải
|