Công bằng trong cạnh tranh hàng không
Hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không đang làm “nóng” dư luận.
Vì thiếu một chiếc xe thang, hàng ngàn hành khách muốn đến Hải Phòng có thể không được lựa chọn bay giá rẻ khi ngành hàng không hạn chế cấp slot với lý do sân bay chỉ đủ thang và năng lực phục vụ một số chuyến nhất định. Cơ hội đi máy bay với người có thu nhập thấp tới trung bình cũng hẹp dần. Đó chỉ là một trong số nhiều hệ lụy có thể đến đối với thị trường hàng không khi những quyết sách giảm tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay thiếu tính khả thi buộc phải thi hành.
Chậm, hủy chuyến do khai thác chưa hợp lý
72,7% nguyên nhân chậm, hủy chuyến được Cục Hàng không xác định là do khai thác chưa hợp lý, cụ thể là tình trạng tắc nghẽn trong tàu bay do quá trình xếp khách lên tàu bay chưa hợp lý; xếp lịch bay không sát với thời gian thực tế khai thác; các hãng hàng không chi phí thấp không xếp giờ khai thác tàu bay dự bị. Tại cuộc họp ngày 11-7, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh phản ánh: “Năng lực của sân bay Hải Phòng vào giờ cao điểm cũng chỉ bố trí tối đa 3 chuyến. Trong khi Vietnam Airlines đã được cấp phép 3 chuyến rồi, đột nhiên cơ quan quản lý lại cấp cho VietJet Air bay xen 1 chuyến vào. Chậm cũng từ đây, do thiếu phương tiện phục vụ mặt đất”. Từ kiến nghị này của ông Phạm Ngọc Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Rà soát lại toàn bộ thủ tục cấp slot cho các hãng hàng không, quy định cụ thể thời gian quay đầu tàu bay, lượng thời gian bay dự trữ, quy định cần bắt buộc có máy bay dự trữ của các hãng hàng không.
Cần để thị trường hàng không phát triển lành mạnh, minh bạch
|
Việc rà soát thủ tục cấp slot khiến “những người trong cuộc” không khỏi e ngại. Một chuyên gia trong ngành băn khoăn: Nếu cơ quan quản lý bị “dẫn dắt” bởi lý lẽ này mà cắt giảm chuyến bay tới các sân bay vì thiếu vài thiết bị mặt đất thì rất tai hại. Sự việc này, cần nhìn nhận và giải quyết ở góc độ khác: Ví dụ, sân bay Hải Phòng thiếu 1 chiếc xe thang phục vụ chuyến bay thứ 4 thì cần đầu tư thêm 1 xe thang chứ không thể vì thiếu xe thang mà hạn chế các chuyến bay hạ cánh tại sân bay này. Nếu việc slot bị cắt giảm sẽ vô hình trung tạo sức ì cho chính các sân bay, không chịu đổi mới, đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo hệ lụy vô cùng xấu, kiểu “tôi chỉ có thế thôi, anh dùng được thì dùng, không dùng được thì dừng”. Mặt khác, trong khi sân bay không muốn đầu tư thêm 1 xe thang chỉ vài trăm triệu thì cơ quan quản lý nhà nước lại yêu cầu xem lại slot, như vậy vừa bất hợp lý vừa không công bằng. Nói như ông Lương Hoài Nam trong bài viết trên VnExpress thì: “Khá lãng phí mà cũng không giúp loại bỏ hoàn toàn được chậm, hủy chuyến bay”.
Để thị trường cạnh tranh lành mạnh
Dưới góc độ một chuyên gia quản lý và phát triển, ông Nguyễn Tiến Đức (Viện AMD) cũng bày tỏ quan ngại: “Việc Cục Hàng không rà soát thủ tục cấp slot và đưa ra các chấn chỉnh là cần thiết nhưng nếu không cẩn trọng, các giải pháp tưởng chừng tốt đẹp, mục đích nhằm giảm tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay sẽ có “tác dụng ngược” là việc hạn chế cạnh tranh và “tái” độc quyền trên thị trường hàng không”.
Hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay và công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không của Bộ trưởng Đinh La Thăng đang làm “nóng” dư luận bởi rất lâu rồi câu chuyện “kín” của ngành hàng không mới được mổ xẻ, phơi bày. Dư luận mong rằng Bộ trưởng Thăng sẽ quyết sách đúng đắn vì quyền lợi của hành khách, cho hành khách nhiều lựa chọn hơn với chi phí hợp lý, chấn chỉnh hoạt động các hãng hàng không, các cảng hàng không và các công ty dịch vụ để thị trường hàng không phát triển lành mạnh, minh bạch.
Ngọc Thy
Người lao động
|