Tại sao phải mua hàng trong nước với giá đắt hơn?
Lâu nay, cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tiêu dùng hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, cuộc vận động này dường như mang tính cảm tính nhiều hơn thực tế.
Theo số liệu thống kê từ năm 2000-2012, tỷ trọng nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chưa tới 10%, tỷ trọng nhập khẩu cao nhất thường là nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào (bình quân khoảng 60%), rồi đến nhập khẩu máy móc thiết bị (bình quân trên 30%).
Như vậy, có thể thấy vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp phụ trợ để làm ra các sản phẩm, là chi phí đầu vào chứ không phải việc hạn chế tiêu dùng hàng nhập khẩu hay không.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000-2012 cho thấy nếu giai đoạn 2000-2005 tỷ lệ giá trị tăng thêm (1) trên giá trị sản xuất khoảng 47% (có nghĩa làm ra 100 đơn vị thì có 47 đơn vị là giá trị tăng thêm), đến giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ này giảm 10 điểm phần trăm (còn khoảng 37%) và đến 2011-2015 tỷ lệ này lại giảm tiếp còn khoảng 28%. Đây là tỷ lệ chung của cả nền kinh tế, còn riêng với khu vực công nghiệp chế biến chế tạo tỷ lệ này còn thấp hơn (chỉ khoảng trên 10%). Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng thiếu hiệu quả và mang tính gia công toàn diện hơn.
Một sản phẩm có thể mang nhãn mác Việt Nam nhưng toàn bộ nguyên vật liệu và máy móc thiết bị đều được nhập khẩu từ bên ngoài, như vậy việc khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam thực chất cũng là tiêu dùng hàng nhập khẩu.
Và Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh này khi mà nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị nhập từ Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 23-25%, và nếu tính cả Đài Loan và Hồng Kông thì tỷ trọng nhập khẩu của khối này lên tới 34%.
Trong khi đó, các chính sách cụ thể dường như vẫn có sự phân biệt giữa những sản phẩm hàng hóa bán cho người tiêu dùng trong nước và bán cho nước ngoài (xuất khẩu).
Ví dụ như chính sách thuế, mọi ưu tiên dành cho xuất khẩu, còn sản xuất tiêu thụ trong nước hầu như không được ưu đãi gì. Điều này làm cho các doanh nghiệp trong nước không có động cơ hướng tới thị trường nội địa, các sản phẩm xuất khẩu có giá rẻ hơn (phần vì giá thành thấp hơn do được hưởng các chính sách ưu đãi) so với sản phẩm cùng loại bán trong nước, nhiều sản phẩm hỏng hoặc lỗi không xuất khẩu được lại mang bán ở thị trường nội địa với giá đắt hơn. Tại sao người Việt Nam phải mua sản phẩm Việt Nam với giá đắt hơn mà chất lượng tồi hơn?
Số liệu thống kê cũng cho thấy điều này. Năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với năm trước tăng trên 9% nhưng chỉ số giá xuất khẩu giảm 1%; năm 2013, chỉ số CPI bình quân so với năm trước tăng 6,6% trong khi chỉ số giá xuất khẩu giảm 2,4%.
Nếu nhìn từ góc độ vĩ mô, hàm lượng giá trị tăng thêm khi lan tỏa bởi tiêu dùng cuối cùng cao hơn khi lan tỏa từ xuất khẩu khá nhiều (gần 10 điểm phần trăm).
Như vậy, thay vì vận động người tiêu dùng có lẽ nên vận động những người làm chính sách để các doanh nghiệp trong nước có một sân chơi công bằng, còn người tiêu dùng có niềm tin đối với hàng Việt.
(1) Tổng giá trị tăng thêm của các ngành + Thuế sản phẩm = GDP (theo phương pháp sản xuất và thu nhập)
Bùi Trinh
tbktsg
|