Thứ Hai, 21/07/2014 10:16

Cùng tắc biến!

Không khó để nhận ra làn sóng vận động thoát khỏi ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian gần đây. Nhưng có lẽ trước khi nói đến chuyện thoát hay không thoát, doanh nghiệp cần nhìn lại cách thức làm ăn lâu nay của mình...

Quen đi con đường dễ

Một vị lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) từng tâm sự sở dĩ lâu nay, giá trị xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc hàng năm chiếm tỷ trọng từ 20-25% trong tổng kim ngạch của ngành là do thị trường này dễ tính. Theo vị này, hạt điều thô sau khi chế biến sẽ có hạt nguyên, hạt vỡ. Hạt nguyên được bán sang thị trường Mỹ và châu Âu, còn hạt vỡ thì bán sang Trung Quốc. Mỗi khi một lô hàng nào đó không đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hay châu Âu thì cũng không cần phải lo lắng vì đã có thị trường Trung Quốc ở sát bên. Do vậy, lâu nay doanh nghiệp chẳng cần phải đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt điều để thâm nhập các thị trường khó tính.

Mặt hàng rau quả cũng tương tự như thế. Và mới đây, lãnh đạo hai tỉnh có diện tích trồng vải thiều lớn nhất cả nước là Bắc Giang và Hải Dương đã phải vào TPHCM để tiếp thị vải thiều do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. Vải thiều cho thu hoạch chỉ trong vòng sáu tuần nên từ trước tới nay, hàng trăm ngàn tấn vải chủ yếu bán hàng tươi là chính, ít có doanh nghiệp chú ý đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Được biết trước đây đã từng có một doanh nghiệp Nhật Bản chào bán công nghệ bảo quản vải thiều với hai tỉnh này, nhưng sau màn chào hỏi, vấn đề đã không được quan tâm trong suốt một thời gian dài. Đến khi vải thiều chất đầy nhà dân, một vị quan chức mới tỏ ra tiếc nuối, rằng giá như ngày đó mua công nghệ bảo quản thì giờ đâu phải vội vã khăn gói vào Nam bán vải.

Về trái thanh long, khi các thương lái viện cớ bị ảnh hưởng từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 (dù việc buôn bán ở cửa khẩu phía Bắc vẫn bình thường), giá thanh long từ 20.000 đồng/ki lô gam đã giảm xuống còn 15.000 đồng/ki lô gam.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cho biết khi làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, ông cũng nhìn thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro và cũng muốn tìm kiếm thị trường mới, song gần như bất lực.

Ông cho biết quy hoạch trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận chỉ có 15.000 héc ta nhưng đến nay đã tăng lên gần 20.000 héc ta. Diện tích trồng thanh long ở Tiền Giang cũng đã tăng lên, và hơn 90% thanh long sản xuất trong nước là để xuất tươi sang Trung Quốc. Dễ hiểu vì sao chuyện bị ép giá là không thể tránh khỏi.

Dù bản thân ông ý thức sẽ rất rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường, nhưng kế hoạch thế chấp vườn tược để vay đầu tư một khoản tiền lớn nhập máy móc chế biến thanh long thành nhiều sản phẩm khác nhau đã bị các cổ đông của công ty bác bỏ. Đối với các cổ đông, trước mắt, việc xuất khẩu của công ty vẫn đang có lãi...

Cùng tắc biến

Thật ra, một số doanh nghiệp làm ăn buôn bán với Trung Quốc đã có sự đề phòng bất trắc.

Như Công ty cổ phần Nhật Huy ở Bình Dương. Công ty một mặt vẫn xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc bình thường, mặt khác đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ và châu Âu. Việc này, theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch HĐQT công ty, là để tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Đặc biệt đó lại là thị trường Trung Quốc và giữa hai nước đang có những vấn đề căng thẳng liên quan đến biển Đông.

Ngoài ra, theo Vinacas, một số doanh nghiệp điều cũng đã bắt đầu đầu tư chế biến sâu mặc dù việc này sẽ khiến vốn bị “chôn” lâu hơn và vấn đề phát triển thị trường cho những sản phẩm như điều rang muối, điều tẩm mật ong, rượu điều... là không dễ.

Với trái thanh long, trước tình trạng dội chợ, mới đây, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất rượu vang Thanh Long ở Long An đã đầu tư gần 7 tỉ đồng cho dây chuyền sản xuất có công suất 40.000 lít rượu vang/năm. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, mẻ rượu vang đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường nhưng hiện đã có một công ty ở Úc đặt hàng tiếp thị rượu vang thanh long ở thị trường Úc. Theo đánh giá của Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), nếu rượu thanh long tìm được chỗ đứng trên thị trường thì quả là trong thế cùng lại tìm được đường ra!

Ngọc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Trào lưu kinh doanh game mobile sau cú hích Flappy Bird (21/07/2014)

>   Con bài tẩy của VNPT (21/07/2014)

>   Phí kho vận đè nặng doanh nghiệp xuất nhập khẩu (21/07/2014)

>   ‘Lọc’ ưu đãi vốn ngoại (21/07/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp Việt yếu lại dối trá (21/07/2014)

>   Nửa đầu tháng 7 nhập siêu 200 triệu USD (20/07/2014)

>   Công bằng trong cạnh tranh hàng không (20/07/2014)

>   Khóc ròng vì luật thay đổi (20/07/2014)

>   Tại sao phải mua hàng trong nước với giá đắt hơn? (20/07/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản tìm cách vượt rào cản phi thuế quan (20/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật