Con bài tẩy của VNPT
Tập đoàn Công nghệ Bưu chính Viễn thông (VNPT) một lần nữa lại trở thành tâm điểm, khi mới đây được Bộ Thông tin và Truyền thông bật đèn xanh cho phép xây dựng đề án nâng 3 công ty con trong Tập đoàn lên thành 3 tổng công ty để trình Thủ tướng xem xét ngay trong quý III/2014.
VNPT cũng được yêu cầu sớm xây dựng dự thảo Nghị định về vốn điều lệ của Tập đoàn với quy mô 72.000 tỉ đồng để ban hành ngay trong tháng 8.2014.
Theo đề án tái cơ cấu VNPT mà Chính phủ đã phê duyệt, 3 công ty con gồm VNPT-Net, VNPT-Media, VNPT-Vinaphone sẽ chỉ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vậy việc nâng chúng lên thành các tổng công ty như thế liệu có trái với đề án tái cơ cấu đã được thông qua?
Động thái này lại xảy ra ngay sau khi VNPT bị đề nghị phải chuyển nguyên trạng MobiFone về cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều đó đã khiến một số người đặt dấu hỏi phải chăng việc thành lập 3 tổng công ty là lá bài chiến lược của VNPT nhằm bù đắp lại vị thế suy yếu khi mất đi MobiFone? Một thực tế là sự ra đi của MobiFone có thể khiến cho doanh thu và lợi nhuận hằng năm của VNPT mất đi lần lượt 48% và 70%.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu đưa 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nói trên thành 3 tổng công ty thì VNPT mới có bộ máy tương đồng như Viettel.
Không chỉ vậy, chủ trương nâng tầm cho VNPT cũng được cho là giúp tập đoàn này có vị thế tương xứng với các ông lớn khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện có tới 9 tổng công ty. “Không thể để tình trạng tập đoàn này có tổng công ty, còn tập đoàn khác lại không có tổng công ty, giống như một bên được mở rộng hoạt động còn một bên bị bó chân bó tay”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc so sánh VNPT với các tập đoàn khác như EVN để từ đó đòi nâng quy mô là khá khập khiễng. Trong bối cảnh sức cầu yếu hiện nay, VNPT cần làm rõ việc nâng tầm 3 công ty con lên thành các tổng công ty như thế đã tính đến hiệu quả hoạt động, tỉ suất lợi nhuận chưa.
Từ chủ trương nâng tầm cho VNPT, có thể thấy tham vọng xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với quy mô lớn vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Ở khía cạnh kinh tế học, quy mô càng lớn sẽ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh, cải thiện hiệu quả hoạt động. Nhưng để có thể phát huy được sức mạnh này, cần phải xây dựng một hệ thống quản lý, kiểm soát hiệu quả và đội ngũ nhân lực có chất lượng. Nếu không, hậu quả để lại cho nền kinh tế sẽ rất lớn, mà bài học đắt giá là trường hợp của Vinashin, Vinalines.
Đối với trường hợp của VNPT, việc bị mất đi đứa con cưng MobiFone được kỳ vọng sẽ tạo áp lực buộc Tập đoàn phải tái cấu trúc những đứa con yếu ớt còn lại theo hướng hiệu quả và tinh gọn hơn. Nhưng nếu chủ trương nâng tầm 3 công ty con được thông qua, liệu có gì đảm bảo rằng VNPT sẽ không đi vào vết xe đổ lần trước?
Một lý do khác có thể giải thích cho chủ trương nâng tầm VNPT xuất phát từ quan điểm phòng thủ chủ động trước nguy cơ cạnh tranh cao hơn khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập các hiệp định kinh tế lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Quan điểm phòng thủ này tương tự như khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.
Theo đúc kết của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh được thể hiện trong báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên 2014 (do Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì soạn thảo), trong quá trình gia nhập WTO, những người có tư duy cải cách đã hy vọng rằng việc gia nhập WTO sẽ là cơ hội để Việt Nam cải thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường và quan trọng không kém là sẽ tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cải cách để trở nên cạnh tranh hơn.
Thế nhưng, WTO còn được xem như một chất xúc tác cho việc nhân rộng mô hình tập đoàn kinh tế. Lý do nằm ở chỗ trong quá trình gia nhập WTO, thường có nỗi lo sợ chính đáng rằng các doanh nghiệp nội địa khó có thể cạnh tranh được với các tập đoàn đa quốc gia và do vậy sẽ bị lép vế ngay trên sân nhà. Ở Việt Nam, nỗi lo lắng chủ yếu dành cho khối doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, Việt Nam đứng trước một tình thế khó xử: việc gia nhập WTO sẽ mở ra cơ hội để đất nước phát triển nhanh và toàn diện, song đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn, có nguy cơ làm xói mòn vai trò chủ lực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Giải pháp cho vấn đề này là song song với quá trình gia nhập WTO, các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt được giao trọng trách đóng vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa và trong hội nhập quốc tế. Để thực hiện được vai trò này, các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt phải được phát triển một cách nhanh chóng và thế là các tập đoàn kinh tế nhà nước lần lượt ra đời.
Mặc dù Chính phủ không đưa ra quy mô vốn điều lệ tối thiểu, nhưng quá trình tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế đã diễn ra với tốc độ chóng mặt, đặc biệt kể từ sau năm 2005. Điều đáng nói là việc hình thành các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam chỉ đơn thuần là một phép cộng số học và mang tính hình thức với một loạt những vấn đề như bộ máy tổ chức cồng kềnh, quản trị doanh nghiệp rối rắm, lợi ích nhóm hình thành, khiến chi phí hoạt động tăng cao và hiệu quả thấp.
Việc phát triển ồ ạt các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả như thế đã triệt tiêu hầu hết các tác động tích cực của quá trình gia nhập WTO đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. “Nếu chúng ta không nỗ lực cải cách từ bên trong một cách mạnh mẽ và có hệ thống thì những cơ hội cải cách sắp tới khi chúng ta gia nhập TPP và nhiều hiệp định hợp tác quốc tế khác có thể một lần nữa lại tuột khỏi tầm tay”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo.
Sơn Nguyễn
Nhịp cầu đầu tư
|