Doanh nghiệp gạo ngoài VFA kêu khó vì… VFA
Không thể xuất khẩu gạo sang các thị trường có hợp đồng tập trung (hợp đồng chính phủ), nhiều doanh nghiệp ngoài Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kêu khó vì không có đầu ra. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, các doanh nghiệp này cho biết họ ký được các hợp đồng có lãi trong khi các hợp đồng tập trung lại lỗ.
Phát biểu tại hội nghị “Góp ý đa dạng hóa thị trường xuất khẩu” được tổ chức sáng nay (14-7) tại Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết xuất khẩu gạo những tháng đầu năm rất khó cho doanh nghiệp và nếu không có gì đột biến thì khó khăn này vẫn tiếp diễn đến cuối năm.
“Sáu tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của chúng tôi chỉ đạt 14 triệu đô la Mỹ, giảm 4 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Bình dẫn chứng.
Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp sụt giảm là do doanh nghiệp ngoài VFA bị hạn chế quyền đăng ký hợp đồng xuất khẩu vào những thị trường tập trung như Indonesia, Malaysia, Philippines…
“Chỉ riêng những thị trường này (thị trường tập trung) tiêu thụ của ta (Việt Nam) đến vài triệu tấn gạo/năm. Nhưng do doanh nghiệp không được phép ký xuất khẩu vào các thị trường ấy nên đầu ra bị hạn chế rất lớn”, ông Bình cho biết.
Trong khi đó, theo một vị đại diện của Tập đoàn Hiệp Thanh (Hiep Thanh Group), gần đây có một đối tác nước ngoài đặt vấn đề liên kết với công ty để sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo lứt vào Indonesia. “Tuy nhiên, do bị hạn chế đàm phán xuất khẩu vào đó (Indonesia) nên chúng tôi vẫn còn đang chần chừ”, vị đại diện này nói.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết đối với hợp đồng 800.000 tấn gạo mà Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) và miền Nam (VINAFOOD 2) ký với Philippines hồi tháng 4 rồi, thì hầu như đến nay các doanh nghiệp thực hiện đều bị lỗ hết. “Chỉ những hợp đồng nào do doanh nghiệp tự đàm phán và ký thì còn có lãi”, ông Khải nói.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ, cho biết trong một lần làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong (Chủ tịch VFA lúc bấy giờ- PV) cho rằng ngoài thời gian đàm phán những hợp đồng cấp Chính phủ (thông thường giao cho VINAFOOD 1 và 2 đại diện đàm phán và buộc các doanh nghiệp khác phải tạm ngưng bán vào trong thời điểm đó- PV), thì doanh nghiệp vẫn được phép ký hợp đồng xuất khẩu vào thị trường tập trung bình thường.
“Tuy nhiên, trên thực tế phản ảnh của nhiều doanh nghiệp với chúng tôi họ vẫn bị VFA làm khó dễ khi đăng ký xuất khẩu vào thị trường tập trung”, ông Toại cho biết.
Theo ông Bình của Trung An, việc doanh nghiệp bị hạn chế quyền được xuất khẩu vào những thị trường tập trung có nguy cơ làm phá vỡ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ của ngành lúa gạo. “Tôi làm chuỗi giá trị từ A-Z ( từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ) nhưng nếu bị hạn chế xuất khẩu thì sẽ làm tê liệt cái chuỗi của chúng tôi. Như vậy, còn ai dám đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nữa?”, ông Bình đặt vấn đề.
Cũng tại hội nghị này, ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất thiết phải mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản.
“Chúng ta nên tập trung khai thác những thị trường khác như Úc, Trung Đông, châu Âu, Mỹ... Tuy nhiên, cũng không nên quá dè chừng mà bỏ qua thị trường Trung Quốc bởi họ cũng thực sự có nhu cầu”, bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng giám đốc Công ty Gentraco cho biết.
Ngoài ra, theo một số đại biểu tham dự hội nghị, bên cạnh mở rộng thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần chủ động liên kết tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, tránh cạnh tranh không lành mạnh và phá giá lẫn nhau…
Trung Chánh
tbktsg
|