Thứ Hai, 14/07/2014 10:11

Doanh nghiệp xuất khẩu lo lỗ vì lúa gạo tăng giá

Giá lúa gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu nhiều, nhưng nguồn nguyên liệu hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại kêu lỗ vì lỡ bán “hớ” giá.

Giá gạo nội địa, xuất khẩu tăng tiếp

Tiếp tục xu hướng đã có từ cách nay hơn nửa tháng, giá lúa gạo nội địa tại ĐBSCL tăng mạnh những ngày gần đây.

Thông tin từ nhiều thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL cho biết hiện lúa IR 50404 (tươi) có giá dao động khoảng 4.400-4.500 đồng/kg và 4.800-4.900 đồng/kg đối với các giống lúa hạt dài chế biến gạo 5% tấm, tăng bình quân khoảng 100 đồng/kg so với mức giá của tuần rồi.

Gạo nguyên liệu tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp và chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang hiện được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua vào với giá 6.850-7.000 đồng/kg đối với giống IR 50404 (tùy chất lượng), tăng khoảng 100-150 đồng/kg so với mức giá của tuần rồi.

Không chỉ thị trường nội địa, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, cho biết giá chào xuất khẩu những ngày gần đây cũng tiếp tục tăng lên. Cụ thể, gạo 5% hiện được chào bán với giá 420-430 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm 370-380 đô la Mỹ/tấn, tăng 5 đô la Mỹ/tấn so với tuần rồi.

Riêng đối với gạo thơm Jasmines, giá chào xuất khẩu được doanh nghiệp đưa ra vẫn ổn định ở mức 575-585 đô la Mỹ/tấn.

Ông Nguyễn Thanh Thọ, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết nhu cầu nhập khẩu (bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch) tăng mạnh; nguồn cung nội địa còn hạn chế là nguyên nhân kéo giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua.

Doanh nghiệp kêu lỗ

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, với giá trúng thầu các hợp đồng gần đây và mặt bằng giá gạo nội địa như hiện nay, họ đang lỗ khi thực hiện giao hàng cho đối tác.

“Tới giờ phút này, doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi chưa ký được hợp đồng nào giá cao hết nhưng với mặt bằng giá hiện nay, thì hầu như ai xuất đi cũng lỗ. Thậm chí, nếu lấy lấy mặt bằng giá hiện nay so với lô 200.000 tấn (5% tấm) mới được Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2) ký với Malaysia, doanh nghiệp cũng lỗ luôn”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát cho biết.

Theo ông Tuấn, đợt rồi VINAFOOD 2 bán cho Maylaysia giá 402 đô la Mỹ/tấn đối với giao hàng tàu và 410 đô la Mỹ/tấn giao hàng bằng container. Lý do lỗ là chất lượng gạo hiện tại của vụ hè thu 2014 còn kém, tỷ lệ thu hồi thấp cộng với phải đấu trộn thêm gạo 5% tấm vụ đông xuân mới xuất được thành ra lỗ.

“Ví dụ, mua gạo nguyên liệu IR 50404 để làm gạo 5% tấm, hồi trước tỷ lệ thu hồi là 60-65% (tức 1 kg gạo nguyên liệu IR 50404 đánh bóng, tách màu…, thu được 600-650 gam gạo thành phẩm 5% tấm- PV) nhưng hiện tỷ lệ thu hồi chưa tới 50%, do đó giá thành sản xuất gạo 5% tấm sẽ tăng lên, làm doanh nghiệp lỗ”, ông Tuấn dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi 2 (Tiền Giang) thì, cho rằng do lượng gạo đi tiểu ngạch sang Trung Quốc nhiều làm giá bán tăng lên nên thực hiện các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch gặp khó khăn.

“Để có gạo thực hiện hợp đồng đã ký, doanh nghiệp phải đẩy giá mua lên cạnh tranh với thương lái bán tiểu ngạch, tuy nhiên, điều này khiến chúng tôi đối mặt với nguy cơ rơi vào lỗ lã”, ông cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện có không ít doanh nghiệp chần chừ, không dám tiếp nhận chỉ tiêu từ VINAFOOD 2 đối với hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn đi Malaysia vì lo sợ lỗ.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết trong 10 ngày đầu tháng 7-2014, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã xuất khẩu được gần 180.000 tấn gạo, trị giá FOB đạt trên 80,5 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu đến ngày 10-7-2014 đạt gần 3,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt gần 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10-7-2014, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được 0,5/1,6 triệu héc ta lúa hè thu 2014, năng xuất bình quân 5,6 tấn/héc ta, sản lượng thu hoạch đạt 2,24 triệu tấn lúa hàng hóa các loại.


Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cơ hội lớn bán gạo cho Philippines (14/07/2014)

>   Thị trường nông sản thế giới trải qua một tuần lễ ảm đạm (13/07/2014)

>   Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ngừng trồng mới cây cao su (13/07/2014)

>   Thị trường cà phê “vỡ trận” (12/07/2014)

>   Xuất khẩu gạo: Chờ sự trở lại của thị trường truyền thống (12/07/2014)

>   "Xây dựng thương hiệu nông sản để tránh phụ thuộc" (11/07/2014)

>   Trung Quốc "trả đũa" trái cây và bánh kẹo Việt Nam (11/07/2014)

>   Philippines bỏ kế hoạch ngăn gạo ngoại (10/07/2014)

>   Khi nông nghiệp thiếu công nghệ (10/07/2014)

>   Nuôi bò "biết uống bia, nghe nhạc" ở Lâm Đồng (10/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật