Thứ Bảy, 12/07/2014 11:36

Xuất khẩu gạo: Chờ sự trở lại của thị trường truyền thống

Kết thúc kế hoạch 6 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam không như mong đợi khi giảm cả về số lượng và giá trị.

Bốc xếp gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, với những tín hiệu xuất hiện vào tháng 5, tháng 6 vừa qua, một số doanh nghiệp chờ đợi sự trở lại của các thị trường truyền thống châu Á.

Sụt giảm ở nhiều thị trường

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo cả nước đã đạt 3,003 triệu tấn, trị giá FOB là 1,296 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu giảm 13,71%, tương đương khoảng 482.000 tấn, giá trị FOB giảm 13,77%, tương đương 208 triệu USD.

Trong 6 tháng, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại gạo của Việt Nam, nhất là ở các tháng 2 và tháng 3. Tuy nhiên, sang tháng 4 xuất khẩu gạo sang thị trường này có sự sụt giảm, tháng 5 tiếp tục giảm trên 25% cả về lượng và kim ngạch so với tháng trước đó.

Ngược lại, với tình hình xuất khẩu gạo ở biên giới phía Bắc, xuất khẩu gạo sang Philippines - thị trường lớn thứ 2 của gạo Việt Nam thì sau khi giảm mạnh liên tục từ đầu năm, đến giữa tháng 4, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này 800.000 tấn gạo trong 2014, trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) giành hợp đồng cung cấp 600.000 tấn gạo và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giành được hợp đồng cung cấp 200.000 tấn gạo. Theo thỏa thuận, Vinafood 1 và Vinafood 2 sẽ thực hiện giao các lô hàng gạo hạt dài 15% tấm cho Philippines, từ tháng 5 đến tháng 8.

Trong những tháng qua, nhiều thị trường quen thuộc khác của gạo Việt Nam cũng rơi vào tình trạng giảm như Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Algeria, Indonesia... Đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm chủ yếu là do Thái Lan đẩy mạnh bán gạo tồn kho làm giá giảm quá sâu, khiến xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam gặp nhiều trắc trở. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm nhưng giá ổn định ở mức cao, do xuất khẩu biên giới Trung Quốc tăng làm nguồn cung hạn chế. Gạo Việt Nam thiếu cạnh tranh với gạo Thái Lan nên mất dần thị trường so với gạo Thái, nhất là thị trường châu Phi. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu giống gạo cao cấp có khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan là một yêu cầu quan trọng.

Triển vọng từ những thị trường truyền thống

Sau sự trở lại của thị trường Philippines, những ngày cuối tháng 6, Vinafood 2 đã giành được hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Malaysia. Đây là con số không lớn nhưng cũng cho thấy sự quan tâm của nước này đối với gạo Việt Nam. Những năm trước, Malaysia là thị trường xuất khẩu truyền thống của gạo Việt Nam, nhưng năm 2013, mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia chỉ đạt 465.977 tấn, giảm 39% so với 764.692 tấn năm 2012.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 cho biết: Với động thái Malaysia nhập khẩu lần này cho thấy gạo Việt Nam đang dần quay lại được thị trường châu Á. Trước đó, các doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines, Banglades. Sự quay lại của các thị trường châu Á sẽ tạo sự chủ động cho ngành lúa gạo trong nước, khi thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cũng nói về sự trở lại của thị trường truyền thống, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, những thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đang có tín hiệu tốt. Malaysia ngoài hợp đồng đã ký 200.000 tấn, từ nay đến cuối năm khả năng nước này có thể sẽ nhập tiếp. Tương tự, Indonesia cũng đang cân đối để nhập gạo Việt Nam. Riêng Philippines thì ngoài hợp đồng 800.000 tấn đã ký, khả năng nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Linh, Trung Quốc vẫn luôn được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam coi là một thị trường khó lường, rủi ro cao, nhất là khi giữa 2 nước đang căng thẳng trên Biển Đông. Bởi vậy, bên cạnh việc cung ứng tốt cho thị trường còn nhu cầu lớn này, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước luôn nỗ lực để vẫn giữ được những thị trường lớn khác của gạo Việt Nam và mở thêm những thị trường khác ở châu Phi.

Nhằm chủ động không phụ thuộc vào một thị trường nào, là người đứng dầu doanh nghiệp lương thực lớn nhất cả nước, ông Huỳnh Thế Năng cho hay, Vinafood 2 sẽ đổi mới tư duy về chiến lược thị trường. Đó là cùng với việc chú ý đến thị trường tập trung, Tổng công ty sẽ tập trung cho các thị trường thương mại bằng nhiều hình thức xúc tiến, tiếp cận. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết cánh đồng mẫu lớn để có chất lượng gạo ngày một cao hơn, đủ sức cạnh tranh với các nước khác.

Dự báo thị trường những tháng cuối năm, thông tin tổng hợp của VFA từ nhiều nguồn cho thấy, tình hình thị trường gạo thế giới, nhất là châu Á đang chịu tác động bởi biến động chính trị tại Thái Lan, do chính phủ quân sự tạm dừng cung cấp gạo tồn kho để kiểm kê và dự báo thời tiết không thuận lợi cho vụ mùa sắp tới, nhất là lượng mưa tại Ấn Độ được dự báo dưới mức bình thường cũng như khả năng ảnh hưởng chung của hiện tượng El Nino.

Liên Phương

hải quan

Các tin tức khác

>   "Xây dựng thương hiệu nông sản để tránh phụ thuộc" (11/07/2014)

>   Trung Quốc "trả đũa" trái cây và bánh kẹo Việt Nam (11/07/2014)

>   Philippines bỏ kế hoạch ngăn gạo ngoại (10/07/2014)

>   Khi nông nghiệp thiếu công nghệ (10/07/2014)

>   Nuôi bò "biết uống bia, nghe nhạc" ở Lâm Đồng (10/07/2014)

>   Triển vọng từ cây Macca (09/07/2014)

>   Xuất khẩu gạo khởi sắc (08/07/2014)

>   Nhập khẩu ngô tăng đột biến (07/07/2014)

>   Việt Nam chi hàng tỷ USD để... nhập khẩu ngô (06/07/2014)

>   Cà phê: Giá ngoại tăng, giá nội dùng dằng (05/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật