Thứ Bảy, 05/07/2014 15:21

Cà phê: Giá ngoại tăng, giá nội dùng dằng

Giá kỳ hạn cà phê robusta tăng, thị trường nội địa theo không kịp. Xuất khẩu nước ta báo giảm: do giữ lại hàng hay do giá bán không cạnh tranh?

Giá nội địa chưa vượt “vũ môn”

Hiện nay đã là tháng đầu tiên của quý cuối cùng tính theo niên vụ cà phê của Việt Nam và thế giới, bắt đầu từ 1-10 năm trước đến 30-9 năm tiếp theo. Cũng như ở thời điểm này hàng năm, cà phê còn trong tay nông dân không nhiều. Vì thế hàng trao đổi thấy được thông qua chuyên chở từ người mua sang người bán khá hạn chế. Đáng ra, với hiện tượng ấy, giá nội địa phải tăng cực mạnh.

Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tuần qua

Nhưng từ hôm qua cho đến sáng nay thứ Bảy 5-7-2014, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ ngấp nghé quanh mức 40,8 triệu đồng/tấn, chưa vượt mức kỳ vọng quan trọng 41 triệu đồng/tấn. Theo một số đại lý và nhà xuất khẩu, sở dĩ giá chưa lên mạnh được là do sức chốt giá bán cho hàng gởi kho khá nhiều. Hiện tượng này đã góp phần làm “đứng bánh” giá cà phê nội địa mấy ngày qua dù đáng ra nó phải vượt qua mức ấy nếu so sánh với mức tăng cùng chiều với giá kỳ hạn.

Giá đóng cửa cà phê robusta trên sàn kỳ hạn Ice Liffe tại London vào ngày thứ Năm 3-7 đã tăng lên cao hơn cả mức giá đỉnh của tháng 6-2014 là 2.034 đô la/tấn để đạt mức 2.068 đô la/tấn, tăng 34 đô la/tấn nhưng lại cao hơn tới 174 đô la/tấn so với mức đóng cửa thấp nhất của tháng trước là 1.894 đô la/tấn vào ngày 10-6.

Khuya hôm qua 4-7 tức rạng sáng nay thứ Bảy, tuy đóng cửa giá kỳ hạn robusta London giảm lại 12 đô la, chỉ còn 2.056 đô la/tấn, mức này vẫn cao hơn giá đỉnh của cả tháng 6-2014. Thế nên giá nội địa lại càng không thể vượt được “vũ môn”, chưa kịp tăng đã bị áp lực giảm (xin xem biểu đồ trên).

Cà phê xuất khẩu bị trả rẻ hơn

Một lý do khác làm giá nội địa không lên được xứng tầm với sức vươn của giá kỳ hạn là giá xuất khẩu tính trên cơ sở chênh lệch với giá niêm yết nay giảm khá nhiều. Cà phê robusta loại 2,5% đen bể cách đây vài tuần được chào ở mức bằng giá niêm yết sàn London thì nay các nhà xuất khẩu chào trừ 30 đô la/tấn và nhà nhập khẩu đòi chỉ “khớp” giá trừ 60-65 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn London.

“Sở dĩ phải trả mức trừ 60-65 đô la/tấn vì chúng tôi có thể mua thoải mái hàng robusta của Brazil ngay bây giờ với mức trừ 30-40 đô la/tấn. 20-30 đô la chênh lệch không phải do chất lượng mà do cước chuyên chở từ Brazil đi Mỹ rẻ hơn nhiều so với đoạn đường từ Việt Nam qua bên đấy”, một nhà nhập khẩu Thụy Sĩ có văn phòng đại diện tại TPHCM cho biết.

Nếu như phát biểu trên là đúng thì đây là một điều đáng ngại cho thị phần cà phê robusta của các nước xuất khẩu loại này.

Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê nước ta tháng 6-2014 chỉ đạt 110.000 tấn giảm so với 137.000 tấn trong tháng 5-2014.

Mất mùa vẫn bán ra tì tì

Tuy tin đồn ảnh hưởng tiêu cực của hạn hán đầu năm nay tại Brazil làm nước này mất mùa vẫn chưa có hồi kết, dù vẫn rất bận rộn với các hoạt động sôi nổi World Cup 2014, Brazil và nước Colombia láng giềng vẫn không ngừng tăng cường xuất khẩu.

Theo ước tính của Bộ Thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 của nước này đạt 2,62 triệu bao (60 kg x bao), tăng 26% so với 2,08 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Theo Liên đoàn Cà phê quốc gia Colombia, trong tháng qua xuất khẩu của nước này cũng tăng 11,74% đạt 752.000 bao. Lũy kế chín tháng đầu niên vụ 2013/14, xuất khẩu cà phê arabica Colombia ước đạt 8,27 triệu bao, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu mạnh với giá thấp trong khi tin đồn liên tục dấy lên rằng niên vụ sắp tới sẽ mất mùa đậm làm cho các nhà kinh doanh cà phê suy nghĩ.

Quả vậy, xuất khẩu mạnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá kỳ hạn. Nếu như giá robusta từ cuối tháng trước đến nay ngày càng vững, thì giá arabica mỗi lúc gây thêm chán chường. Nếu như giá đóng cửa kỳ hạn arabica trên sàn Ice New York ngày 25-6 đạt mức đỉnh trong tháng 6-2014 là 182,05 xu/cân Anh (cts/lb), thì đến ngày 3-7 chỉ còn 171,80 cts/lb hay tương ứng với 4.013 và 3.787 đô la/tấn, giảm 226 đô la/tấn.

Mất mùa arabica: Lật tẩy ván bài?

Cách đi trái chiều lạ kỳ của hai sàn kỳ hạn robusta và arabica phải làm nhiều nhà phân tích không khỏi bối rối. Như ngân hàng Rabobank - nhà tài trợ và phân tích thị trường cà phê chuyên nghiệp và lão luyện phải thốt lên rằng: càng thu hoạch, càng thấy rằng “ảnh hưởng cụ thể” của đợt hạn hán lên sản lượng cà phê Brazil được nhiều người vẽ thêm nhiều quá. Điều ấy thể hiện rõ trên thị trường: giá kỳ hạn arabica xuống và mức chênh lệch của arabica đối với robusta nay không nhiều.

Diễn biến mức cách biệt giá giữa hai sàn arabica và robusta (nguồn: SocGen)

Thị trường cà phê thế giới giao dịch chủ yếu hai loại cà phê gồm arabica và robusta. Arabica quyết định chất lượng tách cà phê và chiếm tỷ trọng giao dịch hàng thực chừng 60-65%. Người ta cho rằng khi độ cách biệt (arbitrage) giữa arabica và robusta càng lớn, tức giá arabica mắc hơn do thiếu hàng vì hạn hán chẳng hạn; khi mức chênh lệch này co lại tức arabica rẻ. Dựa trên chênh lệch này mà các nhà rang xay sẽ quyết định sử dụng loại này hay loại kia nhiều vì mục đích giảm giá thành.

Hết ngày 3-7, độ chênh lệch của arabica với robusta chỉ còn 1.746 đô la/tấn so với ngày 23-4 là 2.575 đô la/tấn, nhưng giữa năm 2011, có lúc cách biệt đến trên 4.100 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên). Nếu như giá giao dịch robusta hiện nay là 2.000 đô la/tấn, thì arabica có mức 3.746 đô la/tấn và vào ngày 23-4 người mua phải trả đến 4.575 đô la cho mỗi tấn cà phê arabica.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Philippines: Gạo dự trữ đạt 2,92 triệu tấn, đủ dùng cho 83 ngày (05/07/2014)

>   Không từ bỏ lợi thế cạnh tranh của cây lúa (05/07/2014)

>   Vải xuất sang Trung Quốc vẫn nhộn nhịp (05/07/2014)

>   FAO: Giá lương thực giảm nhờ nguồn cung ngũ cốc cải thiện (04/07/2014)

>   Cần tiếp tục cho xuất khẩu đường (04/07/2014)

>   Giảm thuế cao su về 0%: VN sập bẫy mua rẻ, bán rẻ! (04/07/2014)

>   Sẽ giảm thuế xuất khẩu cao su xuống 0% (03/07/2014)

>   Thêm 2.370 tỷ đồng thí điểm cho vay các dự án nông nghiệp (03/07/2014)

>   Hồ tiêu hướng mốc xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD (03/07/2014)

>   Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD (02/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật