Thứ Bảy, 05/07/2014 10:10

Không từ bỏ lợi thế cạnh tranh của cây lúa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020 chuyển hơn 200.000 héc ta đất lúa sang trồng màu, trong đó sẽ dành khoảng 53.000 héc ta cho cây bắp.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL”, tổ chức tại Cần Thơ giữa tuần rồi, TS. Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD), tỏ ra băn khoăn khi cho rằng chưa có căn cứ để xác định từ bỏ lợi thế cạnh tranh (cây lúa) sẽ đạt hiệu quả.

Phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, lai tạo để cho ra những giống lúa mới, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của nhà nhập khẩu. Ảnh: T.L

Lách qua khe cửa hẹp

Theo dự báo của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), sản xuất lúa gạo thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh thời gian tới nhưng thương mại gạo toàn cầu sẽ tăng chậm hơn so với tốc độ phát triển sản xuất. Theo TS. Jong Ha Bae, Trưởng đại điện FAO tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo thế giới tăng chủ yếu ở phân khúc cấp thấp và trung bình do việc mở rộng diện tích sản xuất ở Myanmar, Campuchia… Riêng phân khúc gạo chất lượng cao và gạo thơm vẫn còn nhiều triển vọng. “Đây là cơ hội để các bạn chuyển hướng sản xuất, tăng xuất khẩu vào những thị trường có nhu cầu ở phân khúc này”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, theo TS. Samarendu Mohanty, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), đối với phân khúc thị trường gạo chất lượng cao, hiện Việt Nam đã xuất khẩu được gạo thơm Jasmine nhưng với thị phần rất nhỏ, phần lớn của “miếng bánh” đã rơi vào tay Thái Lan với loại gạo thơm Hom Mali và Ấn Độ với gạo Basmati.

Về thị trường tiêu thụ, ông Samarendu Mohanty cho biết hiện có khoảng 39% khối lượng gạo Hom Mali của Thái Lan được bán sang các nước châu Á, 17% bán sang châu Phi, 22% cho Mỹ. Trong khi đó, gạo Basmati của Ấn Độ đã khai thác gần như toàn bộ những thị trường sử dụng loại gạo này như Iran, Ảrập Saudi, Iraq, Kuwait, Yemen…

Nên tập trung tái cơ cấu nội tại ngành lúa gạo, từ giống, đầu vào, công nghệ sau thu hoạch, xúc tiến thương mại... thay vì triển khai tái cơ cấu một cách mơ hồ theo hướng chuyển đổi cây trồng.

Theo ông Samarendu Mohanty của IRRI, xét về điều kiện đất đai, khí hậu… Việt Nam rất khó sản xuất được gạo thơm giống như Hom Mali của Thái Lan hay Basmati của Ấn Độ. “Đặc biệt, các bạn rất khó cạnh tranh, thay thế được Thái Lan, Ấn Độ ở những thị trường họ đang xuất khẩu tốt bởi họ đã tạo được những thương hiệu rất nổi tiếng từ hàng thập kỷ nay rồi”, ông nói.

Vậy hướng đi nào cho Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành gạo sắp tới?

“Việt Nam có thể sản xuất các loại gạo thơm khác, có thể chất lượng thấp hơn Hom Mali một chút. Các bạn nên đi theo hướng tìm kiếm, khai thác thêm thị trường mới”, ông Samarendu Mohanty khuyến cáo.

Tái cơ cấu nội tại ngành

Trên cơ sở xác định được chiến lược phát triển, một số nhà chuyên môn cho rằng nên tập trung tái cơ cấu nội tại ngành lúa gạo, từ giống, đầu vào, công nghệ sau thu hoạch, xúc tiến thương mại... thay vì triển khai tái cơ cấu một cách mơ hồ theo hướng chuyển đổi cây trồng.

Theo ông Samarendu Mohanty, chẳng hạn đối với lúa giống, phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, lai tạo để cho ra những giống lúa mới, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của nhà nhập khẩu.

Cùng quan điểm, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng trên cơ sở nắm rõ nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ triển khai, tổ chức liên kết với nông dân để sản xuất lúa hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Còn theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thì tái cơ cấu ngành lúa gạo, tức là giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân. “Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tiết kiệm nước, giảm phân bón, thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, phải có giống chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo và phát triển tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm thị trường để có giá bán cao hơn”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng Nhà nước cần phải tập trung nguồn lực (kể cả chính sách tín dụng) cho tái cơ cấu công nghệ sau thu hoạch bởi đây là một mắt xích còn khá yếu trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở nước ta. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghệ sau thu hoạch yếu kém đã gây thất thoát khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.

Chuyển sang trồng bắp - chưa hợp lý

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước chuyển đổi hơn 200.000 héc ta đất sản xuất lúa tại ĐBSCL sang trồng màu các loại, trong đó dành một phần lớn diện tích cho trồng bắp. Liệu đây có phải là một bước đi đúng? Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, việc giảm diện tích trồng lúa để giúp nâng cao thu nhập cho nông dân là chuyện viển vông. Theo ông Bích, muốn chi phối được thị trường gạo thế giới, tức việc giảm diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL có tác động đến giá xuất khẩu gạo thế giới, thì diện tích giảm phải đủ lớn, “chứ một vài trăm ngàn héc ta thì nhằm nhò gì, quá ít so với tổng diện tích sản xuất lúa của Việt Nam và càng ít hơn so với thế giới”, ông Bích nói.

Trong khi đó, các số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt một lượng bắp rất lớn. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng bốn tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã chi khoảng 522 triệu đô la Mỹ để nhập 2,04 triệu tấn bắp, tăng ba lần về khối lượng và hai lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thiếu bắp và phải chi hàng tỉ đô la Mỹ hàng năm để nhập khẩu bắp là một thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, theo ông Bích, chưa có cơ sở để khẳng định chuyển từ trồng lúa sang bắp sẽ giành thắng lợi.

Ông Bích đưa ra hai lý do để khẳng định điều đó là không khả thi: thứ nhất giá bắp Việt Nam chịu tác động bởi giá bắp thế giới, thứ hai, Việt Nam không thể đóng cửa thị trường để nâng giá bắp nội địa được. Vì vậy, để việc chuyển đổi thành công, nhất thiết năng suất và diện tích bắp của Việt Nam phải cạnh tranh được với thế giới”, ông Bích khẳng định.

Theo ông Bích, năng suất lúa của Việt Nam rất cao, có khả năng cạnh tranh lớn “thế mà bây giờ định vứt bỏ cái khả năng cạnh tranh lớn ấy để chạy theo cái mặt hàng (bắp) cạnh tranh không lại, rõ ràng đây là chuyện không hợp lý”, ông nói.

Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vải xuất sang Trung Quốc vẫn nhộn nhịp (05/07/2014)

>   FAO: Giá lương thực giảm nhờ nguồn cung ngũ cốc cải thiện (04/07/2014)

>   Cần tiếp tục cho xuất khẩu đường (04/07/2014)

>   Giảm thuế cao su về 0%: VN sập bẫy mua rẻ, bán rẻ! (04/07/2014)

>   Sẽ giảm thuế xuất khẩu cao su xuống 0% (03/07/2014)

>   Thêm 2.370 tỷ đồng thí điểm cho vay các dự án nông nghiệp (03/07/2014)

>   Hồ tiêu hướng mốc xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD (03/07/2014)

>   Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD (02/07/2014)

>   Thủy sản "có cửa" sang Pakistan (02/07/2014)

>   Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cao su (02/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật