Thứ Năm, 31/07/2014 06:49

DN nhà nước trong kinh tế thị trường

Khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) nói chung, DNNN nói riêng, đã được khẳng định giữa “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) ở VN. Tuy nhiên, đánh giá vai trò của DNNN ở nước ta cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự, với nhiều băn khoăn, trăn trở của nhiều người.

Hệ số ICOR của khu vực DNNN và các thành phần kinh tế khác 2006-2010 (Nguồn: Bùi Trinh (2011) – Dẫn theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội (2012): Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012. Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu)

Bài viết này sẽ phân tích một số khía cạnh về thực trạng vai trò của DNNN ở nước ta hiện này, đồng thời khuyến nghị một vài quan điểm, giải pháp.

Nhận diện những khó khăn, bất cập

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của khu vực KTNN thời gian quan luôn là chủ đề được bàn thảo và có tính thời sự, có thể khái quát một số hạn chế chủ yếu.

Thứ nhất, DNNN là nơi sở hữu nguồn lực to lớn của xã hội nhưng những đóng góp cho nền kinh tế lại chưa tương xứng. Báo cáo của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, Bộ kế hoạch đầu tư, cho thấy DNNN hiện chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các NHTM và 70% vốn ODA… Tuy nhiên, khu vực này chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP; Trong giai đoạn 2006-2012, các DNNN chỉ đóng góp khoảng 26% GDP, so với 43% đóng góp từ DN tư nhân.

Thứ hai, mặc dù phải đảm nhiệm các chức năng chính trị, kinh tế - xã hội nhằm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, song hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN ở VN ở mức quá thấp và có khoảng cách chênh lệch lớn với khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ ba, do quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng lợi ích nhóm, khu vực kinh tế Nhà nước phát sinh khá nhiều tiêu cực, làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu trong nền kinh tế. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thì “tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với DNNN…”, nếu tính đầy đủ, thì “tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN sẽ 73,05%”.

Thứ tư, thực tiễn phát triển của các DNNN bên cạnh những mặt đạt được, đóng góp vai trò quan trọng và phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ đổi mới, vai trò “chủ đạo” của khu vực DNNN đã bị lạm dụng, bị “bóp méo” chức năng, nhiệm vụ của các DNNN trong nền kinh tế thị trường, như: đầu tư tràn lan, chạy theo lợi nhuận thị trường; tận dụng các lợi thế của mình để lấn áp khu vực tư nhân, cạnh tranh bất bình đẳng với các DN ngoài nhà nước; trì kéo, làm chậm quá trình cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước, nhằm duy trì lợi ích cục bộ, hoặc che dấu những yếu kém, sai lầm trong hoạt động của DN.

Những bất cập trên, thể hiện “khoảng trống”, “điểm nghẽn” trong thể chế sở hữu và quản lý tài sản của khu vực DNNN.

Vài khuyến nghị về quan điểm, giải pháp

Thứ nhất, điểm cốt lõi để có nhận thức mới về KTNN nói chung, DNNN nói riêng là cần tiếp tục đổi mới tư duy về mô hình CNXH, coi chủ nghĩa XHCN là mục tiêu, mà theo quan điểm của VN hiện nay, đó là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong nhận thức và thực tiễn không thể coi chế độ công hữu, cũng như thể chế kinh tế thị trường là mục tiêu của CNXH. Con đường đi lên CNXH là một quá trình lâu dài và việc xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, cần tiếp tục nghiên cứu, khám phá, phù hợp với thực tế phát triển của thời đại và nền kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua Cương lĩnh 2011 đã xác định “Xã hội – XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Đây là sự diễn giải phù hợp, cho phép có những nhận thức mới về kinh tế nhà nước, DN nhà nước.

Thứ hai, cần xác định vị trí, vai trò của khu vực KTNN, DNNN trong mối quan hệ với khu vực KTTN trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực KTNN, bao gồm cả các DNNN giữ vai trò nền tảng, là “bệ đỡ” để nền kinh tế phát triển bền vững, khu vực KTTN là động lực quan trọng, có vai trò đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, khu vực kinh tế tư nhân luôn có ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh doanh và là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thực tế phát triển kinh tế của các nước trên thế giới đều đã minh chứng vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư cần phải được xác lập với đầy đủ tính pháp lý, thông tin minh bạch, trách nhiệm rõ ràng.

Điều quan trọng là, trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư cần phải được xác lập với đầy đủ tính pháp lý, thông tin minh bạch, trách nhiệm rõ ràng. Chúng tôi tán đồng với quan điểm của GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn khi phân tích: “Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, sự phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh là một tất yếu. Các bộ phận này hợp thành nền kinh tế quốc dân có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có quan hệ tương hỗ với nhau, không nên đặt cho một bộ phận này có vai trò quan trọng hơn bộ phận khác”.

Thứ ba, khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, đã được ghi trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên sự hoạt động của khu vực kinh tế này vẫn đang tiếp tục được phân tích, mổ xẻ và hoàn thiện thể chế trong quản lý, điều hành. Đối với DNNN, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa hiện nay, là một động thái tích cực của Chính phủ, bên cạnh đó cần thiết có một thể chế pháp lý để trực tiếp chịu trách nhiệm kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNN, như một DN trong nền kinh tế, theo luật định và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Về mặt nhận thức, không nên sử dụng các DNNN như là một lực lượng để “can thiệp” vào nền kinh tế, can thiệp vào thị trường. Bởi vì, quy định “nhiệm vụ” này không chỉ vi phạm tính bình đẳng, mà còn tạo ra các yếu tố “độc quyền”, tạo điều kiện cho cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nền kinh tế. Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy, khu vực kinh tế Nhà nước luôn có vai trò tạo dựng, tiên phong, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, còn các DNNN phải được duy trì ở một tỷ lệ nhỏ, thật sự cần thiết và tuân theo “luật chơi” của thị trường.

Thứ tư, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, sắp xếp lại các TCty, tập đoàn kinh tế, Chính phủ cần có một số giải pháp đồng bộ khác, đó là: Hoàn thiện mô hình quản trị DN, tuân thủ mọi quy định của Luật DN; Cần tập trung đầu tư một số ít DNNN đủ mạnh, có vai trò tiên phong, đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển KT – XH; Các DNNN thực hiện chức năng xã hội cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ; mở rộng hình thức hợp tác công - tư trong các lĩnh vực dịch vụ công ích; Nâng cao năng lực quản lý, đạo đức công vụ trong khu vực kinh tế công.

Thực tế phát triển KT - XH ở VN hiện nay, đã cho thấy cải cách thể chế kinh tế, trong đó cải cách khu vực KTNN và các DNNN đang đặt ra hết sức cấp thiết. Đã đến lúc cần đánh giá lại vai trò của KTNN nói chung và DNNN nói riêng, từ đó đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, triệt để hơn.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM)

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Hiện tượng mới trong PPP (31/07/2014)

>   DN bế tắc, tín dụng còn tụt dốc (31/07/2014)

>   Cơ hội tăng trưởng kinh tế từ gói cam kết Bali (30/07/2014)

>   Gỡ rào cản công nghiệp hỗ trợ (30/07/2014)

>   Xuất khẩu VN dựa quá nhiều vào sản phẩm thô (30/07/2014)

>   Thủ tướng chấp thuận xây sân bay tại Quảng Ninh (30/07/2014)

>   Intel Việt Nam sẽ sản xuất 80% chip máy tính thế giới (30/07/2014)

>   17 dự án ở Mộc Bài “giậm chân” tại chỗ sau 10 năm (30/07/2014)

>   Vẫn câu hỏi lối thoát nào cho Vinalines (30/07/2014)

>   Ngành dệt may đi tìm đơn hàng giá cao (30/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật