Ngành dệt may đi tìm đơn hàng giá cao
Để có được đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang phải “đổ mồ hôi” với sức nóng cạnh tranh từ nhiều quốc gia trong khu vực.
Không còn lợi thế lao động giá rẻ, một số doanh nghiệp đang xoay xở tính toán lại các chủng loại sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao...
Với chi phí sản xuất đầu vào liên tục tăng thời gian qua, không ít doanh nghiệp cho biết dù vẫn có tăng trưởng nhưng lợi nhuận chắc chắn sẽ bị thu hẹp do sự cạnh tranh quá khốc liệt.
Cạnh tranh từng đơn hàng
"Ở những phân khúc chủng loại sản phẩm có giá trị trung cao trở lên, Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh so với Indonesia, Malaysia về tay nghề kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu xét về khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, thiết bị sản xuất tiên tiến, nhiều nhà đặt hàng vẫn đánh giá các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cao hơn"
Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM)
|
Dù ký được hợp đồng xuất khẩu đến tháng 11-2014 cho khách hàng Mỹ (mỗi tháng xuất 60.000 bộ áo vest với giá trị gia công khoảng 400.000 USD) nhưng ông Nguyễn Hữu Toàn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 2 (TP.HCM), vẫn khá buồn vì 50% đơn hàng sản xuất quần nữ của khách hàng Nhật đã bị rút để chuyển sang Campuchia thực hiện.
Theo ông Toàn, ngoài yếu tố chi phí sản xuất tại VN ngày một tăng, lợi thế về sử dụng nguồn gốc nguyên liệu của nhà đặt hàng ở Campuchia cũng đang tốt hơn so với VN. “Cùng một mã hàng sản xuất, nhưng nếu mua vải được sản xuất tại VN giá đắt hơn so với mua tại Campuchia nên khách hàng Nhật chuyển đơn hàng sang đó để tận dụng ưu thế này” - ông Toàn phân tích. Còn với những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, ông Toàn cho hay đơn giá gia công không thể tăng được do “khách hàng cũng tính chi li, không phải cái gì mình đề nghị tăng họ cũng chấp thuận nên chỉ còn nước gồng mình để làm, lợi nhuận đương nhiên giảm”.
Tương tự, dù đơn đặt hàng đến hết năm nay nhưng ông Ngô Kim Quy, ủy viên thường trực HĐQT Công ty cổ phần may Bình Minh, thừa nhận “khách đặt hàng Nhật yêu cầu độ khó kỹ thuật trên sản phẩm cao hơn, mẫu mã phức tạp hơn nhưng số lượng của từng mã hàng lại nhỏ đi, nên nhận làm cũng “chua” lắm!”. Với giá gia công khoảng 2 USD/áo sơmi, nhưng số mũi kim thực hiện trên 1cm phải là bảy mũi thay cho sáu mũi như trước đây, “nghĩa là kỹ năng của công nhân phải khéo léo hơn để thực hiện được đúng yêu cầu này” - ông Quy chia sẻ.
Tại Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC), tỉ lệ đơn hàng vẫn tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Lân thừa nhận sự “cạnh tranh của các quốc gia khác luôn là áp lực đối với ngành dệt may VN nói chung và NBC nói riêng, đặc biệt các quốc gia có năng lực sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh”. Theo ông Lân, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt so với các đối thủ cạnh tranh tập trung vào nguồn cung nguyên phụ liệu bị lệ thuộc, luôn bị nhà đặt hàng chỉ định nhập khẩu do năng lực cung ứng trong nước còn bị hạn chế khá lớn.
Cơ cấu xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm 2014 - Đơn vị tính: tỉ USD (Nguồn: Bộ Công thương) - Đồ họa: V.Cường - Dữ Liệu: T.V.N.
|
“Khó sống” với hàng giá trị thấp
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), kể trong một chuyến khảo sát mới đây của Agtek ở Campuchia, mức lương nhân công ngành may của quốc gia này hiện dao động 100-120 USD/tháng, thấp hơn mức bình quân 220-250 USD/tháng tại VN. “Nếu xem yếu tố lương là cơ bản nhất để đánh giá ưu thế cạnh tranh, rõ ràng nhà đặt hàng đương nhiên phải chọn nơi nào có chi phí thấp, có mã hàng phù hợp để cân nhắc kế hoạch sản xuất sao cho có lợi” - ông Hồng nói.
Trong khi đó, dù được đánh giá có lao động kỹ thuật cao, tay nghề may giỏi nhưng với bất lợi chi phí sản xuất đầu vào ngày một leo thang, nên VN đang dần được các nhà đặt hàng lựa chọn để lại những đơn hàng đòi hỏi độ kỹ thuật khó, công may nhiều thay cho các đơn hàng có giá trị thấp, kỹ thuật giản đơn. “Chi phí lao động thấp từ Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan sẽ rất thích hợp cho các mặt hàng chăn, drap gối, bảo hộ lao động, sơmi giá rẻ sản xuất ở đây” - ông Lân phân tích.
Ông Lân cũng cho rằng VN đang có giá nhân công thấp hơn Trung Quốc một chút, “nhưng lại cao hoặc bằng so với một loạt quốc gia nói trên, trong khi các yếu tố khác như giá cả nguyên liệu, giá thuê nhân công... chưa hẳn có lợi thế”. Đơn cử nếu so với cùng thời điểm năm ngoái, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với hàng loạt chi phí tăng, từ lương cơ bản tăng dẫn đến tiền lương và thu nhập phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động, đến chi phí phục vụ sản xuất như xăng dầu, điện... có chiều hướng tăng chứ không giảm, khiến sức cạnh tranh ngày một giảm dần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu trong nước luôn rơi vào thế bị động, chỉ chờ nhà đặt hàng “cơ cấu” nguồn cung theo chủ đích của mình muốn.
Theo ông Lê Quang Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, tùy theo chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp, nhưng đã đến lúc các doanh nghiệp cần tính toán lại các chủng loại sản phẩm có khả năng cạnh tranh để hoạch định con đường đi của mình. Việc chuyển đổi sản xuất sản phẩm có giá trị thấp sang sản phẩm có giá trị cao, cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và cao hơn nữa là ODM ((tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) “hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản và không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông Hùng khẳng định.
Lấy ví dụ tại công ty mình, ông Hùng cho biết lúc trước một áo jacket gia công với kết cấu may vừa phải được khách hàng trả 3 USD/áo. Nhưng bây giờ khách đặt hàng đã trả đến 7 USD/áo vì công ty nhận may mẫu áo có độ phức tạp cao hơn, yêu cầu kỹ thuật nhiều hơn. “Làm được đơn hàng có giá cao này, đương nhiên chúng tôi phải đầu tư đội ngũ lao động khéo léo, thiết bị sản xuất cũng được nâng cấp đầu tư tương xứng để chuyển đổi phẩm cấp đơn hàng” - ông Hùng chia sẻ.
Trần Vũ Nghi
tuổi trẻ
|