Thứ Năm, 31/07/2014 06:38

Hiện tượng mới trong PPP

Đề án Nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long với nhượng quyền thu phí trong vòng 50 mà Tập đoàn Bitexco (Cty TNHH và Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh) vừa đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Ninh chưa biết sẽ đi đến kết quả ra sao, nhưng ít nhất Tập đoàn này đã khởi động cho một xu hướng cả về hợp tác công tư (PPP) lẫn nhượng quyền thương hiệu…

Ngay sau Bitexco, một DN đang kinh doanh hiệu quả ngay trên “sân nhà” Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu, cũng có công văn đề nghị muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

* Sau Bitexco, tập đoàn Tuần Châu muốn "thâu tóm" Vịnh Hạ Long

* Bitexco muốn nắm quyền thu phí Vịnh Hạ Long 50 năm

Không dừng ở con số 2

Một nguồn tin riêng của DĐDN cho hay trên thực tế không phải chỉ có Bitexco hay Tuần Châu mới đặc biệt quan tâm Vịnh Hạ Long. Trước đó, Tập đoàn khai thác quản lí nhượng quyền thương hiệu TRAwise đến từ Phần Lan cũng đã có kế hoạch và thậm chí dự phóng dòng tiền khai thác của dịch vụ quản lí Vịnh Hạ Long để nhắm tới đề xuất nhượng quyền thương hiệu. Nguồn tin này cũng cho biết với sức hấp dẫn riêng có, vị thế có một không hai của mình cộng chủ trương cởi mở mời gọi đầu tư khai thác của lãnh đạo tỉnh, Vịnh Hạ Long đang là dự án hấp dẫn cả những DN/ tập đoàn nước ngoài. Khả năng danh mục các nhà đầu tư nộp đề án/ tờ trình tới UBND tỉnh Quảng Ninh thời gian tới sẽ còn dài hơn con số 2.

Tiên phong PPP trong lĩnh vực mới?

Liên quan đến hiệu quả hợp tác công tư để nâng cao hiệu quả quản lí, theo bà Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long, mức thu phí mà các DN đề xuất hiện tại chưa đạt được kế hoạch tỉnh đề ra. Dự toán của Ban Quản lí về mức doanh thu phí tham quan và cơ chế tài chính của tỉnh đang thực hiện năm 2014 thì số thu ngân sách cho tỉnh dự kiến cho 10 năm khoảng 6.023 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dự kiến mà Bitexco đưa ra là khoảng 4.700 tỷ đồng.

Trong trường hợp này cũng một chuyên gia cho rằng một khi đã có nhiều hơn một nhà đầu tư muốn “tranh” quyền quản lí, khai thác du lịch Vịnh, đấu thầu giá trị nguồn thu ngân sách sẽ là phương án hợp lí và minh bạch nhất. Điều này cũng đòi hỏi chủ quyền thương hiệu Vịnh Hạ Long sẽ phải có một định lượng cụ thể về khai thác, quản lí thương hiệu tính theo tuyến tính thời gian – khác biệt hoàn toàn so với định lướng giá trị khai thác – vận hành dự án trong hợp tác công tư theo hình thức BTO – thường được áp dụng trong hợp tác khai thác dự án hạ tầng. Nếu như BTO cần có một dự phóng khấu hao sự xuống cấp của dự án thì trong trường hợp cụ thể là Vịnh Hạ Long, yếu tố định lượng cần được tính toán theo dự phóng ngược lại – ngày càng nâng lên bởi giá trị thương hiệu phải được tính nâng cao sau chuyển giao nhượng quyền.

Do đó, mặc dù xét khía cạnh đóng góp nguồn thu ngân sách, hợp tác PPP ở đây không có nghĩa DN nào trả giá cao thì DN đó sẽ giành được đấu thầu. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều việc và quản lí sao cho các phương án kinh doanh của DN không dẫn đến “tận thu”, tàn phá di sản, năng lực tài chính chỉ là một trong những yếu tố định lượng thay cho vị thế quan trọng hàng đầu khi xét một đề án công tư đơn thuần.

Về định tính, một chuyên gia cho rằng với mô hình mà DN đề xuất, ngoài mục tiêu đạt giá trị kinh tế về phí dịch vụ theo đúng kế hoạch kinh doanh/đóng góp ngân sách Nhà nước hàng năm của tỉnh, cái quan trọng hơn là thương hiệu Vịnh Hạ Long, hạ tầng của Vịnh, dịch vụ của Vịnh… sẽ đạt được gì trong tương lai. “Hiện Bitexco đang đề xuất phương án kinh doanh với các mục tiêu cơ bản: Tạo thương hiệu du lịch mạnh; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp; Đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính phù hợp với chiến lược vùng; thu hút sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu quốc tế; nâng cao chất lượng khách du lịch; thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, nếu chấp nhận đặt một thương hiệu/ di sản quốc gia vào tay DN trong vòng 50 năm, sau 50 năm mới đánh giá được các mục tiêu cơ bản đó có đạt được hay không… thì e là cả một sự “đặt cược” quá dài. Lãnh đạo địa phương cũng phải có lộ trình để đánh giá “thương vụ” PPP này có đúng hướng, cần điều chỉnh gì, hay thậm chí đấu thầu/ thay đổi nhà đầu tư mới...”…

Trên tổng thể, chủ trương cởi mở và mời gọi Tập đoàn đầu tư/ khai thác/ quản lí du lịch tại Vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh, là một sự tiên phong. Nếu giữ đúng chủ trương và thương thảo được những quyền lợi/ trách nhiệm có lợi cho cả khía cạnh ngân sách lẫn giá trị di sản trong tương lai, thì đây sẽ là dự án đầu tư tiên tạo bước đột phá (PPP) ở VN trong lĩnh vực quản lí di sản văn hóa – kinh doanh hạ tầng du lịch. Bởi trước đây, mô hình PPP tại VN chỉ được Nhà nước và DN hợp tác phát triển chủ yếu ở các lĩnh vực điện, viễn thông, và gần đây là hạ tầng cơ sở - giao thông vận tải. Nếu PPP được mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp không khói (kinh doanh du lịch), từ tiên phong Vịnh Hạ Long, đây sẽ là hướng đi mở cho nhiều tỉnh, thành địa phương khác trong cả nước đang “bí” phương án kêu gọi vốn đầu tư lẫn quyền quản lí, khai thác, nâng cấp các di sản văn hóa ở các cấp thế giới lẫn quốc gia, và “đính kèm” là các dự án bất động sản du lịch đang dở dang.

Khi Nhà nước “nhượng quyền thương mại”

Kinh doanh bằng nhượng quyền thương mại (Franchise) trên thế giới đã rất phổ biến khi khởi đầu tại Mỹ và lan rộng ra các nước phát triển lẫn đang phát triển ngày hôm nay. Mô hình này có thể nhìn thấy ngay ở Campuchia. Chính phủ nước này từ lâu đã giao cho một DN tư nhân khai thác cụm đền Angkor. Cty này trả cho nhà nước một "cục" tiền rồi sau đó thu tiền vé, và từ nhiều năm nay đã khai thác cụm đền Angkor rất hiệu quả. VN cũng đã quen với phương thức franchise ở các DN chủ yếu là bán lẻ, kể từ sau gia nhập WTO năm 2007. Tuy nhiên, gần như chưa có một thương vụ nhượng quyền thương mại nào diễn ra giữa Nhà nước và DN.

Xét về mặt lí thuyết thì Franchise lại là một trong những hình thức phổ biến nhất về hợp tác công tư khi Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, sở hữu nhưng giao (thường là thông qua đấu giá) cho tư nhân vận hành và khai thác, đã được phổ biến ở các quốc gia khác. Nay, nếu UBND tỉnh Quảng Ninh quyết nhượng quyền khai thác và quản lí dịch vụ du lịch Vịnh Hạ Long cho một DN nào đó thông qua đấu thầu, thì đây cũng sẽ là bước tiên phong cho xu hướng trở về mô hình PPP nguyên bản trong tương lai, và mở lối cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh, sâu, đột phá hiệu quả hơn khi được quản lí/ khai thác những dự án thuộc các franchisor (bên bán) - là các nhà quản lí Nhà nước.

Nếu bước hợp tác tiên phong này thành công, thì những hạn chế khiến mô hình hợp tác PPP xưa nay tại VN theo đó cũng có khả năng được hóa giải, mở lối cho Nhà nước hợp thức tư nhân hóa với các dự án không thể cổ phần hóa, không thể buông bỏ bàn tay quản lí hữu hình...

Dù thế nào thì bất kì sự tiên phong mở lối nào cũng khó tránh được yêu cầu thử nghiệm lẫn xác suất rủi ro. Trong trường hợp cụ thể Vịnh Hạ Long, đây không chỉ là một thương hiệu và càng không thể chọn chuyển giao cho các đối tác có nhu cầu “khởi nghiệp” như một hoạt động franchise DN đơn thuần. Các DN rõ ràng cũng tự lượng sức mình và họ cũng phải “thử nghiệm” với kinh doanh. Tuần Châu có kinh nghiệm khai thác đảo Tuần Châu thành công, Bitexco lại đang có kinh hợp hợp tác PPP rất cụ thể với dự án trọng điểm Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết quy mô lớn. Nhưng DN nào sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của Vịnh Hạ Long nói riêng và là tấm gương cho xu hướng PPP kiêm Nhượng quyền thương mại ở VN nói chung? Điều này đòi hỏi không chỉ lựa chọn chuẩn xác của bên chuyển quyền mà còn là cam kết và niềm tin giữa hai bên chuyển quyền lẫn nhận quyền, giữa Nhà nước và DN.

Tầm nhìn xa của DN

Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị khá dài hơi để tiến đến chủ trương mời gọi DN đầu tư, hợp tác khai thác, quản lí theo mô hình nhượng quyền thương mại có thu phí, ông Võ Văn Quang - chuyên gia thương hiệu cho biết.

Theo ông Quang, thực sự cách làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là vô cùng tích cực. Đó không chỉ nên là mô hình cho các chính quyền địa phương mà cần xem như một thí điểm để chúng ta xây dựng chiến lược chung cho phát triển công nghiệp du lịch, bắt nguồn từ chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. VN chúng ta với 4.000 năm lịch sử đã và đang có hàng chục di sản văn hóa được Unesco công nhận, hàng trăm di sản văn hóa, di sản lịch sử cấp quốc gia. Đã từng có các chuyên gia ước tính giá trị dòng tiền từ các di sản như vậy tại VN, trị giá lên tới hàng tỷ USD. Cái khó của chúng ta là chưa biết khai thác, chưa chuyển giá được thành những giá trị kinh tế mang lại GPD thực sự. Vấn đề trước tiên nằm ở mặt bằng nhận thức, cả ở Nhà nước lẫn DN và người dân. Chúng ta chưa quan tâm cũng như chưa quyết tâm thực thi các chiến lược đẩy mạnh khai thác các giá trị thương hiệu di sản văn hóa và lịch sử. Hoặc nếu có đưa ra cũng “đụng” rất nhiều quan điểm phản đối trong khi ở các quốc gia khác, mô hình khai thác nhượng quyền thương hiệu từ các thương hiệu quốc gia đã rất phổ biến.

- Ông có thể ví dụ cụ thể từ những quốc gia khác, thưa ông?

Thụy Sĩ, Nhật Bản, New Zealand là những quốc gia đã làm rất tốt thương hiệu quốc gia, từ đó đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở nhượng quyền thương mại. Ví dụ ở New Zealand, quốc gia này có hẳn một Hội đồng thương hiệu quốc gia ngang Bộ, xây dựng thương hiệu quốc gia New Zealand với slogan “100 Fure New Zealand ” – tức “100% Tinh khiết”. Mọi sản phẩm, dự án, giá trị của New Zealand đều bắt đầu và nhất quán với tinh thần thương hiệu quốc gia này. Nhờ đó họ mới thu hút đầu tư và phát triển được thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe… Vinamilk cũng nhờ đó mới đầu tư vào công nghiệp sữa NewZealand và hiện nay thương hiệu sữa hai con bò của Vinamilk với “100 Fure” đã có thị phần ở VN. Chúng ta ngược lại, bên cạnh các di sản thiên nhiên, còn có di tích lịch sử, di sản văn hóa, nhưng lại chưa xây dựng được một tinh thần chung cho thương hiệu quốc gia. Nói đi cũng nói lại, có lẽ vì vậy mà một trong những phương án đề xuất kinh doanh đầu tiên của Bitexco, là mời chuyên gia kĩ thuật xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho Vịnh Hạ Long, trước khi tính đến quản lí và khai thác thương hiệu di sản. Đây là phương án thực sự chuyên nghiệp và bài bản.

- Vâng, dù thế nào Vịnh Hạ Long vẫn là một di sản văn hóa, cần được ứng xử khác biệt chứ không chỉ là một thương hiệu được nhượng quyền kinh doanh... ?

Đã từng có các chuyên gia ước tính giá trị dòng tiền từ các di sản như vậy tại VN, trị giá lên tới hàng tỷ USD.

Ở góc độ hợp tác công tư, tôi cho rằng chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề. Dù hợp tác như thế nào thì Nhà nước vẫn nắm chủ quyền thương hiệu, DN có năng lực, với cơ chế kinh doanh sáng tạo của mình khi tham gia quản lí sẽ tạo nên động lực để kích thích thị trường và khai thác thương hiệu. Chúng ta mới bắt đầu triển khai bây giờ là một bước đi chậm. Bởi sự hợp tác này rất cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói, và sẽ là cửa ngõ thúc đẩy mọi hoạt động thương mại, đầu tư khác. Không chỉ có tỉnh Quảng Ninh mà ngay cả TP HCM cũng đã lên chiến lược cho kế hoạch này. Trong quá trình tư vấn chiến lược thương hiệu cho ngành Du lịch TP HCM với slogan “Sức sống TP HCM” (Vibrant Ho Chi Minh City), chúng tôi đã đề xuất cơ chế nhượng quyền thương mại và trước mắt, đã thí điểm cho các sản phẩm du lịch của TP. UBND TP HCM, Ban chỉ đạo Phát triển Du lịch TP HCM cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư theo mô hình hợp tác công tư, nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực du lịch và chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư lớn, các DN tập đoàn trong ngoài nước cũng sẽ như Bitexco, có tầm nhìn xa với một xu hướng kinh doanh, đầu tư mới ở thành phố đông dân nhất nước này!

- Xin cảm ơn ông!


Mỹ Lê

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   DN bế tắc, tín dụng còn tụt dốc (31/07/2014)

>   Cơ hội tăng trưởng kinh tế từ gói cam kết Bali (30/07/2014)

>   Gỡ rào cản công nghiệp hỗ trợ (30/07/2014)

>   Xuất khẩu VN dựa quá nhiều vào sản phẩm thô (30/07/2014)

>   Thủ tướng chấp thuận xây sân bay tại Quảng Ninh (30/07/2014)

>   Intel Việt Nam sẽ sản xuất 80% chip máy tính thế giới (30/07/2014)

>   17 dự án ở Mộc Bài “giậm chân” tại chỗ sau 10 năm (30/07/2014)

>   Vẫn câu hỏi lối thoát nào cho Vinalines (30/07/2014)

>   Ngành dệt may đi tìm đơn hàng giá cao (30/07/2014)

>   Sắp có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Phnom Penh (30/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật