Thứ Hai, 21/07/2014 09:00

Chuyên gia dự báo gì về CPI và chỉ số chứng khoán cuối tháng 7?

Dưới biến động tăng giá xăng liên tiếp, các chuyên gia cho rằng đây là nhân tố tác động mạnh và sẽ làm chỉ số CPI tháng 7 tăng. Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao từ nay đến cuối tháng?

Chỉ số CPI sẽ tăng trên tầm kiểm soát của Chính phủ do biến động giá xăng tăng bất thường trong thời gian ngắn. Dự kiến chỉ số CPI sẽ tăng thêm 20% so với mức tăng của tháng 6/2014” là ý kiến dự báo của ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng giám đốc CTCK Sen Vàng.

Theo ông Chinh, việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố đầu vào của thị trường, đặc biệt là sẽ tác động đáng kể đến chính sách khuyến khích tăng tiêu dùng và lưu thông hàng hóa mà Chính phủ đưa ra. Tăng giá xăng cũng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất, theo thống kê thì giá cả lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng đều gia tăng sau khi giá xăng tăng.

Bên cạnh tác động của giá xăng thì biến động của tỷ giá cùng với biến động tăng giá điện cũng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI trong tháng 7. Và các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu tiếp tục là những đơn vị chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Với những biến động của thị trường trong tháng 7 và những tháng trước đó (tăng giá dịch vụ y tế, điện, tỷ giá,…) ông Chinh cũng cho rằng chỉ số CPI trong tháng 8 và tháng 9 sẽ tăng thêm và dự báo sẽ tăng mạnh.

Về thị trường chứng khoán (TTCK), việc CPI gia tăng sẽ tác động một phần đến cả hai chỉ số nhưng ông cho rằng tác động mạnh nhất vẫn là những thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Xu hướng của TTCK là tăng trưởng trong trung và dài hạn. Ông dự báo VN-Index sẽ chạm ngưỡng 600 điểm trong quý 3 và ông khuyến nghị nhà đầu tư hiện tại nên nhìn vào thanh khoản thị trường và biến động của các cổ phiếu lớn, đặc biệt tránh sử dụng đòn bẩy.

Nguyễn Mai Phương – Giám đốc nghiên cứu MSBS đưa ra dự báo: “CPI tháng 7 sẽ tăng nhẹ ở mức 0.2% (+-0.03%) so với tháng trước đó, và tăng khoảng 4.9% (+-0.05%) so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng giá xăng hai lần liên tiếp (23/06 và 7/7) không chỉ ảnh hưởng đến CPI của tháng này mà còn kéo dài đến những tháng tiếp theo”.

Bà Phương cho rằng, chỉ số CPI hiện tại đang đi chậm và còn cách xa mục tiêu lạm phát đã đề ra trước đó. Một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng tới lạm phát những tháng qua đó chính là việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp của Chính phủ nhằm mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả thị trường. Những điều này đã làm tổng cầu giảm, đầu tư của Chính phủ được thắt chặt, chi tiêu của người dân vẫn còn dè dặt, đầu tư tư nhân cũng hạn chế và tất cả những điều đó cho thấy một bức tranh kinh tế chưa mấy sáng sủa nhưng đã có những dấu hiệu lạc quan.

Theo bà Phương, mặc dù nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể mong chờ vào diễn biến tích cực trong những tháng cuối năm. 5 tháng đầu năm, có khoảng 4.2% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giảm so với mức 7.6% của năm 2013, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp đang dần được cải thiện, những khó khăn đang dần được tháo gỡ.

Bà Phương nhận định, áp lực lạm phát trong tháng 7 không lớn trong bối cảnh kinh tế, tổng cầu như hiện nay. Hơn nữa bà cho rằng giá xăng khó có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, thậm chí còn có xu hướng giảm trước động thái sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu của Bộ tài chính. Lạm phát tháng 8 cũng sẽ không có nhiều biến động, tâm điểm của lạm phát quý 3 dự báo sẽ là tháng 9, tháng bắt đầu năm học mới, nhiều khả năng học phí sẽ tăng cộng với nhiều chi tiêu sẽ được đẩy mạnh hơn trong tháng 9.

Đối với TTCK, những ngày đầu tháng 7 đã có diễn biến khá tích cực khi tiến sát mức kháng cự tương đối mạnh là 595 điểm. Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt đã có lực cầu tốt, tăng cả về thanh khoản lẫn điểm số. Và khác so với thời gian trước đây, thị trường gần như không có biến động quá lớn trước thông tin tăng giá xăng dầu, và thông tin lạm phát cũng không ảnh hưởng nhiều. Xét về yếu tố kỹ thuật, trong nửa cuối tháng 7 thì bà Phương nhận định thị trường sẽ điều chỉnh về mức 575-580 sau khi đã chạm mức 595 vào ngày 16/7. Thị trường cần thời gian tích lũy để có thể tiếp tục chinh phục ngưỡng kháng cự cực mạnh là 600.

Tương tự ý kiến của bà Phương, ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng phân tích CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) cũng cho rằng việc chỉ số CPI gần đây liên tục tăng ở mức thấp là một phần kết quả của chính sách bình ổn giá cả thị trường nhằm ổn định tình hình kinh tế của Chính phủ. Giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tiếp tục được điều hành theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, hạn chế tối đa tác động tới thị trường hàng hóa, đặc biệt trong những giai đoạn có diễn biến phức tạp trên biển Đông. Ngoài ra, đó còn là hệ quả của tổng cầu yếu khi sức mua vẫn còn yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng khoảng 10.7% so với cùng kỳ năm 2013, mức thấp trong nhiều năm qua. Ngay cả nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì cũng chỉ tăng 5.7% so với cùng kỳ năm 2013, mặc dù cải thiện chút ít so với năm 2013 nhưng vẫn thấp hơn các con số từ năm 2012 trở về trước. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu khác do tác động từ giá thế giới, nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhu cầu không có biến động lớn nên giá tương đối ổn định, mặt bằng giá nhiều mặt hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nông sản do sản xuất thuận lợi, được mùa, nguồn cung dồi dào.

Giá xăng tăng liên tục sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cước vận tải và giá của nhiều mặt hàng khác. Ngoài ra do trùng với khoảng thời gian nghỉ hè và thi cử nên nhu cầu đi lại tăng cao. Do đó mặt hàng giao thông sẽ có mức tăng mạnh so với các mặt hàng khác. Tương tự, giá các mặt hàng như ăn uống ngoài gia đình, văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng theo mùa vụ. Giá một số mặt hàng thực phẩm như rau củ đang có xu hướng nhích lên do ảnh hưởng giá cước vận tải và nguồn cung. Nhìn chung lại thì chỉ số CPI vẫn tiếp tục đà tăng nhẹ, cao hơn 0.2% so với tháng 6/2014 và đạt mức tăng 1.59% so với cuối năm 2013.

Giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm khi những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Iraq đã dịu đi phần nào. Ngoài ra nguồn cung dầu từ Libya đang trở lại sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tại hai cảng xuất khẩu dầu. Do đó, nếu thị trường trong nước được điều hành như cam kết thì có thể kỳ vọng giá xăng sẽ giảm trong tháng 8, giúp CPI của quý 3 phần nào giảm bớt áp lực tăng khi nhiều mặt hàng khác có khả năng tăng mạnh do tính thời vụ.

Mặc dù CPI tăng ở mức thấp không trực tiếp giúp TTCK tăng điểm, nhưng thông tin này góp phần tạo nên viễn cảnh tích cực của kinh tế trong nước và qua đó giúp các nhà đầu tư, ít nhất là không có cái nhìn bi quan về TTCK. Điều này có thể xem như tương đương với việc hình thành một ngưỡng hỗ trợ cho các chỉ số. VN-Index có khả năng dao động trong khoảng 590-600 trong thời gian còn lại của tháng 7.

Duy Hoàng

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 21-25/07: Đủ lực vượt đỉnh cũ? (20/07/2014)

>   Tuần 21 - 25/07: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (20/07/2014)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 21 - 25/07/2014 (20/07/2014)

>   Ông Andy Ho: TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định đến hết 2014 (18/07/2014)

>   Góc nhìn 18/07: Tiếp tục đà đi lên (17/07/2014)

>   Góc nhìn 18/07: Tiếp tục đà đi lên (17/07/2014)

>   Ngày 17/07: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (17/07/2014)

>   Góc nhìn 17/07: Đuối sức, thị trường sẽ giảm trở lại? (16/07/2014)

>   Cổ phiếu Bất động sản: Dòng tiền đổ vào “ông lớn”? (16/07/2014)

>   Góc nhìn 16/07: Vượt 590 và thận trọng hướng đến 600 (15/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật