Chưa đáng lo tín dụng ngoại tệ
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng tỷ giá ổn định làm cho tiền đồng Việt Nam tăng giá, tạo điều kiện để thu hút ngoại tệ, làm giảm tình trạng đầu cơ ngoại tệ và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Xung quanh sự việc này, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định:
Thận trọng cấp vốn ngoại tệ
Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong những tháng gần đây theo tôi không có gì đáng lo ngại và bất thuờng. Bởi một khi lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ có sự khác biệt rõ nét, cộng với tỷ giá ổn định sẽ có sự dịch chuyển. Trong thời gian qua, lãi suất tiền đồng vẫn được duy trì ở mức cao hơn nhiều so với ngoại tệ, lại được NHNN cam kết sẽ không điều chỉnh quá 2% trong một năm nên các cá nhân và tổ chức dịch chuyển từ ngoại tệ sang gửi tiết kiệm tiền đồng.
Điều này được chứng minh khi tiết kiệm tiền đồng tăng mạnh trong 6 tháng qua và tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ âm trong thời gian dài. Lãi suất tiết kiệm ngoại tệ hiện nay đã được giảm xuống mức kịch sàn, với 0,5%/năm đối với doanh nghiệp, còn khách hàng cá nhân chỉ được hưởng mức lãi suất 1%/năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc dồn dập cho vay ngoại tệ sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng khi các hợp đồng đáo hạn. Tuy nhiên, việc linh hoạt chấp thuận cho các NHTM cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Khi cho vay, bản thân các NHTM đã chủ động cân đối được nguồn ngoại tệ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN
|
Trước đây, lãi suất tiền gửi ngoại tệ tuy không cao như tiền đồng, nhưng đa số người dân có tâm lý nắm giữ ngoại tệ, kỳ vọng tỷ giá tăng, nhất là ở thời kỳ lạm phát cao. Giai đoạn khủng hoảng xảy ra sau năm 2008, tỷ giá hối đoái có những thời điểm tăng đến 6-7%, còn hiện tại rất khó lặp lại.
Ở chiều hướng ngược lại, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng khá lớn, với trên 12% trong tháng 6 năm nay. Nguyên nhân chính do lãi suất cho vay bằng ngoại tệ hiện chỉ còn 2-3%/năm đối với kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài 4-5%/năm. So với lãi vay tiền đồng, doanh nghiệp sử dụng vốn ngoại tệ vẫn có lợi hơn nhiều. Song điều đó không có nghĩa doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ mà phải có điều kiện kèm theo đúng với quy định của NHNN về việc hạn chế tín dụng USD.
Vì thế, không thể nói tín dụng ngoại tệ tăng sẽ làm tình trạng đô la hóa tăng, mà theo tôi đã nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Mặt khác, hiện dự trữ ngoại tệ nước ta khá dồi dào, việc kiểm soát và giám sát thị trường ngoại tệ cũng khá chặt chẽ, đủ sức để can thiệp, nên khả năng biến động thị trường rất khó xảy ra.
PHÓNG VIÊN: - Đã có hiện tượng một số doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Cũng có thể xảy ra một số trường hợp này nhưng khả năng rất ít, vì hiện cơ chế thanh tra, thẩm định để cung ứng tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp được NHNN kiểm soát chặt chẽ và kỹ lưỡng. Nếu vi phạm, NHTM phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm trước NHNN.
Đồng thời, với các hợp đồng tín dụng ngoại tệ lớn, trước khi NHTM ký với doanh nghiệp phải có sự đồng ý phê duyệt của NHNN. Dòng vốn ngoại tệ sau khi giao cho doanh nghiệp cũng được phía NHTM theo dõi chặt chẽ, đúng mục đích sử dụng vốn nên rất khó xảy ra tình trạng vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm.
Có thể một số ít doanh nghiệp làm liều, luồn lách vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm, nhưng nếu không thận trọng khi phát hiện sẽ bị xử nặng, cán bộ NH và cả doanh nghiệp có thể đối mặt với án hình sự.
- Việc ổn định tỷ giá ngoại tệ với biên độ không quá 2%, trong khi lãi suất tiền đồng vẫn cao và so cả với lãi suất trái phiếu, theo ông có tạo kẽ hở để nhà đầu tư nước ngoài đem ngoại tệ vào Việt Nam đổi lấy tiền đồng gửi tiết kiệm dưới nhiều hình thức?
- Tỷ giá ổn định sẽ tạo điều kiện tăng thu hút ngoại tệ vào Việt Nam, giảm bớt đầu cơ và gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo tôi, việc kiểm soát tỷ giá của NHNN thời gian qua là phù hợp, mức điều chỉnh không quá 2%/năm.
Vì nếu tỷ giá thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất - nhập khẩu, việc làm nhưng nếu “neo” lâu quá cũng không khuyến khích được xuất khẩu. Ngược lại, nếu “thả” ra sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu cũng như việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Nếu không kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp sẽ tạo cơ hội đầu cơ về ngoại tệ, làm cho tình trạng đô la hóa trên của thị trường càng nghiêm trọng hơn.
Lãi suất và giá trị tiền đồng
- Có vẻ như lượng tiền đồng của NHTM hiện nay được dồn vào trái phiếu chính phủ (TPCP) và các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn mua trái phiếu ngày càng nhiều, dù lãi suất TPCP đã hạ xuống mức kỷ lục (kỳ hạn 1 năm còn 4,7-4,8%/năm và kỳ hạn 2 năm 5,37%/năm). Ông bình luận vấn đề này như thế nào?
- Điều này càng tốt cho Việt Nam, vì huy động được nguồn vốn ngoại, tăng dự trữ ngoại hối và có thêm điều kiện sử dụng vốn ngân sách cho các mục đích chính đáng. Tuy nhiên, việc các NHTM đổ xô mua TPCP trong thời gian qua và kể cả hiện nay không được lành mạnh lắm.
Bởi với vai trò của các NHTM là huy động nguồn vốn và đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội, tạo sức mua, không phải huy động để mua TPCP, hạn chế nguồn vốn đưa ra doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tính toán thấy cái nào mang lại lợi nhuận cho mình mà không vi phạm pháp luật họ sẽ thực hiện. Việc doanh nghiệp gửi tiền đồng nhưng đi vay ngoại tệ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến mức nào đó sẽ phải dừng lại, NHTM cần tính toán đến việc giảm lãi suất vay VNĐ thấp hơn hiện nay để kéo giảm khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD, kích thích doanh nghiệp vay VNĐ.
TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
|
Có thể tình hình hiện nay khi tăng trưởng tín dụng khó khăn, sức mua và tồn kho chưa cải thiện, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng nên đầu ra của đồng vốn hạn chế. Không cho vay được, các NHTM buộc phải tính toán sinh lời và kênh TPCP được lựa chọn để rót vốn.
Vì thực tế không cho vay, NH cũng phải trả lãi suất cho người gửi tiền. Do đó dù lãi suất TPCP giảm thấp cũng được xem là một hướng ra cho đồng vốn. Mặt khác, TPCP thu hút nguồn vốn để gia tăng ngân sách trong chi tiêu tốt hơn kích cầu… dù TPCP trước mắt không tạo được hàng hóa và giá trị giá trị thặng dư ngay.
- Vậy tại sao NH không hạ lãi suất tiết kiệm để giảm mạnh lãi suất đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp?
- Để giảm lãi suất tiền gửi phải căn cứ vào xu hướng lạm phát. Nếu lạm phát cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm NH khó có thể cắt giảm. Với xu hướng lạm phát hiện nay và trần lãi suất 6%, tiền nhàn rỗi mới có thể chảy vào NH.
Lãi suất phải cao hơn hoặc bằng so với lạm phát. Chính sách nhà nước là không nên làm thiệt cho dân. Do đó theo tôi khó có thể giảm thêm trần lãi suất so với mặt bằng hiện nay. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức kỳ vọng 5,5-6%/năm nay nên lãi suất 6%/năm là không cao.
- Có ý kiến cho rằng các NHTM duy trì lãi suất huy động cao hiện nay là để tiếp tục nuôi các khoản nợ xấu chưa thể xử lý được?
- Tôi cho rằng không có việc NH duy trì lãi suất cao nhằm huy động vốn để nuôi các khoản nợ xấu chưa thể xử lý được. Vì nếu huy động chi phí cao, buộc NH phải cho vay ra lãi suất cao. Nhưng trong lúc này nếu cho vay lãi suất cao NH sẽ khó tăng trưởng tín dụng. Việc duy trì lãi suất tiết kiệm cao để cạnh tranh huy động vốn chỉ có ở những NH nhỏ yếu kém, cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, việc các NH quy mô nhỏ niêm yết lãi suất cao cũng chưa hẳn thu hút được khách hàng gửi tiết kiệm, vì người gửi e ngại những rủi ro, đổ vỡ đối với NH yếu kém. Qua đó có thể thấy, trong cạnh tranh cũng có nhiều yếu tố và mối quan hệ ràng buộc, không thể thái quá.
- Theo ông, việc tiền đồng có giá như hiện nay là điều mừng hay lo?
- Mừng ở chỗ chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Lạm phát đang xu hướng đi xuống và đạt mức kỳ vọng. Nhưng cũng có những cái lo đó là kinh tế chưa bứt phá lên được, giá cả không tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng có hai yếu tố là do tiền đưa ra nền kinh tế nhiều đẩy giá tăng, sản xuất sụt giảm cũng làm cho tăng giá.
Cả hai cái này đều không có lợi. Vì thế, nếu lạm phát giảm nhưng sản xuất phát triển mới là yếu tố tích cực. Còn với tình hình hiện nay, lạm phát giảm sức mua không tăng, hàng hóa tồn đọng sẽ dẫn đến quan hệ tiền-hàng mất cân đối.
- Xin cảm ơn ông.
Phương Anh (thực hiện)
sài gòn đầu tư tài chính
|