Chủ Nhật, 20/07/2014 15:21

Chưa thoát khỏi “vũng lầy” tăng trưởng tín dụng

Áp lực tăng trưởng tín dụng vô hình trung đã trở thành gánh nặng thường trực đối với hệ thống ngân hàng và cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 6-2014 đạt 3,52% so với đầu năm, trong đó tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, nội tệ tăng 2,17%. Đối chiếu với kỳ vọng của NHNN về chỉ tiêu tăng trưởng năm nay vào khoảng 12-14% thì có khả năng kế hoạch này không đạt được. Bên cạnh đó, tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ có biểu hiện vượt trội so với nội tệ cũng làm phát sinh những quan ngại nhất định về tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Sau một thời gian bị kiềm chế, nay điều đó có nguy cơ quay trở lại. Cá biệt, một vài ngân hàng thương mại (NHTM) công bố số liệu tăng trưởng tín dụng khá cao, tuy nhiên, nếu đặt trong mối tương quan chung toàn hệ thống thì thực chất một bộ phận lớn dư nợ này đơn thuần chỉ là sự dịch chuyển giữa các ngân hàng thông qua thủ thuật “rút ruột” khách hàng lẫn nhau, bởi cơ hội phát triển khách hàng mới hiện nay là rất yếu, bất chấp lãi suất cho vay đã quay trở về mức thấp nhất của giai đoạn những năm 2005-2007.

Phân tích kỹ hơn cho thấy, dư nợ nội tệ mặc dù tăng thấp về tỷ lệ nhưng với tỷ trọng chiếm áp đảo - trên 85% tổng dư nợ, thì số tuyệt đối mà hệ thống ngân hàng đã bơm vào các lĩnh vực kinh tế tăng gần 150.000 tỉ đồng, bằng một phần ba tổng mức đầu tư toàn xã hội sáu tháng đầu năm. Con số này quả là không nhỏ nếu so sánh với gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng, tuy được ưu đãi nhiều mặt, nhất là lãi suất thấp, nhưng mức độ giải ngân gần một năm qua vẫn mãi ì ạch - chưa đến 4.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể một loạt “gói” khác vẫn đang ở trạng thái “treo”, tiến độ triển khai nhỏ giọt như cho vay tái canh cây cà phê, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên...

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay không phải là khối lượng tín dụng đã giải ngân bao nhiêu mà là tăng trưởng tín dụng trên thực tế liệu đã phản ánh đúng bệnh trạng của nền kinh tế đang trong quá trình “dưỡng thương” và xoay trở để phục hồi một cách chậm chạp sau nhiều năm bất ổn vĩ mô? Dòng tiền đã thực sự tiếp cận những lĩnh vực và mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần vực dậy sinh khí mới cho lực lượng doanh nghiệp? Vấn đề này cần thiết phải được đánh giá một cách thực chất hơn!

Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu kém là lý do quan trọng hàng đầu luôn được NHNN đề cập khi lý giải tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là đánh giá mang tính “truyền thống” của các cơ quan điều hành thay vì cần chỉ rõ những khiếm khuyết, trì trệ kéo dài nhằm đề ra những giải pháp căn cơ để khắc phục. Kinh nghiệm thực tế cho thấy các quyết sách tăng trưởng xưa nay chủ yếu dựa trên nền tảng liên tục tạo ra sức ép buộc chính sách tín dụng phải đi trước một bước nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong khi các chuẩn mực thiết yếu về môi trường hành lang pháp lý/tính an toàn/hiệu quả sử dụng vốn vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Sau hàng loạt cú sốc và cái giá phải trả về rủi ro tín dụng/đạo đức nghề nghiệp diễn ra trong thời gian qua, cộng thêm khối nợ xấu tiềm ẩn khổng lồ, các tổ chức tín dụng buộc phải định hình lại các nguyên tắc cấp tín dụng, chấm dứt chạy đua tăng trưởng bằng cách hạ chuẩn cho vay, đồng thời tái cơ cấu sản phẩm dịch vụ để tránh lệ thuộc vào nguồn thu tín dụng.

Đối với nhiều NHTM hiện nay, tăng trưởng tín dụng không còn là mục tiêu cố phải đạt mà quan trọng hơn vẫn là duy trì sự ổn định về năng lực tài chính. Sự điều chỉnh này là tất yếu và có thể xem đây là rào cản số 1 gây ra hiệu ứng ngược có tác động “kiềm chế” kỳ vọng tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra.

Trong khi hệ thống NHTM đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi “vũng lầy tăng trưởng” thì có vẻ như tư duy điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô theo hướng hợp lý, chủ động tôn trọng các nguyên tắc thị trường vẫn chưa được NHNN “thẩm thấu” một cách đầy đủ. Minh chứng cho điều này là NHNN vẫn thông qua các công cụ kiểm soát mang nặng tính hành chính về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, kể cả xét duyệt “room” tín dụng cho từng loại hình ngân hàng khác nhau. NHNN đã tự ràng buộc mình để sa đà nhiều hơn vào những công việc sự vụ như phê duyệt chủ trương cấp tín dụng đối với từng hồ sơ dự án xin vay đầu tư nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản... thay vì giao quyền chủ động cho các NHTM, NHNN chỉ đóng vai trò định hướng, thiết lập hành lang pháp lý, giám sát và hậu kiểm. Từ trước đến nay vẫn mặc nhiên tồn tại kiểu “lý luận” rằng để tăng trưởng 1 đồng GDP thì nền kinh tế cần được cung ứng một lượng tín dụng tương ứng từ 1,5-2 đồng? Lập luận này nhiều khi có tác động dẫn dắt cả một hệ thống chính sách. Nếu tiếp tục kéo dài kiểu tư duy hình thức như vậy, chắc chắn NHNN và kéo theo đó là cả hệ thống NHTM, sẽ lại bận rộn lo toan với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm nay và nhiều năm tiếp theo.

Tâm Dân

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lãi suất “hụt hơi” (19/07/2014)

>   Agribank cho vay thí điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19/07/2014)

>   ABBank: Ông Vũ Văn Tiền và bên liên quan nắm hơn 18% vốn (18/07/2014)

>   Cấp phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối: Chặn rủi ro từ gốc (18/07/2014)

>   Về đâu chính sách tỷ giá? (18/07/2014)

>   NamABank Bình Dương: Hướng đến ngân hàng dịch vụ số 1 (18/07/2014)

>   Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Sáp nhập vẫn là nền tảng (18/07/2014)

>   Ngân hàng vẫn lo ngại khi cho DN nhỏ và vừa vay (17/07/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước dồn dập mua ngoại tệ (17/07/2014)

>   VIBank: Lãi trước thuế 6 tháng 150 tỷ, gần gấp đôi năm 2013 (17/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật