Thứ Bảy, 19/07/2014 16:31

Lãi suất “hụt hơi”

Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm tuần này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục mới - 5,37%/năm, kéo lãi suất kỳ hạn 3 và 5 năm rớt theo. Khối lượng trái phiếu được các tổ chức đăng ký mua trong các đợt đấu thầu tăng vọt đi kèm lãi suất bỏ thầu giảm. Tiền đồng tiếp tục dư thừa trong khi tỷ giá hối đoái đang phát đi tín hiệu tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ.

Tỷ giá liên ngân hàng và giá mua bán đô la Mỹ niêm yết của các ngân hàng đã tụt khoảng 100 đồng/đô la so với 10 ngày trước. Đang có những dự báo giá bán ra đô la Mỹ chuyển khoản của ngân hàng có thể về mức 21.200 đồng và sẽ đứng quanh mốc này trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào để hỗ trợ xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối.

Cung ngoại tệ tăng chủ yếu do các ngân hàng đã bán ra đô la Mỹ (short) nhiều hơn để lấy tiền đồng kinh doanh, đưa trạng thái ngoại hối về mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư, công ty tài chính nước ngoài và những doanh nghiệp có khả năng vay vốn từ bên ngoài (từ công ty mẹ) đã chủ động bán ngoại tệ cho các ngân hàng ở Việt Nam, sau đó đầu tư vào trái phiếu hoặc gửi tiền đồng để hưởng chênh lệch tỷ giá.

Riêng tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng 1.790 tỉ đồng trái phiếu, nâng mức mua ròng từ đầu tháng 6-2014 lên gần 5.000 tỉ đồng. Một quỹ đầu tư chuyên kinh doanh trái phiếu cho biết sự ổn định của tỷ giá sau đợt điều chỉnh vừa rồi có thể sẽ mở rộng đường hơn nữa cho vốn ngoại chảy vào thứ hàng hóa được xem là an toàn này. Kinh doanh trái phiếu và gửi tiền đồng ở ngân hàng hiện đang mang lại mức lời khoảng 2,5-3%/năm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tượng một số nhà xuất khẩu vay ngoại tệ, sau đó bán ngoại tệ cho ngân hàng, gửi lại tiền đồng ở ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất đã xuất hiện trở lại. Điều này đã góp phần làm tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong tháng 6-2014. Đến cuối tháng 5-2014 tín dụng ngoại tệ toàn hệ thống tăng chừng 9,5% so với cuối năm ngoái, theo NHNN, nhưng đến cuối tháng 6 nó đã bật lên tới 12%. Giải thích hiện tượng vì sao cứ đến tháng 6 và tháng 12 hai năm trở lại đây tín dụng luôn biến động bất thường, có khi chỉ trong vòng một tuần tín dụng nhảy 1%, đại diện một ngân hàng lớn cho biết đó là “can thiệp kỹ thuật”. Hiện các ngân hàng lớn đều được giao chỉ tiêu tín dụng và họ có trách nhiệm phải hoàn thành để kéo tín dụng cả nước lên.

Cho đến nay, số liệu tuyệt đối về dư nợ và cho vay tín dụng chưa được công bố. Tuy nhiên, một quan chức NHNN cho biết huy động nằm trong khoảng 28 tỉ đô la Mỹ và dư nợ ở mức 27,5-28 tỉ đô la Mỹ, tức là huy động được bao nhiêu cho vay hết bấy nhiêu. Trước năm 2012, đã có thời điểm huy động ngoại tệ đạt tới 30 tỉ đô la Mỹ và tỷ lệ cho vay/huy động vượt hơn 100%. Hai năm 2012-2013 huy động ngoại tệ giảm, cho vay cũng giảm, có những lúc cho vay chỉ bằng 85% huy động. Dư nợ ngoại tệ thường biến động tỷ lệ nghịch với tỷ giá. Nếu tiền đồng mất giá, dư nợ ngoại tệ sẽ sụt nhanh và ngược lại.

Sự dịch chuyển giữa đồng nội tệ và ngoại tệ lúc này diễn ra với tốc độ cao, phụ thuộc vào khoảng cách lãi suất tiền đồng trong nước và đô la Mỹ bên ngoài. Vay hay mang đô la Mỹ từ ngoài vào Việt Nam và chuyển sang đồng nội tệ, hầu hết các tổ chức thực hiện carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) dạng này đều mua bảo hiểm tỷ giá (swap). Việc NHNN cam kết ổn định tỷ giá và giá trị đồng nội tệ trong thời gian dài, tính bằng năm, sẽ hỗ trợ luồng ngoại tệ vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, trái phiếu chính phủ sẽ còn hút hàng và lãi suất của nó có thể sẽ còn hạ.

Ngay trước khi xảy ra sự kiện biển Đông, một quỹ đầu tư có tiếng trên thị trường đã dự báo sốc rằng lãi suất trái phiếu kỳ hạn một năm thậm chí có thể giảm về 4%/năm (hiện khoảng 4,7-4,8%/năm). Đã có những đợt một số thành viên có tầm ảnh hưởng trên thị trường trái phiếu đã ngừng mua nhằm đẩy lãi suất lên, nhưng họ đã không thành công. Cú rơi của lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm từ 5,64% về 5,37%/năm chỉ trong mấy ngày là một thí dụ.

Tiền ngân hàng vẫn chảy vào trái phiếu, song mặt khác ở đầu vào, một số ngân hàng vẫn đang nhận tiền gửi của tổ chức và cá nhân (số lượng từ vài tỉ đồng trở lên) với lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 1-3 tháng. Việc phải duy trì thanh khoản dư thừa hiện tại là một cái đệm giúp các ngân hàng bổ sung cho khoản vốn bị “ném” vào nợ xấu. Họ chỉ dám sử dụng tiền thừa mua trái phiếu vì đó là loại giấy tờ có giá có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền. Việc duy trì vốn thừa sẽ đẩy chi phí, ăn mòn lợi nhuận và tạo ra cái vòng luẩn quẩn không thấy đường ra. Nhìn bên ngoài, thanh khoản dồi dào những tưởng sẽ giúp các ngân hàng hạ lãi suất đầu vào, hạ giá vốn, mở rộng tín dụng, có lợi nhuận xử lý nợ xấu. Nhìn kỹ thì không phải vậy. Thanh khoản giống như tấm chăn đắp lên vết thương nợ xấu, tạo ảo tưởng vết thương đang liền sẹo. Thực tế vết thương ấy ngày càng lở loét và càng được bọc dầy, nó càng dễ chuyển thành ung thư.

Khi tín dụng không phát triển được vì nợ xấu, sự dịch chuyển vốn giữa các đồng tiền đang lên ngôi, lãi suất sẽ còn giảm. Dòng chảy dịch chuyển sẽ kết thúc vào ngày lãi suất tiền đồng tiệm cận lãi suất đô la Mỹ. Chỉ đến đó, tín dụng mới có cơ hội tăng trưởng thật sự.

Lưu Hảo

tbktsg

Các tin tức khác

>   Agribank cho vay thí điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19/07/2014)

>   ABBank: Ông Vũ Văn Tiền và bên liên quan nắm hơn 18% vốn (18/07/2014)

>   Cấp phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối: Chặn rủi ro từ gốc (18/07/2014)

>   Về đâu chính sách tỷ giá? (18/07/2014)

>   NamABank Bình Dương: Hướng đến ngân hàng dịch vụ số 1 (18/07/2014)

>   Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Sáp nhập vẫn là nền tảng (18/07/2014)

>   Ngân hàng vẫn lo ngại khi cho DN nhỏ và vừa vay (17/07/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước dồn dập mua ngoại tệ (17/07/2014)

>   VIBank: Lãi trước thuế 6 tháng 150 tỷ, gần gấp đôi năm 2013 (17/07/2014)

>   Rủi ro: Chính phủ không gánh! (17/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật