Thứ Năm, 31/07/2014 13:36

Ba khuynh hướng sai lầm chuyển đổi mô hình kinh tế ở Trung Quốc

Rất nhiều người vẫn có thể tiếp tục câu trả lời được tiêu chuẩn hóa: đô thị hóa, chuyển đổi kết cấu kinh tế, cải cách phân phối thu nhập… Tuy nhiên, Ân Kiếm Phong - Phó giám đốc Trung tâm Tiền tệ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, nếu tỉnh táo phân tích, trong những câu trả lời được tiêu chuẩn hóa này có ba khuynh hướng sai lầm.

Theo trang tin “Đa Chiều”, sự tăng trưởng nhanh trong hơn 30 năm qua đã đưa nền kinh tế Trung Quốc lên một tầm cao mới. Tính theo tổng lượng kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; tính theo mức thu nhập, Trung Quốc đã bước vào hàng ngũ các quốc gia thu nhập trên trung bình.

Theo như viễn cảnh được đưa ra trong Báo cáo chính trị Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến năm 2020, tổng lượng GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đều phải tăng lên gấp đôi. Lúc đó, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao.

Tuy nhiên, dựa vào cái gì để thực hiện mục tiêu to lớn như vậy? Đối với vấn đề này, dường như mọi người đều không do dự đưa ra đáp án đã được tiêu chuẩn hóa: cải cách, chuyển đổi mô hình phát triển. Vậy thì, cải cách cái gì và chuyển đổi về đâu?

Rất nhiều người vẫn có thể tiếp tục câu trả lời được tiêu chuẩn hóa: đô thị hóa, chuyển đổi kết cấu kinh tế, cải cách phân phối thu nhập… Tuy nhiên, Ân Kiếm Phong - Phó giám đốc Trung tâm Tiền tệ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, nếu tỉnh táo phân tích, trong những câu trả lời được tiêu chuẩn hóa này có ba khuynh hướng sai lầm.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh nhưng mất cân đối

Khuynh hướng sai lầm thứ nhất: Quá nhấn mạnh đô thị hóa

Lâu nay, giới kinh tế học trong và ngoài Trung Quốc đều tiếp thu một quan điểm “tưởng đúng mà sai”: đô thị hóa của Trung Quốc lạc hậu so với công nghiệp hóa (xét về nghĩa rộng). Lý do là bởi, chỉ quan sát tới hai chỉ tiêu thường dùng: tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp của Trung Quốc chiếm tới trên 60%, song tỷ trọng dân số thành thị mới vừa vượt ngưỡng 50%. Do đó, trực quan rất dễ khiến chúng ta cho rằng đô thị hóa chậm tới 10% so với công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đây là một sai lầm.

Lấy Mỹ, Nhật Bản và Đức làm ví dụ. Ba nước này đều đã sớm hoàn thành công nghiệp hóa, tỷ trọng việc làm phi nông nghiệp của các nước này luôn duy trì ở mức trên 90%, song tỷ trọng dân số thành thị trong tổng dân số cả nước thấp hơn 90% rất nhiều: Mỹ 82%, Nhật Bản 67% và Đức 74%.

Nếu với kiểu tư duy của Trung Quốc, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Đức đều thuộc quốc gia có đô thị hóa lạc hậu so với công nghiệp hóa. Vậy thì quốc gia nào trên thế giới hiện nay có đô thị hóa không lạc hậu so với công nghiệp hóa? Chỉ có Brazil – quốc gia điển hình rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” - năm 2010 có tỷ trọng ngành nghề phi nông nghiệp là 83%, trong khi tỷ trọng dân số đô thị là 86%.

Trên thực tế, ví dụ của bốn quốc gia trên chỉ nhằm nói lên một thực tế đơn giản: ngành nghề phi nông nghiệp là then chốt, công nghiệp hóa cần phải dẫn trước đô thị hóa, như vậy mới đảm bảo trong đô thị không tập trung lượng lớn dân nghèo và dân di cư không nghề nghiệp.

Do đó, trong “tam hóa” (công nghiệp hóa, đô thị hóa và nông nghiệp hiện đại hóa), đô thị hóa mang tính phụ thuộc, nâng cao trình độ đô thị hóa cần lấy sự gia tăng việc làm phi nông nghiệp làm cơ sở, đô thị hóa tuyệt đối không thể trở thành mục tiêu chính sách đơn độc. Nói như vậy, chính quyền các địa phương cần phải hết sức cảnh giác khi cắt đất để thúc đẩy đô thị hóa.

Khuynh hướng sai lầm thứ hai: Quá nhấn mạnh tiêu thụ

Cũng như trên, hiện đang tồn tại một quan điểm “tưởng đúng mà sai”: kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy là dựa vào nhu cầu bên ngoài – “ngoại nhu”. Các con số thống kê cho thấy, trong kết cấu chi tiêu GDP của Trung Quốc, tỷ trọng bình quân tiêu thụ và đầu tư trong nước – “nội nhu” trong 10 năm qua vào khoảng 97%.

Trừ năm 2006 và 2007, sức tiêu thụ của các nền kinh tế bên ngoài, chủ yếu là Mỹ quá lớn, đã đẩy cao tỷ trọng “ngoại nhu” của Trung Quốc, các năm còn lại, tỷ trọng ngoại nhu chỉ chiếm khoảng 2%-3% của GDP. Trong “nội nhu”, tỷ trọng của tiêu thụ nhìn chung cao hơn tỷ trọng đầu tư từ 8%-10%.

Như vậy, nội nhu, nhất là tiêu thụ đã luôn là thành phần chủ yếu trong cấu thành GDP của Trung Quốc, vậy làm thế nào tiếp tục nâng cao tỷ trọng của tiêu thụ? Hay hỏi cách khác: quá nhấn mạnh sự chủ đạo của tiêu thụ sẽ gây ra hậu quả gì? Trước khi trả lời câu hỏi trên, lại cần chỉ ra một quan điểm sai lầm đang lưu hành hiện nay: tiêu thụ là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Lý luận và thực tiễn của tăng trưởng kinh tế nói với chúng ta rằng tăng trưởng chỉ có 2 nguồn cội: yếu tố đầu tư (sức lao động, vốn) và tiến bộ kỹ thuật. Trong hoàn cảnh nền kinh tế đóng cửa, nếu như không có tiến bộ kỹ thuật, tăng trưởng của tiêu thụ có nghĩa là giảm thiểu tích trữ và thậm chí cả đầu tư, giảm thiểu đầu tư lại có nghĩa là giảm tốc của nền kinh tế và giảm thiểu nguồn tài nguyên có thể cung cấp cho tiêu thụ. Do đó, trong bối cảnh không có trợ giúp của tiến bộ kỹ thuật, sự chủ đạo của tiêu thụ là không thể duy trì.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế mở cửa, trong điều kiện không tính toán tới tiến bộ kỹ thuật, sự chủ đạo của tiêu thụ sẽ không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong hai trường hợp sau:

Một là, nếu sự tăng trưởng tiêu thụ có thể giảm theo xuất khẩu tịnh, tức là nền kinh tế chuyển từ dựa vào tiêu thụ ngoài nước sang dựa vào tiêu thụ trong nước, thì tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư có thể duy trì.

Hai là, nếu có thể vay dự trữ nước ngoài, tức xuất khẩu tịnh là âm, thì có thể duy trì kết cấu chi tiêu GDP do tiêu thụ làm chủ đạo. Tuy nhiên, trong mấy chục năm qua, nước có thể liên tục mượn dự trữ nước ngoài chỉ có Mỹ, mà năng lực này của Mỹ lại có được từ sự bá quyền của đồng USD và sức mạnh kinh tế, tài chính, chính trị và quân sự đằng sau nó.

Do đó, kết cấu chi tiêu GDP do tiêu thụ chủ đạo chỉ có thể thực hiện trên cơ sở tăng trưởng kiểu ngoại diên (dựa vào yếu tố đầu tư) chuyển thành tăng trưởng kiểu nội hàm (dựa vào tiến bộ kỹ thuật), chỉ dưới tiền đề đồng Nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền dự trữ quan trọng thì mới có thể làm được.

Nếu không, sự tăng trưởng của tiêu thụ chỉ có thể duy trì ở mức bổ khuyết ngoại nhu và duy trì cân bằng các hạng mục bình thường, không thể vì đó mà dẫn đến sự sụt giảm mang tính xu thế của đầu tư.

Khuynh hướng sai lầm thứ ba: Quá nhấn mạnh phân phối thu nhập

Vấn đề phân phối thu nhập ở Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rộng khắp. Để khởi xướng cải cách phân phối thu nhập, một số nhà lý luận cấp tiến thường viện dẫn quan điểm “tưởng đúng mà sai” như thế này: phân phối thu nhập bất công là nhân tố chủ yếu dẫn tới cuộc khủng hoảng thế giới lần này.

Về vấn đề này, lấy Mỹ – tâm chấn của khủng hoảng làm ví dụ. Năm 1999, hệ số Gini - dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Mỹ là 0,399, đến năm 2007 - thời điển trước khi nổ ra khủng hoảng toàn diện, hệ số này của Mỹ là 0,394, không hề thể hiện xấu đi.

Cũng trong khoảng thời gian này, bố cục phân phối thu nhập của các gia đình Mỹ cũng không có sự thay đổi đáng kể. Nếu xét thêm ở các nước châu Âu, tình hình về đại thể cũng như vậy. Nói cách khác, vấn đề phân phối thu nhập bất công có tồn tại, song tuyệt đối không phải là nhân tố chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng lần này, thậm chí không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Ngược lại, quá nhấn mạnh đến vấn đề phân phối thu nhập thậm chí có thể rơi vào gông cùm của chế độ phúc lợi và đó chính là cơ sở quan trọng khiến các nước phát triển lâm vào khủng hoảng lần này. Ai cũng rõ về chế độ phúc lợi của châu Âu và Mỹ.

Chế độ phúc lợi của Mỹ chủ yếu thông qua các biện pháp tiền tệ, trong khi các nước châu Âu thông qua biện pháp tài chính. Biện pháp tiền tệ của Mỹ chính là nợ dưới chuẩn: cho vay dưới chuẩn thế chấp. Nợ dưới chuẩn mà không xảy ra vấn đề thì là điều không thể tưởng tượng nổi, bởi vì đối tượng tín dụng dưới chuẩn đều là những gia đình thu nhập trung bình và thấp không có năng lực trả nợ, thậm chí không có ý định trả nợ.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tại sao tín dụng dưới chuẩn lại phổ biến như vậy, tại sao các cơ quan giám sát tiền tệ, các chính đảng, các cơ quan chính phủ của Mỹ đều biết vậy song lại nhắm mắt làm ngơ? Trong “báo cáo điều tra khủng hoảng tiền tệ”, tổ chuyên gia do Quốc hội Mỹ lập ra đã tổng kết rằng cơ sở của khủng hoảng nợ dưới chuẩn chính là cái gọi là “giấc mơ Mỹ” người người có nhà ở do chính phủ và các chính đảng Mỹ khích lệ.

Vấn đề phân phối thu nhập của Trung Quốc, đương nhiên còn nghiêm trọng hơn các nước khác, song ở mức độ rất lớn lại tương đương với giai đoạn phát triển của nó. Có thể thấy rằng tại 216 quốc gia và nền kinh tế có dân số trên 3 triệu người, hệ số Gini của các nền kinh tế phát triển là khá thấp, ở các nước nghèo và thu nhập thấp cũng giống như các nước phát triển, duy hệ số Gini ở các nước thu nhập trung bình là khá cao và Trung Quốc là cao hơn hẳn.

Nói cụ thể, vấn đề chênh lệch thành thị – nông thôn, chênh lệch Đông – Tây, phân phối thu nhập là ba nhân tố chủ yếu tạo ra hệ số Gini khá cao ở Trung Quốc. Trong đó, chênh lệch thành thị – nông thôn và chênh lệch Đông – Tây cần thông qua tiếp tục công nghiệp hóa để giải quyết, vấn đề thu nhập của các cơ quan chính phủ chiếm tỷ lệ quá cao cần thông qua cải cách chức năng chính phủ để giải quyết.

Nếu vượt quá giới hạn phát triển, né tránh vấn đề cải cách chức năng chính phủ, mà chỉ đơn giản lấy biện pháp tài chính và biện pháp tiền tệ để theo đuổi công bằng, thậm chí tiến hành chế độ phúc lợi, như vậy rất có thể trở thành biện pháp đẩy Trung Quốc vào bẫy thu nhập trung bình.

Nhưng, điều bất hạnh là sự theo đuổi này về mặt chính trị có sức mê hoặc nhất, có thể được dư luận ủng hộ nhất.

Quang Minh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Gambia có thể xem xét gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo (30/07/2014)

>   Đại gia năng lượng lo mất hàng tỷ USD vì Nga (30/07/2014)

>   Hãng Nissan đạt 1,1 tỷ USD lợi nhuận ròng trong quý 2 (30/07/2014)

>   Nga bị yêu cầu bồi thường 50 tỷ USD cho đại gia dầu khí (28/07/2014)

>   Malaysia Airlines tính chuyện đổi tên (28/07/2014)

>   Cấm vận Nga, châu Âu tổn thất kinh tế lớn (28/07/2014)

>   Chuỗi ngày khó khăn của các đại siêu thị quốc tế (27/07/2014)

>   Doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu công bố lợi nhuận quý 2 (25/07/2014)

>   Singapore đứng đầu danh sách đầu tư nước ngoài vào Indonesia (25/07/2014)

>   Hàn Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ USD (25/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật