Cấm vận Nga, châu Âu tổn thất kinh tế lớn
Giới chuyên gia quốc tế khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chấp nhận tổn thất kinh tế nghiêm trọng nếu cấm vận các ngành tài chính và năng lượng của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng châu Âu phải chấp nhận thiệt hại kinh tế để đảm bảo ổn định bằng việc trừng phạt Nga
|
Mất tăng trưởng GDP
Theo CNN ngày 27/07, các nhà kinh tế châu Âu cho biết hiện EU xuất khẩu khoảng 100 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Nga mỗi năm, nhập khẩu khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên năng lượng Nga sẽ là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến nền kinh tế châu Âu.
Nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, ngành sản xuất của EU sẽ chịu tổn thất lớn, đặc biệt trong thời điểm khu vực đang gồng mình gánh nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao. Một số nước trong EU thiệt hại nhiều hơn nước khi khi cấm vận Nga.
Pháp hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Nga. Hợp đồng bán hai tàu chiến Mistral trị giá hàng tỷ euro cho Nga đồng nghĩa với việc 1,000 người Pháp có công ăn việc làm. Ở một quốc gia với tỷ lệ thất nghiệp 10%, đây là con số rất đáng kể.
Nếu EU trừng phạt các ngân hàng nhà nước Nga, trung tâm tài chính London sẽ đánh mất nguồn vốn quan trọng. Các bất động sản hào nhoáng ở thủ đô Anh cũng sẽ trở nên ế ẩm bởi giới tài phiệt Nga sẽ không còn đến mua.
Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất khi quan hệ EU và Nga xấu đi. Hiện có khoảng 6,000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động ở Nga, đầu tư hàng tỷ USD. Đời sống của 300,000 công nhân Đức phụ thuộc vào quan hệ thương mại giữa Đức và Nga.
Đức xuất khẩu 36 tỷ euro hàng hóa sang Nga năm 2013, nhưng xuất khẩu đã giảm 14% trong bốn tháng đầu năm 2014. Các tổ chức doanh nghiệp cảnh báo đời sống của 25,000 công nhân Đức đang bị đe dọa vì sự giảm sút này.
Vấn đề các chuyên gia đặt ra là EU muốn đạt mục tiêu gì khi cấm vận Nga. Bởi nền kinh tế Nga hiện đã bắt đầu rơi vào suy thoái sau khi các nhà đầu tư nước ngoài rút 90 tỷ USD ra khỏi thị trường tài chính nước này.
Kinh tế Nga hiện đã bắt đầu rơi vào suy thoái sau khi các nhà đầu tư nước ngoài rút 90 tỷ USD ra khỏi thị trường tài chính nước này. |
Nếu cấm bán các thiết bị và công nghệ nhạy cảm trong ngành năng lượng cho Nga, EU có thể sẽ hủy hoại kế hoạch mở rộng khai thác dầu khí của Nga từ ba đến năm năm. Có thể EU kỳ vọng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ chấm dứt trong thời gian này.
Tuy nhiên các nhà kinh tế cho rằng nếu thực sự muốn gửi tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới Nga, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải chấp nhận mất ít nhất vài phần trăm tăng trưởng GDP toàn khối.
Ưu tiên cho hòa bình
Theo Reuters, hôm qua 27/07 Ngoại trưởng Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung cần phải ưu tiên hòa bình thay cho phát triển kinh tế và chấp nhận trừng phạt Nga nghiêm khắc hơn.
“Lợi ích kinh tế không phải là ưu tiên lớn nhất. Đảm bảo ổn định và hòa bình mới là ưu tiên hàng đầu. Mối đe dọa đối với ổn định và hòa bình sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với phát triển kinh tế” - ông Schaeuble nhấn mạnh.
Trong một động thái khác, hôm qua 27/07, Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định phương Tây không thể thể hiện sự mềm yếu trước Nga vì vụ máy bay MH17 rơi ở đông Ukraine.
Thủ tướng Harper đã viết một bài xã luận trên báo Globe & Mail, mô tả dù phiến quân ở đông Ukraine được gọi là “quân ly khai thân Nga”, nhưng trên thực tế chính là “lực lượng của nhà nước Nga”. Ông Harper cáo buộc “chủ nghĩa quân sự hiếu chiến của Nga” là mối đe dọa đối với cả châu Âu và phương Tây.
“Lợi ích kinh tế không phải là ưu tiên lớn nhất. Đảm bảo ổn định và hòa bình mới là ưu tiên hàng đầu. Mối đe dọa đối với ổn định và hòa bình sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với phát triển kinh tế” - ông Schaeuble nhấn mạnh. |
Ông Harper nhấn mạnh phương Tây cần phải tăng cường cấm vận kinh tế Nga kể cả khi các biện pháp cấm vận này ảnh hưởng ngược lại nền kinh tế các nước châu Âu. Trước đó chính phủ Canada đã công bố một số biện pháp cấm vận các ngân hàng và công ty Nga.
Ông Harper cho biết chính phủ Canada đã tính đến tác động của các biện pháp này đối với giới doanh nghiệp nước này. “Chúng tôi sẽ không cho phép các lợi ích kinh doanh ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại” - ông Harpert khẳng định.
Nguyệt Phương
Tuổi trẻ
|