Việt Nam với giấc mơ du thuyền
Việt Nam thật may mắn khi sở hữu đường bờ biển dài đến 3.260 km với 1 triệu Km2 vùng đặc quyền kinh tế. Diện tích biển có thể khai thác rộng gấp 3 lần diện tích đất liền mà trong đó có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng hải, thủy sản, dầu khí và du lịch.
Đặt trong bối cảnh kinh tế chính trị hiện nay, điều mà Việt Nam cần làm là phải đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người cũng như góp phần bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thành dự thảo về chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác biển với nhiều cơ chế ưu đãi như hỗ trợ ngư dân đóng tàu, đầu tư cảng cá, nơi neo đậu trú bão. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét dành khoản vay ưu đãi lên đến 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển.
Một chiến lược quan trọng khác là thực hiện chính sách mở cửa, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế biển. Điều này không những góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tỉnh ven biển mà còn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường thế giới như một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất khu vực.
Trên thực tế, một số tín hiệu gần đây đã phản ánh mối quan tâm nghiêm túc của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Nổi bật nhất là tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) đã công bố ý định đầu tư dầu khí tại Việt Nam với tổng giá trị lên đến 20 tỉ USD.
Đến từ Nhật, ông Akihiko Takashima, Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Kyoei Steel (Nhật), trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ mong muốn sẽ vận động các doanh nghiệp Nhật đến khảo sát hoạt động sản xuất, chế biến hải sản ở Bình Định, Phú Yên. Tập đoàn PTT (Thái Lan) từng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng tổ hợp dầu khí tại Bình Định với giá trị có thể lên đến 27 tỉ USD.
Nhưng chỉ khai thác lợi thế dầu khí thôi là chưa đủ, Việt Nam có rất nhiều những bãi biển đẹp, trải dài từ Bắc chí Nam, nằm ở vị trí địa lý quan trọng trên con đường giao lưu hàng hải ở châu Á và quốc tế. Chính vì vậy, du lịch biển sẽ là lĩnh vực mang lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam nếu được khai thác phù hợp.
Đầu tháng 1 vừa qua, tập đoàn bất động sản Rose Rock thuộc gia đình tỉ phú Rockefeller đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Dầu khí Vũng Rô, nhằm xây dựng Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng giá trị tới 2,5 tỉ USD ở Vũng Rô thuộc tỉnh Phú Yên. Tổ hợp này sẽ gồm 3 khu vực chính là The Marina, The Village và Bãi Môn.
Vào ngày 26.5, để hiện thực hóa phần nào giấc mơ xây dựng tổ hợp sang trọng này, ông Kirill Korolov, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Vũng Rô, đã ký thỏa thuận ghi nhớ với ONEº15 Marina Club và Tập đoàn SUTL về việc xây dựng một trung tâm du thuyền đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Việt Nam với tên gọi ONE15 Vung Ro Bay Marina Resort.
Theo thiết kế, tổ hợp này, ngoài bến đỗ cho khoảng 350 du thuyền với kích cỡ từ 10 - 60 m, còn có khách sạn hơn 760 phòng, 4.300 căn hộ, 100 nhà phố cùng hệ thống cửa hàng bán lẻ, khu vui chơi giải trí, y tế kèm theo. Và đây có thể là bản sao của khu du thuyền nổi tiếng ONE˚15 Marina Club, tại Sentosa (Singapore). Quy hoạch tổng thể của dự án này sẽ trình chính thức lên Chính phủ vào tháng 9 này, một đại diện của Công ty Dầu khí Vũng Rô cho biết.
Theo ông Kirill Korolev, việc ký bản ghi nhớ này sẽ mở ra chân trời mới cho toàn bộ dự án phát triển Vũng Rô, hướng đến sự phát triển bền vững và tập trung vào việc tạo ra hệ sinh thái cực kỳ sống động về giáo dục, phong cách sống và văn hóa”.
Ông Arthur Tay, Chủ tịch của ONE˚15 Marina Club và Tập đoàn SUTL, cho biết dự án ở Vũng Rô là một khởi đầu mới rất hứng khởi cho Tập đoàn. Theo ông, ngày càng nhiều người dân châu Á mong muốn hưởng thụ những lựa chọn về phong cách sống mới mẻ cũng như cuộc sống gần với biển. Ngoài Việt Nam, ông Arthur Tay còn theo đuổi các dự án du thuyền thuộc dạng này tại Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Sri Lanka và Trung Quốc.
Ngoài việc hợp tác tại Vũng Rô, ông Arthur Tay còn có kế hoạch hợp tác với Công ty Sài Gòn Du Thuyền để xây dựng trung tâm du thuyền ngay tại Tân cảng, TP.HCM. “Chúng tôi có kế hoạch sẽ mang các cuộc đua thuyền buồm quốc tế đến Việt Nam và khi đó thế giới sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn”, ông Hà Tôn Đức, Chủ tịch Công ty Sài Gòn Du Thuyền, chia sẻ giấc mơ của mình.
Thật ra, ông Arthur Tay không hề xa lạ với Việt Nam. Tập đoàn SUTL chính là đơn vị đã xây dựng trung tâm thương mại Saigon Superbowl ở Tp.HCM vào năm 1996 và thêm một cái sau đó ở Diamond Plaza. Năm 1997, ông đã mang đến cho người dân Sài Gòn cơ hội được thưởng thức hương vị của món gà rán KFC và đến nay, hệ thống này đã đạt đến 140 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Và lần này ông sẽ quay trở lại đất nước hình chữ S với giấc mơ phát triển lĩnh vực du lịch đầy sang trọng, đó là thuyền buồm.
Nguyễn Sơn
Nhịp cầu đầu tư
|