Chủ Nhật, 08/06/2014 10:41

Manh mún công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển khiến cho nhiều ngành sản xuất chưa thoát khỏi tình trạng gia công, và hệ lụy là nhập siêu ngày càng lớn. Nếu không có chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì “sức ỳ” của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ hơn.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Sự thất bại trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô là một minh chứng rõ nhất cho sự ỳ ạch của công nghiệp hỗ trợ của nước ta. Theo mục tiêu đề ra của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004, tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng như xe tải, xe khách, xe con. Nhưng trên thực tế, dòng xe cá nhân, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa thiết kế, chưa dập được thân vỏ ôtô, chủ yếu vẫn là sơn, hàn, lắp ráp... Đối với dòng xe thương mại, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 40%, có chủng loại đạt khoảng 50%. Thêm vào đó, tính đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 200 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, săm lốp, bộ tản nhiệt...

Hay như ngành cơ khí, mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 là đáp ứng được 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước nhưng con số này mới chỉ đạt 32,6% vào năm 2012. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhà thầu Việt Nam chưa tự sản xuất được các loại máy móc, thiết bị chính phục vụ cho các dự án điện, than, xi măng… nên “miếng ngon” đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ngay cả những ngành hàng đứng top đầu trong XK của Việt Nam như dệt may, da giày… mặc dù công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng phần lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất XK đều phụ thuộc vào NK. Có tới 80-85% tỷ lệ nguyên, phụ liệu phải NK bao gồm: Vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khoá kim loại...

Có chăng chỉ công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đã đạt khoảng 85-90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ, đều đã được sản xuất trong nước. Các sản phẩm chính trong xe máy hầu hết đã được sản xuất với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn của các nhà lắp ráp và tạo thành hệ thống cung ứng khá hiệu quả.

Cần “bệ đỡ” chính sách

Cho đến nay, Việt Nam đã có Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN ngày 31-7-2007). Tuy nhiên, theo ông Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), bản quy hoạch này chỉ mang tính định hướng và đưa ra những nhóm giải pháp chung. Nhà nước vẫn chưa hỗ trợ mạnh mẽ, chiến lược và có hiệu quả trong việc tạo sự chuyên nghiệp về công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển DN, chính sách tăng cường liên kết DN thông qua các khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên chưa phát huy được tác dụng. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đứng trên góc độ DN, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển ngành may mặc đặt ra mục tiêu các mặt hàng chủ lực sẽ là nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, sợi các loại, vải dệt thoi, vải dệt kim, sản phẩm kỹ thuật, sản phẩm may mặc. Thế nhưng hầu hết các DN trong ngành đều không đủ tiềm lực về vốn và công nghệ để đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, đặc biệt là công nghiệp dệt và nhuộm. Chưa kể đến, các địa phương lại không ủng hộ cho đầu tư dệt, nhuộm vì những lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Công nghiệp hỗ trợ ì ạch không chỉ làm cho sản phẩm kém cạnh tranh, giá trị gia tăng ít đi mà còn làm cho nhập siêu tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hơn thế, từ nay đến năm 2018, hầu hết các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, lợi thế cạnh tranh như lao động giá rẻ sẽ không còn. Khi các DN, tập đoàn sản xuất kinh doanh nước ngoài có DN lắp ráp ở Việt Nam nếu không tiếp cận được nguồn cung tại chỗ theo lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ hợp tác mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh với các khu vực khác, điều tất yếu họ sẽ chuyển đến sản xuất ở những nước có ngành công nghiệp hỗ trợ tốt hơn. Bởi thế, rất cần cơ chế chính sách cụ thể về vốn, về tiếp cân mặt bằng sản xuất… để phát triển công nghiệp hỗ trợ nếu không nhiều ngành hàng của Việt Nam khó thoát khỏi tình trạng gia công.

Phan Thu

hải quan

Các tin tức khác

>   Thay đổi chính sách ngoại thương để hạn chế tổn thương (08/06/2014)

>   Thuốc “đắng” trong tôm xuất khẩu (08/06/2014)

>   DN công nghệ cao khó đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm (07/06/2014)

>   Tạo cơ chế thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (07/06/2014)

>   Kịp thời thực hiện các giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho DN (07/06/2014)

>   Hơn 75% doanh nghiệp dự kiến lãi trước thuế 2014 cao hơn năm trước (07/06/2014)

>   Hơn 50% doanh nghiệp không muốn vay vốn từ ngân hàng (07/06/2014)

>   Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam tự lệ thuộc Trung Quốc thế nào? (07/06/2014)

>   Nỗ lực tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên phụ liệu (07/06/2014)

>   Vietnam Airlines “xử ép” các công ty du lịch? (07/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật