Thứ Bảy, 07/06/2014 14:46

DN công nghệ cao khó đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm

Nếu tình hình công nghiệp hỗ trợ trong nước yếu kém như hiện nay không sớm được cải thiện, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) sẽ khó có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đạt đến 25% vào năm tới như mục tiêu mà lãnh đạo khu công nghệ này đặt ra.

Các doanh nghiệp tìm nhà cung cấp trong khuôn khổ của Hội nghị Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao"- Triển lãm

Đó là nhận định chung mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ghi nhận tại Hội nghị - Triển lãm "Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao" do Ban quản lý SHTP phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (SHTP) tổ chức ngày 5-6.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, hiện nay tính trung bình thì các doanh nghiệp đang hoạt động ở SHTP có tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đạt khoảng 20%; và Ban Quản lý đang vận động các doanh nghiệp phấn đấu gia tăng tỷ lệ này lên 25% vào năm tới và đến năm 2020 là 40%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Datalogic Việt Nam - đơn vị sản xuất các thiết bị đọc mã vạch xuất khẩu, công ty của ông khó có thể đạt được mục tiêu trên. Ông Đạt cho biết, sau 5 năm hoạt động, doanh số của công ty đã tăng lên hơn 160 triệu đô la Mỹ so với gần 3 triệu đô la Mỹ của năm 2009 và trong quá trình phát triển mạnh mẽ ấy, công ty luôn cố gắng tìm các nhà cung cấp trong nước để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm nhằm hạ giá thành nhưng rất khó. Đến nay, tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của công ty chưa đạt tới 4%; và phần lớn những mặt hàng mà Datalogic mua tại Việt Nam là những mặt hàng có giá trị thấp như bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản.

Theo ông Đạt, bên cạnh khó khăn do công nghiệp phụ trợ trong nước yếu kém còn có nguyên nhân các nhà cung cấp trong nước không đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định, giá cả không cạnh tranh với hàng nhập khẩu và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu... Một số nhà cung cấp nhỏ nhưng lại chê những đơn hàng nhỏ lẻ.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho biết công ty luôn mong muốn tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để đạt được mục tiêu nội địa hóa. Tuy nhiên đến nay công ty cũng chỉ tìm được khoảng 20 nhà cấp trong nước với những phụ kiện giản đơn, giá trị thấp, chiếm khoảng 10% tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Theo công ty Intel, nhà máy lắp ráp và kiểm tra linh kiện bán dẫn của công ty đang ngày càng được mở rộng nâng công suất với nhiều sản phẩm cải tiến về công nghệ nên nhu cầu mua linh phụ kiện trong nước để sản xuất là rất lớn. Trở thành nhà cung cấp nhà máy Intel Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước còn có cơ hội mở rộng hệ thống cung cấp cho nhà máy Intel toàn cầu nếu giá cả cạnh tranh.

Thực tế theo khảo sát của Ban quản lý Khu công nghệ cao, số doanh nghiệp hoạt động trong khu có tỷ lệ nội địa hóa từ 0-10% chiếm cao nhất khoảng 40%.

Còn theo ông Osato Kazuhiko, Giám đốc Bộ phận xúc tiến thương mại đầu tư JETRO tại TPHCM, theo khảo sát của JETRO, năm 2013 tỷ lệ cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện của các nhà sản xuất trong nước cho các công ty Nhật đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam chỉ hơn 30%; chỉ bằng một nửa so với tại Trung Quốc và Thái Lan. Theo ông Osato Kazuhiko,10 năm qua ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.

Chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện vẫn chưa thoát khỏi cái áo gia công, lắp ráp do thiếu sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và chất lượng nhân lực thấp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa chạm tới nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn nhân lực có tay nghề thấp đang là rào cản cho ngành này.

Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng sản phẩm, nguồn lực tài chính yếu và nhân lực thiếu đang là những thách thức cần sớm được giải quyết.

Trong năm 2013, giá trị xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm công nghệ cao của TPHCM đạt 2,93 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỉ trọng 14,6% kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô). Trong đó, khu công nghệ cao TPHCM đóng góp giá trị xuất khẩu 2,753 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao TPHCM.

Lê Hoàng - Thái Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tạo cơ chế thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (07/06/2014)

>   Kịp thời thực hiện các giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho DN (07/06/2014)

>   Hơn 75% doanh nghiệp dự kiến lãi trước thuế 2014 cao hơn năm trước (07/06/2014)

>   Hơn 50% doanh nghiệp không muốn vay vốn từ ngân hàng (07/06/2014)

>   Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam tự lệ thuộc Trung Quốc thế nào? (07/06/2014)

>   Nỗ lực tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên phụ liệu (07/06/2014)

>   Vietnam Airlines “xử ép” các công ty du lịch? (07/06/2014)

>   Bộ Công thương quyết giá xăng: "Đá bóng thổi còi" theo... luật? (06/06/2014)

>   GS.TS Vương Đình Huệ: Đẩy mạnh bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường (06/06/2014)

>   10.000 tỷ đóng tàu sắt: Ngư dân chưa ưng mẫu tàu của SBIC (06/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật