10.000 tỷ đóng tàu sắt: Ngư dân chưa ưng mẫu tàu của SBIC
Ngư dân phụ trách phần giám sát thi công, đảm bảo đóng đúng thiết kế và tiết kiệm, không thất thoát lãng phí.
Xung quanh vấn đề cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá vỏ sắt, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ủy viên ban chấp hành nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam để tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của ngư dân, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn với ngư trường truyền thông là Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ủy viên ban chấp hành nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam
|
Tàu cá phải là nhà của các ngư dân
PV: - Theo ý kiến của ông, làm thế nào để ngư dân được vay vốn một cách hiệu quả nhất?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: -Nếu được vay vốn, cách hỗ trợ hiệu quả nhất là để ngư dân được cổ đông tất cả con tàu. Tức là con tàu này không phải do một chủ, một thuyền trưởng đứng tên vay vốn mà tất cả ngư dân có mặt trên con tàu ấy sẽ cùng góp sức vào, mỗi người một chút. Có như thế thì ngư dân sẽ coi con tàu là ngôi nhà chung của họ, và biển cả là quê hương của họ, họ có trách nhiệm để làm ra sản phẩm, có doanh thu để trả nợ nhà nước đúng kỳ hạn."
Tại sao chúng tôi nói về việc cổ đông? Trước đây nhà nước có chính sách phát triển tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nhưng một ông chủ vay khoảng 3 tỷ để đóng một con tàu, nhưng ông ta ko biết gì về biển, không biết ra khơi, ông phải thuê các người lao động xuống tàu làm công hưởng lương.
Khi doanh thu được, ông chủ này phải trừ tất cả các chi phí lãi lời để dồn trả cho nhà nước đúng hạn nhưng quyền lợi của người lao động lại không được đảm bảo, họ thấy không có lợi ích và không bị ràng buộc bởi trách nhiệm. Từ đó có những con tàu phải bỏ biển nằm bờ và tốn không biết bao nhiêu của nhà nước.
Vì thế với vấn đề cổ đông, họ đều có trách nhiệm như nhau, họ đều vay của nhà nước và đều có trách nhiệm phải trả, có như thế hiệu quả của chính sách mới cao được.
PV: - Nghiệp đoàn nghề cá địa phương sẽ giúp đỡ thế nào với ngư dân vay vốn? Và làm thế nào để đảm bảo tính an toàn, tránh rủi ro cho mỗi khoản vay?
Ông Nguyễn Quốc Chinh:- Ngư dân vay của nhà nước thì được vay qua các tổ chức của nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn sẽ xác định, phân cấp ngành nghề. Trường hợp nào đáng ưu tiên để phát triển đúng ngành nghề, đúng yêu cầu nghề nghiệp, mục đích của chương trình là đóng tàu cá vỏ sắt để vươn khơi đánh bắt xa bờ, và thấy khả thi thì mới tạo điều kiện cho vay vốn.
Thực tế, ngư dân đã có lúc phải vay nóng với lãi xuất cao để tiếp tục vươn khơi bám biển, họ cũng vay theo hình thức tập thể trên một con tàu cùng vay. Và chúng tôi vẫn vay được, vẫn làm được, vẫn trả nợ đúng hạn, nếu nhà nước đồng thuận thì đây là biện pháp giúp cho ngư dân hữu hiệu nhất.
Ngư dân phải là người giám sát để tránh bị xà xẻo!
PV: - Ông có thể cho biết nguyện vọng của ngư dân Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung và rộng ra là ngư dân Việt Nam về việc đóng tàu cá vỏ sắt?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: - Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngư dân vay thì cho phép ngư dân chúng tôi được trực tiếp ký kết hợp đồng và theo dõi giám sát đóng tàu, còn nhà nước giải ngân theo từng giai đoạn. Có như thế, nhà nước vừa quản lý được đồng tiền, mà ngư dân chúng tôi quản lý được chất lượng sản phẩm đóng ra.
Nếu ngư dân tự ký hợp đồng với một công ty đóng tàu thì đồng tiền bỏ ra xứng đáng là con tàu 5 tỷ, nếu qua một bên trung gian đóng, thì tất cả các chi phí sẽ tăng lên. Ví dụ như qua một công ty nước ngoài đóng thì con tàu sẽ tăng lên 7 tỷ.
Việc để ngư dân chủ động ký kết hợp đồng đóng mới và tham gia giám sát thì con tàu vừa giảm giá thành, vừa chắc chắn hơn vì họ xem cái đồng tiền đó, con tàu đó là của họ, họ bỏ công sức ra làm, và phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc thù khai thác.
PV: - Nhưng trong trường hợp ngư dân chủ động ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm giám sát liệu có đảm bảo được chất lượng hay yêu cầu kỹ thuật của con tàu?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: - Ngư dân có tự đi liên hệ đóng tàu chăng nữa thì cũng đều có thiết kế phù hợp theo ngành nghề, kể cả tàu cá vỏ gỗ cũng phải có những quy chuẩn được cho phép, kiểm định mới có thể ra khơi, chứ không có việc tưởng tượng ra để đóng.
Nhưng khi ngư dân chủ động, họ sẽ có những góp ý trực tiếp với đơn vị sản xuất là con tàu của họ dùng để làm gì, sản xuất thế nào, lưới vây, lưới kéo, lười rà, lưới cản... thì lúc đó con tàu mới phù hợp, hiệu suất lao động mới tăng cao. Cần biết rằng ngư dân hiểu con tàu của họ nhất, vì họ mất mát quá nhiều, tính mạng, tài sản của họ ở cả trên con tàu ấy, vì thế nên để họ chủ động với cơ nghiệp và sinh mạng mình.
Ngoài ra, về vấn đề giám sát, khi có thiết kế họ sẽ mời Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản là người có bằng cấp đảm bảo về giám sát kỹ thuật. Còn ngư dân phụ trách phần giám sát thi công, đảm bảo đóng đúng thiết kế và tiết kiệm, không thất thoát lãng phí.
Việc để ngư dân chủ động sẽ mang lại hai lợi ích: thứ nhất con tàu tiết kiệm những khoản chi phí không đáng có, thứ hai, con tàu đảm bảo những tính năng khiến ngư dân tự tin nhất, hiệu quả nhất khi ra khơi.
Ngư dân không ưng mẫu tàu của Vinashin
PV: - Vừa qua, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (tiền thân là Vinashin) đã hạ thủy ba tàu cá vỏ sắt thí điểm, ông nhận định thế nào về những mẫu tàu này của SBIC?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: - Con tàu mà SBIC đóng ra để hành nghề câu mực đại dương thì được, nhưng với những nghề nghiệp khác thì không phù hợp. Hai nữa là giá thành cũng hơi cao chứ không phải thấp đâu. Ngư dân nếu họ đóng, ví dụ đáng 7 tỷ thì chi phí sẽ chỉ là 5, 6 tỷ và chất lượng thì không hề thua kém.
Nếu đáp ứng được yêu cầu của ngư dân thì ngư dân có điều kiện trả nợ sớm cho nhà nước. Còn nếu đáng 6 tỷ mà bị chịu giá cao hơn, phải trả những khoản nợ lãng phí như vậy thì vô lý quá, mà chính điều này lại đang làm khó cho ngư dân. Thực tế là ngư dân Lý Sơn không mặn mà về những mẫu tàu được đóng thử nghiệm vừa rồi.
Trung Quốc họ đã có đội tàu rất hiện đại và đông đảo rồi, mỗi tàu thuyền của mình ra họ đều có số lượng áp đảo gấp 3 gấp 5. Nếu ngư dân không hiện diện trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng khó để nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của mình.
Nếu mất hai quần đảo này, chúng ta không chỉ bị thiệt thòi, lệ thuộc đường biển mà cả đường không và cái nền kinh tế biển lại vô cùng lớn. Đồng thời phát triển đời sống kinh tế ngư dân cũng góp phần khiến dân giàu, mà dân đã giàu thì nước sẽ mạnh thôi.
Mong nhà nước tạo điều kiện cho ngư dân có cái cần câu lớn, câu con cá xa bờ, phát triển kinh tế, thì ngư dân chúng tôi rất là cảm ơn.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Minh Tú
SBIC đóng tàu cá vỏ sắt cho ngư dân
Hiện chính phủ đang thực hiện chương trình thay mới tàu vỏ gỗ bằng tàu sắt, giúp ngư dân trong việc vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế ngư dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo đó, 10.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân với lãi suất 3% để ngư dân vay.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang được giao làm đầu mối cùng các cơ quan chức năng, trong đó có Ngân hàng nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định, quy định rõ điều kiện, cách thức vay vốn… Trong đó, đề xuất tất cả các con tàu đóng mới đều được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm.
Với việc tham gia bảo hiểm đầy đủ, trong trường hợp gặp rủi ro, tai nạn, kể cả bị đâm chìm, tàu của ngư dân cũng sẽ được đền bù, do vậy cũng giúp hạn chế rủi ro cho cả phía ngân hàng.
Hiện tại, theo thông tin ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (tiền thân là Vinashin) chia sẻ trên tờ Vneconomy, hiện doanh nghiệp này đã và đang đẩy nhanh triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt thay thế vỏ gỗ và một số tàu kiểm ngư.
Riêng chương trình tàu cá vỏ sắt đã được xây dựng cách đây nhiều năm, vừa qua đã được Chính phủ quan tâm, bố trí vốn triển khai thực hiện.
|
đất việt
|