Thoáng cho FDI, vướng cho ngân hàng
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) có thể gây khó khăn lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước và hoạt động ngân hàng.
Rủi ro sai lệch cán cân thanh toán
Đẩy mạnh thu hút vốn FDI là mong muốn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương... Nhưng với NHNN và các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… việc quy định ngày càng thông thoáng hơn đối với hình thức đầu tư này có thể khiến việc lập, theo dõi, phân tích, dự báo được dòng tiền vào và ra khỏi đất nước (cán cân thanh toán) đặt ra tại Nghị định 16/2014/NĐ-CP trở nên khó khăn. Đặc biệt, các quy định tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) có thể gây khó khăn lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước và hoạt động ngân hàng.
Một chuyên gia pháp chế ngân hàng cho biết, khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư sửa đổi đang cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn so với các quy định hiện tại. Thông thường, đã là NĐT nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo vào dòng vốn từ nước ngoài và được hạch toán trên cán cân thanh toán. Thế nhưng, ở trường hợp khác, theo quy định mới, nếu DN FDI tại Việt Nam liên doanh với DN khác, có thể cũng là DN FDI tại Việt Nam, thì DN mới cũng được coi là DN FDI.
Ví dụ, khi Yamaha mang tiền vào Việt Nam đầu tư thì lúc này, dự án của họ được xem là DN FDI tại Việt Nam, nguồn tiền vào sẽ được ghi nhận trên cán cân thanh toán (Tài khoản vốn - FDI ròng). Còn khi Yamaha Việt Nam đã được thành lập theo pháp luật Việt Nam, là pháp nhân Việt Nam và là đơn vị cư trú Việt Nam, nếu họ tiếp tục liên doanh với Honda Việt Nam cũng là đơn vị cư trú Việt Nam để thành lập DN mới có tên Yamaha - Honda chẳng hạn, DN mới do 2 pháp nhân Việt Nam thành lập với nhau và vốn hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Ở trường hợp này, không có dòng tiền nào từ nước ngoài vào. Nhưng, theo dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), liên doanh Yamaha - Honda nói trên vẫn được tính là DN FDI.
Nhìn nhận về vấn đề này, NHNN cho rằng, quy định như vậy sẽ khiến các cơ quan quản lý gặp vướng mắc. Bởi lẽ, sẽ khó xác định được tỷ lệ sở hữu vốn của NĐT nước ngoài tại DN Việt Nam để tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về nội dung này. Một chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, khi đã là DN FDI như trường hợp Yamaha - Honda kể trên và được thể hiện trên cán cân thanh toán là không đúng về bản chất. Chính vì thế, nó sẽ không phản ánh chính xác dòng vốn FDI trên cán cân thanh toán của quốc gia.
Khó quản lý được khoản vay
Còn theo quy định của dự thảo Luật DN (sửa đổi), nội dung Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký DN chỉ ghi nhận vốn điều lệ DN và không ghi nhận tổng vốn đầu tư của các DN FDI. Điều này được cho rằng sẽ gây khó khăn cho NHNN khi thực hiện chính sách quản lý mức vay nước ngoài của các DN.
Theo quy định hiện nay đối với DN FDI, dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài phải nằm trong tổng vốn đầu tư. Chính vì vậy, DN FDI khi vào Việt Nam đầu tư phải có GCN đăng ký đầu tư. GCN này phải ghi rõ tổng vốn đầu tư của dự án là bao nhiêu, trong đó có vốn pháp định. Nay, theo định hướng mới ở Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi), có thể DN FDI sẽ không bắt buộc phải xin cấp GCN đầu tư mà chỉ cần đăng ký thành lập DN như DN Việt Nam.
Theo NHNN, nếu DN FDI không có GCN đầu tư, NHNN không biết rõ tổng vốn đầu tư của DN dẫn đến không biết mức họ có thể vay là bao nhiêu. Hoặc, quy định DN chỉ đăng ký thành lập và ghi vốn điều lệ, NHNN cũng không thể biết được tổng số tiền vay của DN như thế nào. Giả sử khi Yamaha đầu tư vào Việt Nam, trên GCN đầu tư sẽ ghi nhận tổng vốn đầu tư là 100 triệu USD, trong đó vốn điều lệ chỉ 10 triệu USD. Như vậy, theo quy định của pháp luật, Yamaha sẽ được đi vay 90 triệu USD. Đến khi họ đi vay nước ngoài, NHNN sẽ phải theo dõi phần vay có nằm trong tổng vốn đầu tư của dự án hay không.
Một chuyên gia pháp chế ngân hàng cho biết, việc quản lý vay nước ngoài áp dụng với tất cả DN. Thông thường, các DN khi đi vay nước ngoài sẽ phải chứng minh vay để làm gì, vì lúc họ thành lập DN chỉ cần đăng ký thành lập DN và đăng ký vốn điều lệ. Còn với các DN FDI, GCN đầu tư là sự phê duyệt của Nhà nước với dự án đầu tư tại Việt Nam. Vì thế, tổng vốn đầu tư của dự án chính là ngưỡng xác định rằng, dự án hợp tác của họ tại Việt Nam bao nhiêu tiền, tiếp đó là khoản vay so với quy định có hợp pháp hay không.
Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, đây không phải là kiểm soát khoản vay của DN mà còn là kiểm soát ngưỡng nợ quốc gia an toàn và hiệu quả. Nợ DN là một phần trong nợ quốc gia, chính vì thế nợ nước ngoài chia ra làm nợ công và nợ tư nhân. Nợ tư nhân được tính trong tổng số nợ nước ngoài của quốc gia và đến nay vẫn bị hạn chế ngưỡng an toàn theo tỷ lệ nợ trên GDP.
Dương Công Chiến
thời báo ngân hàng
|