Ổn định chất lượng để giữ thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng nông sản, thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
|
Xin ông cho biết khó khăn các DN thủy sản gặp phải tại một số thị trường truyền thống như Nga, Mexico, Nhật Bản?
Thời gian qua, tại một số thị trường truyền thống cũng như thị trường mới, hàng hóa XK của Việt Nam như tôm, cá tra, cá basa gặp khó khăn nhất định trong việc tiếp tục duy trì hoạt động XK. Nguyên nhân của tình trạng này là do các thị trường như Nga, Mexico, Nhật Bản đưa ra rào cản thương mại mới về dư lượng kháng sinh, chất lượng thủy sản để bảo hộ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, khi không vượt qua những rào cản này, phía đối tác đã tạm thời ngừng NK sản phẩm của Việt Nam. Đây không phải là hiện tượng cá biệt hay hiện tượng mới phát sinh mà là chuyện bình thường tồn tại trong quan hệ của Việt Nam với các thị trường khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, do hàng hóa của chúng ta không ổn định về mặt chất lượng, thậm chí ngay trong một DN chất lượng cũng không ổn định. Chính vì vậy, với những thị trường có yêu cầu cao thì rõ ràng hàng thủy sản của Việt Nam đang gặp vướng mắc.
Bộ Công Thương có giải pháp gì tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng này, thưa ông?
Để giải quyết khó khăn cho những mặt hàng này, một mặt Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan đại diện của Việt Nam, các thương vụ ở nước ngoài tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của phía bạn trong vấn đề kiểm dịch chất lượng thực vật cũng như động vật của sản phẩm để tìm cách đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến những tiêu chuẩn kỹ thuật đó.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đưa nội dung này vào trong các nội dung làm việc của các Ủy ban liên chính phủ và Ủy ban hỗn hợp để đề nghị phía đối tác có những xem xét, cân nhắc để đưa ra các giải pháp thỏa đáng vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nước NK đồng thời vẫn có những cơ chế xử lý bình đẳng, phù hợp đối với trình độ cũng như thực tiễn trong sản xuất, XK của Việt Nam.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động trao đổi với Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai xây dựng các khung khổ pháp lý như Nghị định về sản xuất cá tra để từng bước đưa hoạt động sản xuất, chế biến phục vụ cho XK đi vào nề nếp và ổn định trên cơ sở ổn định về mặt chất lượng, đảm bảo những quy chuẩn về mặt kỹ thuật để từ đó đảm bảo cho sản phẩm của chúng ta có điều kiện, năng lực cạnh tranh cao hơn bền vững hơn đối với thị trường quốc tế.
Theo dự báo, năm nay XK nông sản, thủy sản sẽ không được như kỳ vọng. Bộ Công Thương có giải pháp gì để thúc đẩy việc XK hàng nông sản trong thời gian tới?
Một số dự báo chung của thế giới cho thấy, năm 2014 là năm còn nhiều khó khăn trên bình diện kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc có biến động. Do vậy, việc duy trì sự ổn định thị trường XK cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua kết quả XK 5 tháng đầu năm 2014 có thể thấy hoạt động XK vẫn đạt kết quả tích cực. Các tháng còn lại của năm 2014, theo đánh giá của chúng tôi, XK vẫn đạt kế hoạch đề ra và cao hơn năm 2013. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn, đặc biệt là việc đa dạng thị trường trên cơ sở đảm bảo tính bền vững của các thị trường. Tức là, sản phẩm cũng như các dịch vụ XK phải đảm bảo sự ổn định và đảm bảo tính bền vững ở các thị trường đó.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường mới không chỉ bằng các cơ chế pháp lý mà bằng cả nguồn lực của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Nhà nước cũng như chương trình thương hiệu quốc gia giúp cho DN tiếp cận một cách hệ thống hơn với các thị trường mới này. Bộ Công Thương sẽ chủ động nghiên cứu thị trường giúp cho DN trong việc xây dựng và đưa ra được những sản phẩm XK phù hợp với nhu cầu thị hiếu và tính chất của thị trường, từ đó cơ cấu lại sản xuất để đảm bảo được giá trị gia tăng cũng như giá trị trong XK.
Xin cảm ơn ông!
Diệp Anh (ghi)
Hải Quan
|