Tốc độ cổ phần hóa đã “vào guồng”
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong quý I-2014, tốc độ cổ phần hóa đã được cải thiện đáng kể với 16 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) và DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa. So với tốc độ "ì ạch" 99 DN cổ phần hóa trong 3 năm 2011-2013 thì đây quả là con số đáng mừng.
Quý I cổ phần hóa 16 DNNN
Trong đó, nổi bật là kết quả của Bộ Giao thông Vận tải với 10 DN, đó là Công ty mẹ TCT Vận tải thủy; Công ty mẹ TCT Xây dựng công trình giao thông 5; Công ty mẹ TCT Xây dựng đường thủy; Công ty mẹ TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam; Công ty mẹ TCT Xây dựng công trình giao thông I; Công ty mẹ TCT Xây dựng Thăng Long; Công ty mẹ TCT Xây dựng công trình giao thông 6; Công ty mẹ TCT Tư vấn thiết kế giao thông vận tải; Công ty mẹ TCT Xây dựng công trình giao thông 4; Công ty mẹ TCT Xây dựng công trình giao thông 8.
Bộ Công Thương có 1 DN đó là TCT Công nghệ dầu thực vật Việt Nam. Bộ Xây dựng có 1 DN là Công ty mẹ TCT Xây dựng Hà Nội. TCT Giấy Việt Nam có 1 DN là Công ty Vận tải và chế biến lâm sản. TĐ Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam có 1 DN là Công ty TNHH MTV Kim loại mầu Thái Nguyên.
Đặc biệt, tốc độ cổ phần hóa tại TP. Hà Nội được cải thiện đáng kể so với trước đây với 2 DN được cổ phần hóa trong quý I-2014 đó là: Xí nghiệp Giống cây trồng Thường Tín và Xí nghiệp giống vật nuôi Hà Nội.
Trong Thông điệp đầu năm và tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015 diễn ra vào trung tuần tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dồn mục tiêu ưu tiên cho tiến trình tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN.
Thủ tướng Chính phủ đã hối thúc việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết thực hiện. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đã đến lúc “phải cần quyết tâm và trách nhiệm”. Bởi cổ phần hóa là giải pháp trọng tâm của tái cơ cấu, là con đường phải làm. Nhưng bên cạnh đó phải làm đồng bộ các giải pháp trong đó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trách nhiệm người đứng đầu.
Tháo gỡ bằng chính sách
Ngay từ đầu năm, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN. Trong quý I-2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.
Riêng về cổ phần hóa, nhằm tháo gỡ khó khăn về chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế bằng Nghị định số 189/2013/NĐ-CP.
Để thí điểm và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang công ty cổ phần, Bộ Tài chính đã dự thảo và trình Chính phủ “Đề án thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa TĐ kinh tế, TCT Nhà nước”. Trong đó, sẽ bổ sung một số nội dung mang tính đặc thù để các đơn vị này nhanh chóng cổ phần hóa
Dự kiến, các TĐ, TCT nhà nước quyết định lựa chọn các đơn vị sự nghiệp công lập đủ các điều kiện (tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện cổ phần hóa và ý kiến thống nhất của các tổ chức, đoàn thể tại đơn vị) để báo cáo Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
Các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện cổ phần hóa dưới một số hình thức như: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại các đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán một phần vốn nhà nước hiện có; Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ…
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN; tổng số DN cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 DN. Với số DN cổ phần hóa này, số cổ phần chào bán gần 19.000 tỷ đồng. Hầu hết các DN sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, theo các đề án đã phê duyệt, do 3 năm 2011-2013, số DN cổ phần hóa đạt thấp nên số còn lại trong hai năm 2014-2015 là 432 DN, bình quân mỗi năm 216 DN. Đây là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, do đó, kết quả ban đầu trong Quý I-2014 vẫn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực hiện. Chính vì vậy, đây vẫn là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm, có những giải pháp mới, đột phá, để có được kết quả như mong muốn./.
Trong quý I- 2014, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 21 cuộc bán đấu giá cổ phần ra công chúng, tương đương 84% tổng số phiên đấu giá của cả năm 2013, cao điểm có ngày tổ chức 2 phiên đấu giá.
Đối với đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, tổng số lượng cổ phần bán được trong 3 tháng đầu năm 2014 là 90,27 triệu cổ phần, tương đương với giá trị cổ phần bán được là 1.156,6 tỷ đồng.
Đối với hoạt động bán tiếp phần vốn nhà nước ra công chúng, tổng số lượng cổ phần trúng giá đạt gần 2,9 triệu cổ phần với giá trị cổ phần bán được là hơn 71,8 tỷ đồng.
|
Minh Anh
Hải quan
|