Thứ Tư, 04/06/2014 14:06

Bệnh viện: Cổ phần hóa rồi hoạt động phi lợi nhuận!

Bệnh viện ngành đang tồn tại một cách bất hợp lý. Cổ phần hóa là một giải pháp nhưng có phải là giải pháp duy nhất, nhất là khi bệnh viện công đang quá tải nhưng bệnh viện tư lại hoạt động không hết công suất! Thử đi tìm một lời giải…

Đó là nội dung cuộc trao đổi của TBKTSG với ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện ngành.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố sẽ cổ phần hóa (CPH) 10 bệnh viện thuộc ngành mình quản lý mà trước tiên là Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương I. Ông nghĩ sao về việc CPH bệnh viện ngành?

- Ông Nguyễn Văn Tiên: Tôi ủng hộ! CPH sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, khi CPH, Bộ GTVT phải có chủ trương khuyến khích những người mua bệnh viện điều hành theo hình thức bệnh viện phi lợi nhuận.

Bệnh viện phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức lấy thu bù chi. Phần lời sẽ quay lại đầu tư để phát triển bệnh viện chứ không không chia lời cho cổ đông. Các nước có nhiều bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng ở Việt Nam hiện nay không có.

Chúng ta phải khuyến khích theo hình thức đó thì giá dịch vụ mới không bị thương mại hóa quá mức và không là nỗi khiếp sợ của bệnh nhân.

Hiện nay Nhà nước chủ trương không CPH bệnh viện công. Kế hoạch này của ngành giao thông vận tải có ngược với chủ trương trên?

- Đúng là chủ trương của chúng ta là không CPH bệnh viện công nhưng đó phải là những bệnh viện của Nhà nước, địa phương theo quy hoạch. Ví dụ như mỗi tỉnh có một bệnh viện tỉnh, ở trung ương có các bệnh viện tuyến trung ương. Hoặc không nên CPH những bệnh viện chuyên biệt như bệnh viện nhi, bệnh viện sản, bệnh viện tim mạch…

Còn đối với bệnh viện ngành thì có cũng được mà không có cũng không sao. Nếu không có, người bệnh có thể dùng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám ở các bệnh viện địa phương, khu vực.

Theo tôi, ngoại trừ các bệnh viện của ngành công an, quân đội, là những ngành đặc thù, thì những bệnh viện thuộc các ngành khác, nếu không quản lý được, nếu khó khăn về mặt tài chính, hoặc hoạt động của bệnh viện không hiệu quả thì nên CPH để nâng cao hiệu quả.

Hiện nay, hoạt động của các bệnh viện tư cũng không hề dễ dàng. Công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt trung bình từ 40-60%. Vậy khi CPH bệnh viện ngành thì hoạt động của nó có khác gì bệnh viện tư hiện nay?

- Các bệnh viện hoạt động cũng giống như một cơ sở sản xuất, phụ thuộc rất nhiều vào ông giám đốc. Ông ấy có giỏi thì bệnh viện mới thành công.

Tại Tiền Giang có bệnh viện tư xây đẹp, dịch vụ tốt, nằm ngay trong thành phố tên là An Đức. Giám đốc bệnh viện là một cựu cán bộ y tế lão thành của tỉnh nhưng bệnh viện không thể phát triển được. Khi tôi tìm hiểu mới biết lúc đầu bệnh viện làm ăn rất tốt nhưng sau đó do hợp tác với bệnh viện đa khoa tỉnh “cơm không lành canh không ngọt” nên bệnh viện An Đức ngày càng ít bệnh nhân.

Hiện nay chúng ta có cơ chế bệnh viện công hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho bệnh viện tư nhưng việc hợp tác này như thế nào thì chưa quy định cụ thể. Theo tôi, việc hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện tư phải đảm bảo lợi ích cho các bên. Còn nếu chăm chăm lợi ích của mình, không nghĩ tới lợi ích của người khác thì hợp tác đó không bền vững.

Chính vì vậy, các bệnh viện tư nhân ra đời phải có định hướng, xác định đối tượng và phải có cơ chế hợp tác rõ ràng, năng động mới phát triển được.

Ông nghĩ sao về phương án chuyển những bệnh viện ngành này về cho Bộ Y tế quản lý nhằm giảm quá tải bệnh viện công?

- Phương án chuyển số bệnh viện ngành cho Bộ Y tế quản lý không hợp lý vì bộ không đủ ngân sách để rót vào khối bệnh viện này. Nếu chuyển cho bệnh viện công quản lý thì hai bên cần phải có hợp đồng liên doanh, liên kết. Nhưng liệu điều này có hiệu quả không khi nguồn nhân lực và vật lực không có?

Giả sử, Bệnh viện Bưu điện muốn sáp nhập vào Bệnh viện Việt Đức thì liệu Bệnh viện Việt Đức có đủ cán bộ giỏi để cắt cử đến chuyển giao công nghệ và điều trị không? Bệnh viện Bưu điện có muốn học hỏi không?

Thùy Dung

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nhà nước: ì ạch cổ phần hóa (28/05/2014)

>   Cổ phần hóa không giám sát: Đã có chuyện mất vốn Nhà nước (28/05/2014)

>   Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: ‘Nói gì thì nói, sản xuất vẫn phải đảm bảo’ (27/05/2014)

>   Đăng ký đấu giá 11.26 triệu cp Bất động sản Sài Gòn Vi Na (26/05/2014)

>   Công ty TNHH MTV VINALINES Nha Trang đăng ký đấu giá 1,700 cp (21/05/2014)

>   IPO trong quí 1: kẻ buồn người vui (19/05/2014)

>   Cổ phần hóa “e ngại” thị trường chứng khoán (18/05/2014)

>   Doanh nghiệp giao thông: "Sống" thế nào sau cổ phần hóa? (12/05/2014)

>   Cổ phần hóa Vinalines: Nhà nước có chấp nhận “hy sinh”? (09/05/2014)

>   Vinatex bán 24% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (08/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật