Thứ Tư, 25/06/2014 10:50

Thanh lọc ngành gas

Sở Công Thương TP HCM vừa công bố đợt 1 danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện phân phối gas trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương, hiện mới có 8/20 thương nhân đầu mối, 11/45 thương nhân tổng đại lý đủ điều kiện kinh doanh gas theo quy định. Những doanh nghiệp (DN) còn lại có nguy cơ bị treo quyền kinh doanh, thậm chí rời thị trường do thiếu năng lực.

Những doanh nghiệp đầu tiên

Tám thương nhân đầu mối gồm: Công ty Dầu khí TP HCM (SP gas), CTCP Thương mại Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vimexco Gas), Công ty Gas Petrolimex (Petrolimex Gas), Công ty Khí đốt Gia Đình (Gia Đình Gas, Gia dinh Gas), Công ty Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Đông (PetroVietnam Gas, VT gas, A-gas, JP gas, Dak gas), DNTN Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hồng Mộc (H-gas), Công ty CP MT Gas (MT-gas), Công ty Total Gaz Việt Nam (Total gaz, Elf gaz, Saigon gas, Vinagas).

Ở cấp tổng đại lý có 11 nhà phân phối kinh doanh 16 thương hiệu gas thuộc 8 DN kể trên gồm: Thuận Hợp, Duy Thành, Minh Thảo, Hoàng Anh, gas Trung Tâm, gas Gia Đình, Thanh Trúc, Đại Minh Quang, Xuân Nam, Mai Hạnh, Tân Hải Việt.

Dù đang gặp vướng mắc trong việc đáp ứng các điều kiện về kinh doanh gas nhưng chủ đầu tư thương hiệu Siamgas (Shell gas) vẫn cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Đại diện Sở Công Thương cho biết đang tiếp tục rà soát và sẽ công bố đợt 2 những DN đủ điều kiện. Những DN không có đủ năng lực để đáp ứng các điều kiện tối thiểu theo quy định của pháp luật, sở sẽ tổng hợp danh sách và báo cáo UBND TP hướng xử lý. Nhưng về mặt nguyên tắc, gas là ngành kinh doanh có điều kiện, nếu DN không đáp ứng sẽ không được tiếp tục kinh doanh.

Sở cũng cho biết đối với điều kiện về các cửa hàng trực thuộc, do yếu tố khách quan là từ cuối năm 2005 đến nay, TP ngưng cấp mới cửa hàng kinh doanh gas nên DN được cho “nợ” đến ngày 31-12. Dự thảo cũng quy hoạch kinh doanh gas trên địa bàn TP (đang chờ UBND TP phê duyệt) cũng cho phép tổng đại lý và DN đầu mối mở mới của hàng để hoàn thiện hệ thống phân phối theo quy định của pháp luật.

Một cuộc “đại phẫu” cần thiết

Trước sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều công ty kinh doanh gas tại TP đang tỏ ra rất hoang mang vì lo bị ảnh hưởng dây chuyền. Nếu DN đầu mối không đủ điều kiện thì tổng đại lý phân phối cũng bị vạ lây. Hơn nữa, DN cũng không dễ chuyển đổi từ thương hiệu gas này sang thương hiệu khác do vướng vấn đề vỏ bình chứa. Thật khó để buộc DN đầu mối không đủ điều kiện thu hồi vỏ bình của mình, trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng; còn những DN đủ điều kiện cũng chưa dám đầu tư thêm vỏ bình mới.

Ông Trương Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nam gas (chuỗi cửa hàng Nam Gas, đăng ký tổng đại lý), cho biết trong 3 thương hiệu mà DN đang phân phối, mới có Gia Đình gas đủ điều kiện, còn Nam gas và Shell gas thì chưa. Vì thế, ông Khanh kiến nghị nhà nước lùi thời gian xử phạt để các bên liên quan có thời gian chuyển đổi do lịch sử phức tạp ngành gas để lại.

“Việc chuyển đổi thương hiệu gas không chỉ khó với DN mà ngay tại các hộ gia đình cũng phải tốn thêm tiền đầu tư vỏ bình mới, van, dây dẫn. Ngoài ra, còn phải xong một vòng xoay thì bình gas mới trở lại DN đầu mối (hiện nay lên đến 6 tháng - PV)” - ông Khanh phân tích.

Dù thực tế việc siết chặt hoạt động kinh doanh gas đã phát sinh một số vấn đề đau đầu cho DN lẫn nhà quản lý nhưng ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, vẫn nêu quan điểm ủng hộ và khẳng định đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm thanh lọc những DN không đủ điều kiện ra khỏi thị trường. Ông Loan cho rằng mọi người nên thừa nhận bức tranh ngành gas đang xấu cần phải chấn chỉnh lại. “Những vướng mắc sẽ được tập hợp và trao đổi với cơ quan quản lý để có sự điều chỉnh thích hợp” - ông Loan cho biết.

Gas ngoại tăng đầu tư vào Việt Nam

Giữa tháng 6-2014, Tập đoàn Siamgas Thái Lan tổ chức chuyến du lịch dài ngày tại Thái Lan cho các nhà phân phối xuất sắc tại Việt Nam năm 2013, đồng thời tiếp tục cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Tại Bangkok, Siamgas đã công bố dự báo sản lượng năm 2014 tại thị trường Việt Nam ước đạt 194.400 tấn gas, tăng 188% so với năm 2013 (67.388 tấn), mức tăng ấn tượng nhất tại các thị trường nước ngoài mà Siamgas đầu tư.

Siamgas bắt đầu gia nhập thị trường gas Việt Nam năm 2010 bằng việc bỏ ra 11,5 triệu USD mua lại Công ty Super gas (Đồng Nai). Tiếp đó là thương vụ đình đám mua lại mảng gas của Shell (Hà Lan) với giá 0,4 triệu USD vào tháng 1-2013. Hiện Siamgas đã có 3 công ty thành viên tại Việt Nam gồm Super gas, City gas, City gas miền Bắc và đang tiến hành chuyển đổi từ thương hiệu Shell gas sang Siamgas (hoàn tất vào năm 2015).


Ngọc Ánh

nlđ

Các tin tức khác

>   Nhà phân phối “lạm quyền” (25/06/2014)

>   Formosa Hà Tĩnh đòi lập đặc khu Vũng Áng (25/06/2014)

>   EVN có lãi là khen thưởng, mua điện Trung Quốc giá cao (25/06/2014)

>   SBIC (Vinashin) không biết giao "con" cho ai (25/06/2014)

>   TPHCM đẩy nhanh đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ (25/06/2014)

>   “Đại gia” ximăng VICEM: Chủ yếu là … “buôn đá” (24/06/2014)

>   Không dễ bỏ thị trường Việt (24/06/2014)

>   Sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi (24/06/2014)

>   Luật chỉ sửa mà không đổi, quyền tự do kinh doanh vẫn hạn chế (24/06/2014)

>   EVN vay gần 2 tỷ đôla trong năm 2013 (24/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật