Sóng GMD “vận” vào Gemadept Tower?
Cả năm rưỡi nay, những đợt sóng lớn của cổ phiếu GMD đều gắn liền với một chủ thể duy nhất là... Gemadept Tower và điều này liệu có tiếp diễn?
Biến động giá cổ phiếu GMD từ 2012 đến nay
Trên thị trường chứng khoán, thông thường nhà đầu tư vẫn thấy giá cổ phiếu hay “chạy” trước khi thông tin chính thức xuất hiện trên các kênh truyền thông. Cổ phiếu GMD của Đại lý Liên hiệp Vận chuyển - Gemadept là một điển hình và đặc biệt hơn khi hầu hết những con sóng lớn đều liên quan đến việc bán Gemadept Tower. Thông tin được rò rỉ và nhắc đến nhiều lần cả hơn 1 năm rưỡi qua tạo nên nhiều con sóng, sức hút của GMD đối với nhà đầu tư cũng tăng mạnh thể hiện qua mức thanh khoản được cải thiện trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cho đến nay câu chuyện về Gemadept Tower dường như vẫn chưa kết thúc… Bán rồi hay chưa? Khi nào ghi nhận lợi nhuận là những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhưng khá “rối loạn” trong các thông tin được tiếp nhận.
Khởi đầu con sóng rơi những ngày cuối tháng 3/2013, cổ phiếu GMD đã tăng trần 3 phiên liên tiếp trước khi đạt mức đỉnh 39,400 đồng/cp (27/03). Đây cũng là thời điểm ghi nhận mức tăng cao nhất từ đó đến nay của cổ phiếu GMD, tới 21% so với phiên đỏ sàn nhiều ngày trước đó là 22/03.
Không phải ngẫu nhiên, thời điểm bắt đầu con sóng cũng là lúc trên thị trường rộ thông tin GMD bán tòa nhà Gemadept Tower thu về lãi khủng hơn 700 tỷ đồng. Ngay khi đó, báo chí vào cuộc xác nhận thông tin chính thức trao đổi với lãnh đạo của GMD rằng giá chuyển nhượng tòa nhà 45.5 triệu USD, hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán ngay trong chiều 27/03/2013 và lợi nhuận sẽ được hạch toán vào quý 2/2013. Rõ ràng, giá trị sổ sách của tòa nhà vào cuối năm 2012 chỉ 227 tỷ đồng nhưng với thông tin giá bán tới 916 tỷ đồng thì quả là một món hời quá lớn cho GMD.
Tuy nhiên, chỉ sau đó hai ngày, người phụ trách công bố thông tin của GMD lại phủ nhận thông tin khi gửi giải trình cho Sở GDCK TPHCM rằng, cao ốc Gemadept Tower mới chỉ trong quá trình đàm phán.
Tiếp đó là những chuỗi ngày lao dốc mạnh của cổ phiếu GMD!
Tròn 2 tháng sau, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2013 (29/05), cổ phiếu này lại có mức phục hồi lên gần 34,000 đồng/cp, tức tăng 7%. Và vùng đỉnh được xác định cùng với thông tin được công bố tại Đại hội rằng, nếu mọi việc suôn sẻ thì công ty sẽ ghi nhận khoản tiền bán tòa nhà này vào quý 4/2013.
Những tháng còn lại của năm 2013 với khoảng trống thông tin, cổ phiếu GMD cũng theo đó lao dốc, có khi sắp tụt xuống mốc 20,000 đồng/cp.
Và đến giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014, đỉnh sóng tăng mới tiếp tục được xác lập. Song hành với đó là thông tin GMD công bố chính thức đã bán tòa nhà Gemadept Tower cho Tập đoàn CJ (Hàn Quốc). Những ngày cận kề thời điểm đó, từ ngày 03/01 đến 10/01, cổ phiếu GMD đã tăng 10%, lên mốc 34,700 đồng/cp.
GMD tiếp tục chạm mốc cao hơn, vọt lên 37,200 đồng/cp (19/02) với thanh khoản nhảy vọt lên hơn 1 triệu đơn vị nhờ báo lãi công ty mẹ năm 2013 là 700 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ khi ghi nhận bán Gemadept Tower.
Cũng đầy bất ngờ và gây sốc cho cổ đông, báo cáo tài chính hợp nhất năm được công bố sau đó lại cho thấy GMD… lỗ 27 tỷ đồng. Cổ phiếu GMD lại đỏ sàn và lao dốc!
Tới lúc này cổ đông mới được biết, Gemadept Tower được định giá lại và sử dụng để góp vốn vào Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Hàng hải (Marproco) – công ty con 100% vốn của GMD. Sau đó GMD chuyển nhượng phần góp vốn này cho Tập đoàn CJ. Tất cả thông tin trên được công bố trong năm 2013. Tuy nhiên, do GMD chưa hoàn tất thủ tục chuyển giao trong năm này nên chưa được hạch toán lợi nhuận trong năm 2013.
Vậy tại sao BCTC công ty mẹ lại ghi nhận? Bản chất vấn đề ở đây là ghi nhận định giá lại tài sản (chính là tòa nhà Gemadept Tower), điều này đã tạo nên cục tiền cho công ty mẹ GMD nhưng lại bị triệt tiêu khi hợp nhất báo cáo tài chính bởi GMD sử dụng khoản này để góp vốn vào công ty con – là khoản nội bộ.
Con sóng gần nhất được hỗ trợ sau phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2014 ngày 27/05. Thời điểm đó, cổ phiếu GMD có mức tăng 17%, lên mức 33,000 đồng/cp cũng liên quan đến Gemadept Tower.
Một lần nữa, GMD đưa kế hoạch lãi trước thuế 2014 cao gấp 3 lần cùng kỳ. GMD cho biết, việc hạch toán lợi nhuận từ việc bán Gemadept Tower chưa được thực hiện trong báo cáo hợp nhất năm 2013 nên công ty sẽ ghi nhận qua năm 2014.
Rõ ràng, cứ mỗi lúc sóng GMD nổi lên là lại đồng thời xuất hiện Gemadept Tower. Ban đầu là thông tin GMD bán tòa nhà bị rò rỉ để tạo nên cú lập đỉnh gần 40,000 đồng/cp. Tiếp đó trong hơn 1 năm Gemadept Tower vẫn có khả năng “làm mưa làm gió” với cổ phiếu GMD. Nhưng liệu tuyên bố năm 2014 sẽ ghi nhận lãi bất thường từ việc bán Gemadept Tower tại ĐHĐCĐ ngày 27/05 vừa qua có là thông tin cuối cùng từ GMD?
Hẳn nhiên là chưa, bởi vẫn chưa có thông tin rõ ràng cho việc ghi nhận Gemadept Tower vào quý nào trong năm nay. Nhiều khả năng cổ phiếu GMD sẽ có thêm những con sóng mới mang tên Gemadept Tower!
Thanh Nụ
Công lý
|