Thứ Tư, 14/05/2014 17:28

CII bị bán sàn 6 phiên liên tiếp, lỗi tại ai?

Dân tài chính hầu hết đều tính toán được sự sụt giá của CII kể từ ngày giao dịch không hưởng quyền. Vấn đề ở đây là tại sao cơ quan quản lý lại để giá cổ phiếu phải mất gần cả chục phiên để có thể lấy lại cân bằng mới? Ngoài ra, với dữ liệu giá thế này, làm sao dân phân tích kỹ thuật tin tưởng vào diễn biến của những chỉ báo để dự báo giá cổ phiếu CII?

 

Hiện vẫn còn nhiều tranh luận liên quan đến việc “có nên điều chỉnh giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền hay không?”, đó là công việc của nhà quản lý điều hành. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, chúng ta chỉ còn cách trang bị những kiến thức để tự bảo vệ túi tiền của mình.

Rõ ràng, có sự không tương đồng về lợi ích của cổ đông có quyền mua trái phiếu chuyển đổi và cổ đông không có quyền trong và sau ngày giao dịch không hưởng quyền. Chính sự không tương đồng về lợi ích này đã làm cho những cổ đông có quyền mua trái phiếu chuyển đổi bán ra để tận dụng “chênh lệch giá” và điều đó làm giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, và dường không có nhiều người mua vào. Vậy xu hướng này khi nào sẽ chấm dứt?

Về bản chất, nếu 100% nhà đầu tư chuyển đổi vào cuối kỳ thì trường hợp này giống như phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1000:909, giá phát hành là 11,000 đồng/cổ phiếu. Và nếu vậy, thì giá trong ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ được điều chỉnh theo công thức:

Giá điều chỉnh = (Giá thị trường*100 + Giá chuyển đổi*90.9)/Tổng số cổ phiếu

                        = (26,100*100+11,000*90.9)/190.9

                        = 18,900 đồng

Hiện tại, CII đã về mức giá 17,200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 8% so với mức giá được tính toán ở trên. Vậy sao xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại?

Có lẽ, việc CII giảm điểm trùng với giai đoạn thị trường ảnh hưởng nặng nề do lo ngại về Trung Quốc. Cổ phiếu trong giai đoạn này, trung bình đã giảm 15%-20%. Và điều này có thể tiếp tục gấy áp lực giảm thêm lên CII 1 vài phiên nữa.

Finandlife (14/05/2014)

Trái phiếu chuyển đổi CII hấp dẫn đến mức nào?

Trong buổi CII gặp mặt nhà đầu tư hôm nay, ở phần hỏi đáp, tui thấy có ý kiến cho rằng giá chuyển đổi 11 k/cp của số trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) mà CII muốn phát hành cho cổ đông hiện hữu là quá thấp so với hiện giá 18,4 ngàn đồng/cp (60%), điều này sẽ khiến dân lướt sóng được lợi, còn cổ đông dài hạn của CII bị thiệt thòi. Nào là lãi suất quá cao, 12%/năm khiến chi phí lãi vay tăng lên (1.128,015 tỷ * 12% = 135,4 tỷ), rồi khi TPCĐ được chuyển thành cổ phiếu chỉ sau 6 tháng, NĐT sẽ chốt lời ngay và sẽ đạp giá CII xuống. Đó là chưa nói đến khả năng EPS 2014 bị pha loãng. Tuy nhiên, tui lại nghĩ là đang có 1 số hiểu nhầm ở đây.

Đầu tiên nói chuyện lãi suất 12%. Theo bác Tổng CII, số tiền trái phiếu (TP) này sẽ được sử dụng cho 1 số dự án có tỷ suất lợi nhuận rất lớn -> 12% vậy còn là rẻ chứ không đắt. Đây là 1 ý kiến có vẻ hợp lý, vì đối với doanh nghiệp, quan trọng là chỉ số EBIT/interest expense, hoặc so 12% với IRR của d/a -> nếu số tiền trái phiếu được đầu tư vào d/a có hiệu quả cao thì sá gì lãi suất 12% kia! Chỉ tiếc là bác ấy lại không tiết lộ sắp có d/a nào mà lãi khủng vậy.

Ngoài ra, có 1 điều cần phải nhớ rằng lãi suất này được trả 1 năm/lần, và chi phí lãi vay tỷ lệ nghịch với lượng TP được chuyển đổi. Nếu TP phát hành sau ngày 1/1/2014 -> chi phí lãi vay phát sinh sau ngày 1/1/2015 -> trên b/c lãi lỗ 2014 sẽ không bao gồm số chi phí này.

Tiếp theo là chuyện giá chuyển đổi 11 ngàn/cp có hấp dẫn dân lướt sóng? Tui cũng không rõ CII căn cứ vào tiêu chí gì để ra con số 11 đó, chắc lại phải chờ đến dịp ĐHĐCĐ vậy. Tuy nhiên, nên nhớ là TPCĐ được phân phối cho cổ đông hiện hữu -> nếu bạn đang nắm 100 cp CII thì bạn được phép mua 1 TPCĐ và có thể chuyển đổi thành 90,9 cp nữa -> trường hợp này tương tự như đợt phát hành quyền mua cổ phiếu với tỷ lệ 100:90,9, giá phát hành 11 k/cp, và khoảng cách từ ngày phát hành đến ngày CII NY số cp mới >= 6 tháng. Tui nói tương tự, bởi đến ngày GD XR (giao dịch không hưởng quyền), HOSE sẽ k điều chỉnh giảm thị giá CII.

Do đó, nếu bây giờ bạn mua 100 CII giá 18,4 để được mua 90,9 cổ kia giá 11 -> giá vốn bình quân của bạn sẽ = (100*18,4 + 90,9*11)/190,9 = 14,9 ngàn đồng/cp (điều chỉnh giảm 20%). Nếu bạn là cổ đông “rất cũ” của CII, tức là có giá vốn thấp hơn, giả sử… 10 ngàn đồng/cp đi, thì giá vốn bình quân sẽ chỉ vào khoảng 10,5 ngàn đồng/cp. Hai ví dụ này cho thấy 1 điều: có rất nhiều cổ đông “cũ” (cổ đông sáng lập chẳng hạn) sẽ được lợi hơn cổ đông “mới”.

Ngoài ra, nếu bạn mua 100 với giá 18,4 ngàn, thì tui nghĩ bạn chỉ nên chuyển đổi khi thị giá CII >= (100*18,4 + 90,9*11*(1+12%))/190,9 = 15,5 ngàn đồng/cp (giảm 16%). Nếu giá thấp hơn mốc này, bạn hãy cứ nắm TP đến kỳ nhận lãi 12% và xem xét tiếp khả năng chuyển đổi đợt sau. Do đó, nếu chỉ nhìn sơ sơ (11 ngàn đồng/cp) thì thấp, nhưng thực sự cao-thấp còn tùy người!

Cuối cùng là chuyện đạp giá. Tui nghĩ trong trường hợp 1 phần TPCĐ này được chuyển thành cổ phiếu CII (sớm nhất trong tháng 7 năm sau), thì cũng có khả năng “hàng mới” sẽ làm tăng cung CII trên sàn HOSE -> giá giảm. Ngoài ra, cũng có rủi ro khác là CII chưa thoát khỏi khó khăn như bác Tổng hứa -> EPS trailing tại thời điểm chuyển đổi thấp -> EPS diluted còn thấp hơn -> P/E trailing và P/E diluted cao -> công ty chứng khoán nào đó khuyến nghị bán. Tuy nhiên tất cả chỉ là giả định, bởi quan trọng nhất vẫn là diễn biến giá CII trong 6 tháng tới sẽ như thế nào. Hơn nữa, tui không tin cổ đông sáng lập, cổ đông lớn CII sẽ đua lệnh với cổ đông nhỏ lẻ đâu.

Tóm lại, cho dù CII đang trong giai đoạn khó khăn, giá đang cao đối với người luôn ưa thích mô hình P/E như… tui, nhưng riêng về vụ phát hành TPCĐ cho cổ đông hiện hữu này, tui nghĩ là nếu bạn đang là cổ đông CII thì vẫn có thể kiêm luôn chức danh chủ nợ (trái chủ), bởi theo kịch bản lạc quan: giá CII tại thời điểm chuyển đổi cao hơn nhiều so với giá vốn -> chuyển, còn theo kịch bản bi quan: vẫn có thể nhận lãi 12% + bình quân giá vốn -> chờ thời. So với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay, thậm chí trong vòng 6 tháng tới, tui nghĩ con số 12% vẫn cao hơn.

Hoàng Thạch Lân (13/12/2013)

Có cần điều chỉnh giá tham chiếu trong trường hợp phát hành TPCĐ?

Có 1 vấn đề đang có vẻ bị các cơ quan quản lý TTCK lờ đi: có hay không việc điều chỉnh giá tham chiếu trong các ngày chốt quyền mua Trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ)? Nếu không thì tại sao và nếu có thì làm như thế nào?

Nhìn lại sự kiện trước đây có liên quan đến vấn đề này thì thấy rằng HOSE và HNX “trả lời” khác nhau. HOSE nói không còn HNX thì thực chất không biết nói làm sao. Việc HNX mở rộng biên độ dao động giá lên 20-30% vào các ngày giao dịch không hưởng quyền (XR) đã chứng minh rằng HNX cũng chưa biết làm sao với những ca này (đây là ca mới nhất).

Điều chỉnh giá tham chiếu trong các ngày giao dịch không hưởng lợi ích định lượng được của công ty niêm yết (cổ tức, cp thưởng, quyền mua…) là biện pháp kỹ thuật ở các TTCK còn duy trì biên độ dao động giá, nhằm đảm bảo nguyên tắc tổng giá trị cổ phiếu của khách hàng không thay đổi trong thời gian không giao dịch (tức là không phát sinh biến động giá theo cung cầu).

Hiểu đơn giản như vầy: giá trị cổ phiếu của bạn từ 11g01p - ngay sau khi kết thúc giao dịch ngày hôm qua (9/12/2010) đến 8g29p - trước khi bắt đầu giao dịch hôm nay phải bằng nhau. Nếu bạn có 1 cp, giá cuối ngày hôm qua là 10.000 đ, hôm nay bạn chốt quyền nhận cổ tức 1.000 đ/cp tiền mặt thì giá cp bạn điều chỉnh còn 9.000 đ. Nếu hôm nay bạn chốt nhận 1 cp thưởng thì bạn sẽ có 2 cp, mỗi cổ giá 5.000 đ. Vậy nếu hôm nay bạn nhận chốt quyền mua 1 TPCĐ, số tiền nộp 11.000 đ, tỷ lệ chuyển đổi 1:1, thì liệu bạn có được coi là sẽ có 2 cp (1 cổ sẽ được chuyển đổi) và giá cp được điều chỉnh là (10.000 + 11.000)/2 = 10.500 đ?

Nếu xét theo logic trên thì sẽ phải điều chỉnh giá tham chiếu cp. Công thức điều chỉnh không phải là cái gì đó quá phức tạp để phải dẫn đến kết cục mở biên độ 30% như trường hợp của DBC – sàn HNX. Hơn nữa, cho dù có mở biên độ, thì sau này khi HNX tính EPS cơ bản của DBC năm 2010 thì cũng sẽ phải tính hệ số hồi tố (những người nào đã từng tính EPS theo trọng số KLĐLH bình quân – chuẩn mực kế toán IAS số 33, thì sẽ hiểu vấn đề này, tui xin phép không nói thêm ở đây). Khi đó, liệu HNX có dám lấy hệ số hồ tố = 1+30%?

Tuy nhiên, tui không đồng tình đối với việc điều chỉnh giá tham chiếu trong trường hợp chốt quyền mua TPCĐ này. TPCĐ với thời hạn thường trên 1 năm mới bắt đầu có quyền chuyển đổi, lại là 1 thực thể riêng biệt nằm trong tài khoản của NĐT và hưởng lãi suất cũng như không có cùng các quyền lợi như cổ phiếu để mà có thể điều chỉnh. Ngoài ra, còn 1 lý do khác nữa phản bác quan điểm điều chỉnh giá cổ phiếu, đó là việc nhận các quyền lợi của trái chủ và cổ chủ tính từ sau ngày XR là khác nhau.

Với ví dụ 1 cổ được quyền nhận 1 cổ thưởng nói trên, nếu sau đó công ty niêm yết tuyên bố trả tiếp cổ tức 1.000 đ/cp thì lúc này NĐT sẽ nhận được tổng số tiền cổ tức = 2 x 1.000 = 2.000 đ, và 2 cổ đó sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá còn 5.000 – 1.000 = 4.000 đ. Tuy nhiên, nếu NĐT chỉ có 1 cổ 1 trái, thì cho dù cty tuyên bố trả cổ tức như vậy, NĐT vẫn chỉ nhận 1.000 đ (TPCĐ trước khi được chuyển đổi thì không được quyền nhận cổ tức tiền mặt), và giá cổ phiếu không thể được điều chỉnh 10.500 – 1.000 = 9.500 đ, vì nếu điều chỉnh giá như vậy sẽ dẫn đến tổng giá trị tài sản của NĐT đã bị vênh tại hai thời điểm trước khi chia cổ tức (1x x 10.000 + 1 x 11.000 = 21.000 đ) và sau khi chia (1.000 + 1 x 9.500 + 1 x 10.000 = 20.500 đ). Tương tự nếu công ty niêm yết trả lãi TPCĐ cho NĐT, thì giá tham chiếu cổ phiếu sẽ không được điều chỉnh, do đó tổng giá trị tài khoản cũng sẽ bị vênh.

Vậy nếu không điều chỉnh thì xử lý thế nào trong những trường hợp này? Quan điểm của tui là nếu có liên quan đến cp, ta điều chỉnh theo công thức từ trước đến giờ. Nếu chỉ liên quan đến TPCĐ, giá tham chiếu của cổ phiếu giữ nguyên. Trong trường hợp DBC, do ngày chốt quyền có liên quan đến cả cp (quyền mua 3:2 giá 17.000 đ/cp), nên sẽ điều chỉnh theo công thức:

Giá tham chiếu mới = (giá bình quân ngày GD liền trước XR x 3 + 17.000 x 2)/(3 + 2)

Những ai khi tính EPS theo chuẩn IAS thì sẽ thấy rằng basic EPS không bị điều chỉnh đối với trường hợp TPCĐ. Chỉ diluted EPS mới bị tính, mà chỉ số này vốn chưa được Sở nào công bố hết. Đối với các trường hợp TPCĐ nói chung, có thể ứng xử tương tự như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tức là ngoài việc không điều chỉnh giá tham chiếu, Sở GDCK sẽ tính basic như bình thường và công bố thêm diluted EPS. Sau 1 thời gian khi TPCĐ được chuyển thành cp, Sở sẽ tính cộng khối lượng phát hành thêm riêng lẻ đó vào KLĐLH hiện tại vào thời điểm niêm yết (đúng ra là thời điểm chính thức phát hành, vì phát hành rồi một thời gian mới niêm yết), từ đó sẽ tính trọng số KLĐLH bình quân như bình thường -> basic EPS, và bỏ diluted EPS. Như vậy hợp lý hơn.

Hoàng Thạch Lân (10/12/2010)

Công lý

Các tin tức khác

>   Đừng sợ! (09/05/2014)

>   Góc broker: Đám đông hoảng loạn! (09/05/2014)

>   Waterloo và chuyện “chiếc vòi rồng” (09/05/2014)

>   Hoàn thành mẫu hình Head & Shoulders, VN-Index sẽ ra sao? (07/05/2014)

>   Góc broker: Vùng đáy của năm! (25/04/2014)

>   Góc broker: Tìm điểm cân bằng của năm! (18/04/2014)

>   Góc broker: Rung lắc chờ vượt đỉnh! (11/04/2014)

>   Sự tự tin “chết người” trên TTCK (!) (07/04/2014)

>   Lưu ý khi lướt sóng theo tin cổ tức (07/04/2014)

>   Thị trường chứng khoán đang chịu cả áp lực giảm giá lẫn tăng giá (07/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật