Sự tự tin “chết người” trên TTCK (!)
Thị trường lên điểm, giá cổ phiếu túc tắc đi lên. Nhà đầu tư quyết định mua vào cổ phiếu, nhẩm tính tỷ lệ % lãi kỳ vọng sau một thời gian dự tính. Bất ngờ thị trường điều chỉnh, giá cổ phiếu lao dốc, bán không kịp. Những phiên có thể bán được thì lại lỗ quá so với mức cắt lỗ đã đặt ra, tiếc không bán, vậy là phải thành nhà đầu tư kiên trì bất đắc dĩ ngồi chờ thị trường phục hồi.
Nhiều khi càng ngồi chờ lại càng lỗ, lại càng hy vọng vào sự phục hồi và …chờ. Và, lỗ nữa.
Khi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu, nhà đầu tư thường cảm thấy rất tự tin với quyết định của mình và tự tin về khả năng thu lợi nhuận từ việc mua cổ phiếu. Sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư thường phải chịu nhiều áp lực về tâm lý có tính khách quan từ phía thị trường và áp lực tâm lý của tự bản thân, từ đó dễ dẫn đến tình trạng tự buộc bản thân phải có quan điểm nhất quán với quan điểm chi phối quyết định mua cổ phiếu của họ. Cái đó rất khó thay đổi và điều chỉnh, vì tâm lý chung của con người thường là tự tin vào bản thân và không dễ để thừa nhận sai lầm của mình. Sở dĩ có tình trạng đó là do nhà đầu tư thường quá tự tin khi quyết định mua và khi quyết định không bán, chờ giá cổ phiếu phục hồi theo thị trường, sự tự tin đó lại càng được củng cố sau khi nghe được nhiều ý kiến tư vấn chuyên gia. Tâm lý chung của con người thường tin vào những gì muốn nghe. Sự tự tin chết người.
Thường thì những người thực sự có chuyên môn, kiến thức và thông tin khá tốt về chứng khoán và đầu tư chứng khoán lại quá tự tin so với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Đã có một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng có tới 68% các chuyên gia phân tích chứng khoán tự đánh giá đạt trình độ trên trung bình trong việc dự đoán giá chứng khoán. Thực tế, những nhà đầu tư quá tự tin vào bản thân lại không nhận biết được điểm yếu chết người đó của họ: tự tin vào những thông tin có được, tự tin vào khả năng phân tích, nhận định và dự đoán, tự tin vào các mối quan hệ... quá nhiều thông tin tiếp nhận và phải sàng lọc và ra quyết định. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc xử lý thông tin sẽ quan trọng và mang tính chất quyết định thắng lợi hơn việc có được thông tin.
Sự tự tin là điều rất cần thiết cho cuộc sống của tất cả mọi người. Sự tự tin sẽ tiếp thêm năng lượng cho tư duy và hành động của chúng ta, nó cũng là chỗ dựa về mặt tinh thần tại những thời điểm gặp khó khăn trong việc ra quyết định. Nhưng sự tự tin, cũng như những đức tính khác, cần đúng lúc và đúng chỗ. Trên thị trường chứng khoán, ranh giới giữa tự tin và quá tự tin dễ bị xóa nhòa ở những thời điểm nhạy cảm như thị trường tăng điểm dồn dập hoặc điều chỉnh chóng mặt. Khi thị trường tăng điểm, nhà đầu tư dễ có cảm giác rằng mình ra quyết định đúng, cũng dễ nhầm lẫn khi cho rằng những thắng lợi (ngắn hạn) thu được của họ có được là do kỹ năng và tư duy tốt của họ hơn là do may mắn. Ngoài ra họ cũng thường có xu hướng dự đoán xu hướng thị trường lái theo ý muốn chủ quan của mình và cứ nắm giữ cổ phiếu cho đến khi lỗ nặng. J.P.Morgan, ông tổ của tập đoàn ngân hàng đầu tư của Mỹ mang tên ông, khi được hỏi về kỳ vọng và dự đoán của ông đối với thị trường đã trả lời một câu sẽ đúng muôn thuở: “Thị trường sẽ dao động”.
Thị trường luôn là một kẻ cực kỳ khó chơi, cụ thể là nó sẽ làm cho nhà đầu tư luôn có cảm giác tin vào sự đúng đắn của mình ngay khi bán tại điểm đáy thị trường hoặc mua tại đỉnh. Tại hai điểm đỉnh và đáy của thị trường đó chứa đầy sự tự tin pha lẫn lo sợ thái quá của đám đông. Quá tự tin luôn luôn gây những hệ lụy khôn lường: nó làm cho nhà đầu tư suy nghĩ vấn đề chỉ theo một chiều, thường là tích cực, thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết để nhận biết rõ nét được các yếu tố trở ngại. Điều này thường xảy đến với những người có khả năng phân tích và có lợi thế thông tin: họ tin rằng họ đã tìm hiểu thông tin và nghiên cứu kỹ. Nhà đầu tư vẫn dự đoán sai thị trường ngay cả khi đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và phân tích. Có thể thấy bản chất vấn đề ở đây là nhà đầu tư chưa thật sự hiểu bản thân mình, mà nếu vậy thì làm sao có thể dự đoán được những người khác sẽ hành động và phản ứng thế nào với thị trường. Có một nghịch lý mà các nhà khoa học Mỹ Samuel Ling Và Marisa Carassco đã nhận thấy: Càng nhìn lâu, khi quan sát một vật, càng dễ bỏ sót. Nó như việc càng chăm chú nhìn vào những sọc trắng đen thì sẽ nhận ra chúng càng kém đi và điều đó cũng cho thấy không có nghĩa khi càng tập trung vào một cổ phiếu nào đó với sự tự tin cao độ thì khả năng nhận biết biến động của nó lại tốt hơn, do ảo giác của sự tập trung dễ dẫn đến ảo tưởng. Đừng quá tự tin mà chỉ chăm chú vào một số cổ phiếu nào đó, thị trường như một bài toán lớn với rất nhiều biến số.
Sẽ rất nguy hiểm khi mang tâm lý quá tự tin vào thị trường chứng khoán, vì chỉ trong một giây thôi thị trường đã khác rồi. Để có thể hạn chế hậu quả của việc quá tự tin, nhà đầu tư cần:
- Gạt bỏ cái tôi và có một cái nhìn thật khách quan về thị trường.
- Hiểu, nhớ và chấp nhận rằng hai xu hướng Lên-Xuống luôn tồn tại song hành trên thị trường. Khả năng luôn là 50-50, vấn đề chỉ là xu hướng nào thắng thế thì khối lượng giao dịch theo xu hướng đó tăng.
- Đặt mức cắt lỗ cụ thể và thực hiện dứt khoát lệnh cắt lỗ để hạn chế hao hụt vốn và giải quyết vấn đề tâm lý, chờ đợi điểm qua lại thị trường hợp lý hơn.
- Không quá gắn bó với một cổ phiếu nào cả: tiền mặt là Vua.
Không quá tự tin để đánh cược bằng đồng vốn của mình với thị trường, hãy hết sức cẩn trọng với việc cầm cố chứng khoán để đầu tư chứng khoán (margin trading). Chọn lựa cổ phiếu tốt mới chỉ là điều kiện cần để thu lợi nhuận. Quản lý được rủi ro danh mục đầu tư của mình và kiểm soát tâm lý đầu tư là điều kiện đủ để có thể quay về với lợi nhuận thực sự và an toàn.
Nguyễn Thanh Hà
công lý
|