Góc broker: Đám đông hoảng loạn!
Hành động bán diễn ra quyết liệt, thể hiện ý chí muốn tháo chạy bằng mọi giá của đám đông!
Thị trường chứng khoán (TTCK) luôn tạo bất ngờ không ai có thể tưởng tượng. Đây là điều vừa khiến nó trở nên hấp dẫn, vừa khiến nó trở nên… khắc nghiệt!
Người viết – là một broker nhưng cũng là một nhà đầu tư (NĐT) cá nhân – đã từng trải qua những phiên giảm hơn 20 điểm của TTCK với những biến động như vụ bầu Kiên, vụ 21/02…vv nhưng chưa từng chứng kiến phiên sụt giảm nào kinh hoàng như phiên 08/05 trong đời: Bảng giá trắng bên mua, blue-chip dư bán sàn la liệt; nhiều thành quả, nhiều tài khoản bỗng chốc sạch như chùi và tất cả diễn ra quá nhanh, quá nhanh!
Diễn biến sự việc trên biển Đông (cũng giống như vụ 21/02/2013) có thể không đến mức như nhiều người hay lo xa, nhưng tác động đến thị trường là thực, lệnh đưa vào bảng giá là thực. Có thể suy nghĩ của đám đông là “ngu ngốc” nhưng “khi đám đông đều sai thì đám đông đều đúng”, không nên tranh cãi và đôi co. Từ trăm năm nay, TTCK vẫn “vô lý” như vậy cho đến khi tài khoản NĐT cá nhân bị bay hơi. Phiên hôm qua – cũng giống như những lần chịu tác động rủi ro hệ thống khác – là một phiên mà hành động bán diễn ra quyết liệt, thể hiện ý chí muốn tháo chạy bằng mọi giá của đám đông!
Cảm xúc chung của người cầm hàng ít kinh nghiệm (như người viết) là sốc, ngơ ngác và ngây thơ khi tự an ủi bản thân rằng “vụ việc không có gì đâu”, “ai cũng bán thì thị trường sẽ ra sao?”, “nước ngoài múc ròng nhiều thế?”…vv rồi tiếp tục, tiếp tục “ngơ ngác” trong khi diễn biến xảy ra quá nhanh, chỉ có vài tiếng buổi sáng để tháo chạy khỏi “lò mổ” bằng lệnh thị trường, đến chiều thì mọi hành động đã quá trễ khi tất cả đều trắng bên mua! Cầu bắt đáy cũng phải sớm đầu hàng ngay từ cuối đợt khớp lệnh buổi sáng, buổi chiều thị trường đìu hiu và tang thương như chiến trận sau đợt giao tranh!
Trưa 08/05, Ủy ban Chứng khoán lên tiếng trấn an, một vị giám đốc CTCK cũng lên tiếng khẳng định tự doanh đang mua vào. Nhìn vào số liệu trên bảng điện cũng không khó để nhận ra nước ngoài đang mua ròng mạnh, chỉ buổi sáng đã ăn được hơn một triệu GAS…vv. Những phiên hoảng loạn một năm mới có một lần (phiên 08/05/2014 thì… 13 năm mới có) là cơ hội quý giá để “tay to” vào hàng. Nhưng với NĐT cá nhân chúng ta thì không phải vậy, vì khác biệt quá lớn: Họ (NĐT tổ chức) vốn lớn – ta vốn bé; họ trường vốn (mua phiên nay xuống thêm họ vẫn có thể mua được) – ta cầm hơi; họ không margin – ta đòn bẩy; họ lỳ lợm và cầm cổ đến hàng năm – ta tâm lý non kém thường chỉ lỳ được khi… đến đáy là ra hàng.
Nên – trong những phiên hoảng loạn, hay trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường – khi số lỗ đến ngưỡng chịu đựng của mình, hãy vứt hết các loại phân tích, vứt hết mọi lời khuyên của chuyên gia mà hãy đặt lệnh cắt lỗ! “Cắt lỗ” bao giờ cũng là bài học khó nhất, phải trả học phí bằng tiền bạc và thời gian để thấm thía; bản thân người viết còn phải trả học phí cho nó nhiều hơn nữa nhưng bắt buộc phải học nếu xác định còn gắn bó với chứng khoán lâu dài!
VN-Index có mức sụt giảm về điểm số lớn nhất trong lịch sử! (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater)
|
Nghỉ ngơi một thời gian!
Quán tính rơi của thị trường sau phiên 08/05 còn tiếp diễn khi lượng hàng muốn thoát ra vẫn còn kẹp nhiều, thêm nữa là hiện tượng giải chấp cưỡng bức chắc chắn sẽ mạnh hơn dù tình trạng margin tại các CTCK đã vơi bớt đi nhiều so với giai đoạn trước. Phiên ATC hôm qua cũng nói lên tất cả khi lượng bán ế bị kẹt khá nhiều; trên 3,400 tỷ bắt dao rơi ngày hôm qua cũng không đủ lực “cầm máu” cho thị trường, thực tế buổi sáng là bên mua đã giơ cờ trắng xin hàng; điều đó có nghĩa là bên mua trông chờ một vùng giá thấp hơn nữa, không việc gì phải vội vàng.
Thời điểm này, dự báo thị trường về đến đâu chẳng khác nào đoán mò, các ngưỡng hỗ trợ dài hạn như SMA 200, SMA 300 không còn nhiều ý nghĩa trong một thị trường đang hoảng loạn. Tốt nhất nên chờ đợi thị trường ổn định về tâm lý trở lại trước khi gia nhập thị trường; với mức độ chấp nhận rủi ro thấp như người viết thì giai đoạn biến động còn mạnh như lúc này thì tạm thời đứng ngoài, chấp nhận cắt lỗ phần còn lại của tài khoản. Còn tiền là còn cơ hội!
Phần còn lại của năm 2014 có lẽ giai đoạn ảm đạm kéo dài sẽ bao trùm, đoạn cò cưa tạo đáy trung hạn còn chưa xuất hiện thì thị trường khó có khả năng lên ngay lập tức. Năm 2013 phải mất hơn 4 tháng thị trường mới lôi kéo dòng tiền mạnh, tạo sự đồng pha giữa các dòng cổ phiếu, và đặc biệt là thu hút sự tham gia của đám đông NĐT cá nhân, năm 2014 này có thể sẽ mất một khoảng thời gian dài như vậy nữa. Quan trọng là, sau GAS đoạn vừa rồi, người viết chưa tìm được cổ phiếu nào có giai đoạn tích lũy ưng ý để tham gia. Cắt lỗ, người viết nghỉ ngơi một thời gian!
Đoàn Xuân Thạo
Công Lý
|