Sẽ thêm phương án xử lý sở hữu chéo ngân hàng
Việc tái cơ cấu, tháo gỡ dần các mối liên hệ sở hữu chéo trong thời gian qua cũng đã làm lộ diện một số TCTD yếu kém. NHNN đã và đang tiếp tục xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án, hướng dẫn TCTD xử lý.
Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các TCTD trên thế giới với quy mô và độ phức tạp khác nhau. Ở Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD là vấn đề có tính lịch sử, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất…
Theo các chuyên gia ngân hàng, mặc dù quy mô sở hữu chéo trực tiếp tại Việt Nam chưa lớn, nhưng có nhiều hình thức khác nhau khá phức tạp. Sở hữu chéo cũng là một trong những vật cản trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.
“Với đặc thù và thực trạng tình hình như trên, vấn đề sở hữu chéo của các TCTD Việt Nam cần được xử lý từng bước, thận trọng và bằng nhiều giải pháp đồng bộ”, một chuyên gia ngành Ngân hàng nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) về việc thời gian tới NHNN sẽ có những quy định gì mang tính đột phá để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: NHNN đã và đang xây dựng, thực hiện các quy định, nhóm giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo, vi phạm sở hữu cổ phần bao gồm: giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về thanh tra, giám sát; giải pháp tái cơ cấu.
Cụ thể, về cơ chế, chính sách, ngoài Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 về “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, NHNN đang xây dựng, hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của TCTD sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các TCTD; Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của các TCTD. Trong đó có các quy định kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo, cho vay cổ đông và người có liên quan, hạn chế chi phối, thao túng TCTD...
Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ. Trong đó quy định cụ thể một số nội dung DNNN thoái vốn góp, vốn cổ phần tại TCTD để vừa xử lý vấn đề sở hữu chéo, vừa thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD thông qua sáp nhập, hợp nhất và ngăn ngừa việc gia tăng mức độ tập trung sở hữu cổ phần vào một số cổ đông lớn.
Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các TCTD, NHNN đã xử lý vấn đề sở hữu chéo theo hướng: đối với cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại NHTMCP yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính TCTD đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, thông qua các công cụ theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan có liên quan, NHNN tiến hành thêm các biện pháp xác minh nguồn tiền hợp pháp của cổ đông mới.
Việc tái cơ cấu, tháo gỡ dần các mối liên hệ sở hữu chéo trong thời gian qua cũng đã làm lộ diện một số TCTD yếu kém. NHNN đã và đang tiếp tục xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án, hướng dẫn TCTD xử lý. TCTD yếu kém sẽ được tái cơ cấu theo phương án cho phép một số nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia làm cổ đông để giúp TCTD tự chấn chỉnh, củng cố, đảm bảo bảo vệ tài sản của Nhà nước, quyền lợi của người gửi tiền, an toàn hệ thống TCTD và của từng NHTM.
“Để được NHNN xem xét, phê duyệt việc các nhà đầu tư mới tham gia cơ cấu ngân hàng, Phương án cơ cấu lại của mỗi TCTD phải phản ánh đúng thực trạng tổ chức, hoạt động, tài chính, các tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu cổ phần, chi phối của các cổ đông/nhóm cổ đông lớn...”, người đứng đầu ngành Ngân hàng nhấn mạnh và cho rằng, việc mua lại cổ phần, tham gia góp vốn của các nhà đầu tư mới phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần và phải sử dụng nguồn vốn tự có, không sử dụng vốn đi vay, vốn ủy thác.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|