Chính sách tiền tệ: Tạo sự ổn định và niềm tin cho thị trường
Thời gian gần đây, cụm từ “niềm tin” thường xuất hiện khi người ta nói về mối quan hệ giữa thị trường tiền tệ với những chính sách điều hành thị trường này của Ngân hàng Nhà nước.
Một loạt những tác động từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã dần đưa thị trường tiền tệ vào khuôn khổ trong suốt năm 2013 và những tháng đầu năm 2014.
Có thể nhận thấy, những vấn đề như lãi suất, tỷ giá, vàng và nợ xấu được giám sát chặt chẽ cùng những giải pháp và thông điệp minh bạch từ phía Ngân hàng Nhà nước đã thực sự tạo được sự ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những vấn đề liên quan đến nợ xấu hiện nay như thế nào, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng thời gian qua ra sao và tỷ giá, cũng như vàng có thể sẽ biến động như thế nào trong thời gian tới luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ Trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu thêm về những vấn đề đã nêu trên.
- Thưa bà Nguyễn Thị Hồng, trước hết, xin bà đưa ra nhận định khái quát về diễn biến thị trường tiền tệ trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Từ cuối năm 2011 và đặc biệt là trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có những chuyển biến rất tích cực, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm và ổn định ở mức khá thấp, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được tăng cao; Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức 35 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay và làm tăng tiềm lực tài chính của quốc gia; an toàn thanh khoản, an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng được đảm bảo; chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Những thành tựu này cho thấy những mục tiêu và giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung của Chính phủ cũng như là của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là hết sức đúng đắn.
- Theo đánh giá của bà, sau một thời gian hạ lãi suất điều hành đã có những tác động thế nào đến thị trường? Liệu lãi suất có tiếp tục hạ trong thời gian tới không thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong vòng 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là diễn biến lạm phát để tiến hành điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với thời điểm và liều lượng hợp lý.
Cho đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, trở về mức lãi suất của năm 2005-2006. Đáng chú ý là mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, trần huy động chỉ còn quy định kỳ hạn 6% áp dụng với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua rất ổn định và không còn tình trạng sử dụng lãi suất để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng như những năm trước đây nữa, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, chỉ bằng chưa đầy 1 nửa so với mức lãi suất vào giữa năm 2011. Việc giảm lãi suất này đã góp phần giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn và góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay nếu không có biến động đột biến của CPI. Trong năm 2014, nếu điều kiện cho phép, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm.
- Đến thời điểm này, con số công bố về tăng trưởng tín dụng tương đối thấp. Vậy theo bà chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 12-14% có đạt được không và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để hỗ trợ vấn đề này thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Theo tính quy luật của những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh và nhanh trong 6 tháng cuối năm. Tín dụng như chúng ta biết là quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thì về phía Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm, phải khẳng định là hệ thống ngân hàng sẽ sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho tín dụng.
Các tổ chức tín dụng hiện nay dồi dào thanh khoản, các tổ chức tín dụng sẽ tích cực tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ dành lượng tiền cung ứng, hỗ trợ cho các chương trình cho vay tái cấp vốn, hỗ trợ cho vay nhà ở, tái cấp vốn cho chương trình tái canh cây càphê, tái cấp vốn để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu.
Đối với lãnh đạo các tỉnh cũng có vai trò quan trọng bởi lãnh đạo tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân quan tâm, hỗ trợ tích cực cho chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng các địa phương, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, ngân hàng sẽ được tháo gỡ.
- Liên quan đến biến động của tỷ giá và vàng trong thời gian gần đây, theo bà đâu là nguyên nhân của những biến động này và Ngân hàng Nhà nước có những động thái gì với vấn đề này thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong thời gian qua, tỷ giá và giá vàng có những biến động tăng nhưng chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước diễn biến căng thẳng tại Biển Đông. Trước tình đó, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc rất nhanh chóng, toàn hệ thống đã theo dõi sát tình hình.
Ngày 16/5 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về giữ vững ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng và trong thông báo này, Thống đốc cũng đã khẳng định, thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng về cơ bản ổn định và hệ thống ngân hàng diễn ra bình thường, thông suốt.
Thống đốc cũng đã khuyến cáo người dân không nên nghe những tin đồn thất thiệt để có thể gánh chịu những tổn thất không đáng có cho bản thân và cho cả xã hội. Hơn thế nữa, Thống đốc đã kêu gọi người dân hãy thận trọng khi quyết định các giao dịch mua bán ngoại tệ, vàng.
Sự bình tĩnh thận trọng của người dân, sự tin tưởng của người dân vào chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước, đó là thể hiện tinh thần yêu nước của mỗi người dân chúng ta.
- Thưa bà, bà có thể đưa ra con số nợ xấu cho đến thời điểm này và những giải pháp xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến tháng Tư, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 4,01%. Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu.
Về phía các tổ chức tín dụng, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp, tích cực thu hồi nợ vay mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng để đảm bảo nợ xấu không phát sinh.
- Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 09 mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành liên quan đến việc phân loại nợ sẽ khiến con số nợ xấu tăng lên, vậy con số nợ xấu sẽ tiếp tục cao lên và việc xử lý sẽ được thực hiện thế nào? Và nên hiểu vấn đề này thế nào cho đúng thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Việc áp dụng những quy định của thông tư 09 có thể khiến nợ xấu tăng lên, nhưng rõ ràng thông tư 09 đã tạo hành lang pháp lý và giúp các tổ chức tín dụng phân loại nợ xấu tốt hơn, qua đó, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
- Thưa bà, trước những diễn biến kinh tế trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Với những diễn biến thời gian qua và những khẳng định về những thành tựu đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong vòng 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong thời gian tới tiếp tục kiên định những mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, toàn hệ thống sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng và những diễn biến kinh tế vĩ mô để có thể đưa ra các giải pháp, công cụ, chính sách điều hành một cách đồng bộ, sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng sử dụng các biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu chi trả, đáp ứng nhu cầu thanh toán cho nền kinh tế.
- Xin cảm ơn bà!
Đức Minh
vietnam+
|