Thứ Sáu, 06/06/2014 11:03

Mua - bán nợ xấu: Cần khơi thông bằng chính sách quyết liệt hơn

Sau một thời gian ngắn, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã vào guồng. Song vấn đề dư luận quan tâm nhất vẫn là đầu ra của nợ xấu. Vậy VAMC có giải pháp gì?

Hóa giải những khúc mắc

Số liệu tổng hợp về việc mua nợ xấu của các TCTD được các phòng, ban chức năng liên tục cập nhật gửi đến Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng. Từ đầu năm đến ngày 30/5/2014, VAMC đã mua 6.075 tỷ đồng nợ gốc của 13 TCTD, nâng tổng số nợ xấu mà tổ chức này mua lên con số 47.401 tỷ đồng.

Song song với các giải pháp bán nợ xấu, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, thông tin TCTD cung cấp cùng với việc thẩm định thực tế hoạt động kinh doanh của khách hàng, thời gian qua, VAMC đã tiến hành sàng lọc, phân loại khách hàng để triển khai và có giải pháp phù hợp, đảm bảo xử lý nợ hiệu quả. Tính đến 20/5/2014, VAMC đã cơ cấu lại nợ cho 103 khách hàng với dư nợ gốc là 8.712 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 10 khách hàng của 6 TCTD với tổng số tiền 55,19 tỷ đồng. Đặc biệt, VAMC đã cử nhiều đoàn cán bộ làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án, các TCTD tại các tỉnh, thành phố nhất là các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh… để hỗ trợ TCTD đang trong quá trình khởi kiện. Qua đó hỗ trợ tích cực cho các TCTD trong việc xử lý nhanh tài sản đảm bảo.

Trao đổi với phóng viên TBNH, lãnh đạo một NHTMCP nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của VAMC. Vị này chia sẻ: suốt thời gian qua, VAMC rất tích cực xử lý các khoản nợ đã mua của các TCTD với nhiều hình thức như làm việc bên tòa án, tìm chủ đầu tư, gắn kết các NH bán nợ. Nhờ vậy, NH này đã bán và thu nợ được gần 200 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của vị lãnh đạo NH trên, nếu để NH tự đứng ra xử lý tài sản đảm bảo thì phải mất 2 – 3 năm, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Nhưng qua VAMC, những tác động của công ty này với cơ quan công an, thi hành án, thời gian xử lý chỉ còn 6 tháng. “Đây là điều mà trước nay NH không bao giờ dám mơ tới”, vị này bày tỏ.

Cũng nhờ sự tham gia của VAMC với tư cách nhà môi giới, đã có không ít dự án thoát cảnh “đắp chiếu”, còn NH cởi trói được khoản nợ xấu tương đối. Có những dự án tiềm năng, nhưng quá sức với NH nhỏ không còn khả năng tài trợ vốn được nữa, VAMC đã làm việc với TCTD lớn hơn, đánh giá lại dự án và thuyết phục tiếp tục tài trợ dự án này phát huy hiệu quả. Về phía TCTD lớn, sau khi phân tích, đánh giá lại đã chấp nhận đổ vốn vào để dự án hoàn thiện thành phẩm. “Việc này nếu để các NH tự tìm đến nhau rất khó vì không NH nào chịu nghe NH nào. Như vậy, nếu không có sự can thiệp của VAMC, rất có thể những dự án này bị chìm đắm trong khoản nợ xấu, lãng phí nguồn lực của xã hội”, lãnh đạo NH này đánh giá.

Phân kỳ lại tỷ lệ trích DPRR nợ đã bán

Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NH – ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhìn nhận, với việc thực hiện Thông tư 09, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) sẽ chặt chẽ hơn, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, tạo thêm sức ép để thúc đẩy các TCTD tái cơ cấu.

Báo cáo quý I/2014 của một số NHTM cho thấy, nợ xấu của các NH tiếp tục có xu hướng tăng. Có ý kiến cho rằng, các NH cố tình để nợ xấu cao để có thể đẩy sang VAMC, vì trong điều kiện kinh tế hiện nay, nếu để NH xử lý nợ sắp xấu sẽ bế tắc. Không đồng tình quan điểm này, lãnh đạo một NHTM cho rằng, con số nợ xấu thể hiện sự minh bạch của các NH chứ không phải cố tình đẩy nợ xấu lên để bán bừa bãi. Nhất là bán nợ cho VAMC không đơn giản, họ xem xét, thẩm định các khoản nợ rất cẩn thận, không phải TCTD muốn bán khoản nào cũng được. Mặt khác, bán nợ xấu cho VAMC cũng vẫn phải lo trích lập DPRR 20%/năm. “Nên khoản nào thực sự đúng đối tượng thì mới bán chứ không phải NH cố tình tăng nợ xấu lên rồi chuyển sang cho VAMC xử lý hộ”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Hiện, nhiều lãnh đạo các NHTM cũng đang trong tâm trạng như trên và họ cho biết cũng đang phải rất cân nhắc, tính toán hiệu quả nợ xấu khi quyết định bán cho VAMC. Thực tế, áp lực chi phí cho khoản nợ bán cho VAMC cũng không nhỏ, vì dù được đưa ra ngoại bảng nhưng ngoài chi phí trích lập DPRR, NH vẫn phải trả tiếp chi phí vốn cho khoản nợ xấu này. Ví dụ, NH bán cho VAMC 500 tỷ đồng nợ gốc thu về 400 tỷ đồng bằng TPĐB. Nhưng lãi suất TPĐB chỉ bằng 0, trong khi NH vẫn phải trả lãi suất tiết kiệm cho khoản 500 tỷ đồng vốn đã huy động trên thị trường.

“Có thể điều này khiến cho các TCTD cảm thấy khó khăn khi phải trả chi phí vốn cao. Theo tôi, đây có thể là lý do thời gian qua các NH chậm bán nợ cho VAMC”, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ quan điểm. Lãnh đạo VAMC cũng gợi ý: NHNN đã có văn bản thông báo, nếu NH nào không đủ lực trích lập DPRR 20%/năm cho khoản nợ khi bán và ảnh hưởng đến tài chính có thể làm văn bản gửi lên NHNN để trình Chính phủ xem xét. Có thể, TCTD chỉ phải trích lập DPRR 10%/năm ngay khi bán nợ cho VAMC, phần còn lại sẽ tiếp tục phân kỳ phù hợp với điều kiện thực tế.

Qua khảo sát của phóng viên TBNH, đến thời điểm này, rất nhiều NH cho biết đang lên kế hoạch bán nợ cho VAMC, ít thì cũng vài trăm tỷ đồng, nhiều lên tới cả vài nghìn tỷ đồng. Bởi trong thời điểm này, các NH cũng đã thẳng thắn thừa nhận là nợ xấu có xu hướng tăng lên theo những quy định chặt chẽ tại Thông tư 09 nên không có nhiều thời gian trong việc chần chừ bán nợ xấu cho VAMC. Xử lý nợ xấu nhanh sẽ giúp họ thu hồi vốn sớm.

“VAMC giống như người nhạc trưởng, người cầm trịch giám sát toàn bộ quá trình xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm chính của NH đối với các khoản nợ xấu vẫn nguyên. Vì không ai hiểu khách hàng hơn chính NH”, lãnh đạo một NH chia sẻ.

Hà Thành

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Sacombank dành 48 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp quận Thủ Đức (06/06/2014)

>   Tăng tín dụng: Phải chờ kích cầu (06/06/2014)

>   Bắt nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Việt Á (06/06/2014)

>   Cho vay đánh bắt xa bờ: Làm sao tránh “vết xe đổ” 1997? (06/06/2014)

>   Tăng cường năng lực tái cơ cấu DNNN và các TCTD (05/06/2014)

>   Vì sao tỷ giá USD tăng khi Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD? (05/06/2014)

>   Thêm doanh nghiệp được cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội (05/06/2014)

>   Ưu đãi tín dụng xuất nhập khẩu (05/06/2014)

>   Vấp ngã vì “thiên nga đen” (05/06/2014)

>   Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng tháng thứ 2 liên tiếp (05/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật