Ưu đãi tín dụng xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh nền kinh tế đã dần hồi phục, đơn hàng tăng ở mức tích cực, nhiều chương trình tín dụng xuất khẩu đã được các ngân hàng chào mời với khách hàng của mình.
Đối với đa số DN xuất nhập khẩu, thời hạn giao hàng gấp gáp, đơn hàng lớn luôn là thách thức, khi nguồn vốn còn eo hẹp. Vì vậy, tiếp cận tín dụng lúc nào cũng là vấn đề quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu này, các ngân hàng luôn tìm cách triển khai nhiều chương trình cấp vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, dịch vụ thuận tiện.
Ngay tại thời điểm này, trong bối cảnh nền kinh tế đã dần hồi phục, đơn hàng tăng ở mức tích cực, nhiều chương trình tín dụng xuất khẩu đã được các ngân hàng chào mời với khách hàng của mình. “Việc tăng trưởng tín dụng từ các khách hàng DN đang trên đà hồi phục và khi lãi suất được giảm chúng tôi cũng ưu tiên những DN xuất nhập khẩu”, đại diện một NHTM cho biết.
Từ 1/6 - 30/9/2014, Agribank triển khai chương trình cho vay ưu đãi với mức tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay xuất, nhập khẩu với lãi suất từ 6-8%. Đối tượng cho vay ưu đãi lãi suất là khách hàng xuất nhập khẩu vay vốn để thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm; nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, chế biến xuất khẩu các hàng hóa khác. Thời gian ưu đãi lãi suất cho vay được tính từ ngày cho vay đến khi trả nợ, nhưng không quá thời hạn cho vay trên hợp đồng tín dụng và tối đa không quá 6 tháng.
Sau thời hạn ưu đãi lãi suất, ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thông thường theo quy định của Tổng giám đốc Agribank từng thời kỳ. Các mức lãi suất cho vay, thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi cần phải được ghi trong hợp đồng tín dụng, khách hàng vay quá hạn trả nợ không được hưởng ưu đãi lãi suất. Phí sử dụng vốn đối với dư nợ cho vay khách hàng xuất nhập khẩu thấp hơn 2%/năm so với phí sử dụng vốn thông thường Tổng giám đốc thông báo từng thời kỳ. Phí ưu đãi được tính theo dư nợ và thời gian cho vay ưu đãi lãi suất thực tế, tối đa không quá 6 tháng.
Cũng mục tiêu hỗ trợ DN xuất khẩu, từ nay tới 30/9/2014, SeABank triển khai chương trình ưu đãi “Kết nối SeABank và DN xuất nhập khẩu” với tổng giá trị gói tín dụng ưu đãi là 300 tỷ đồng và 20 triệu USD. Các DN xuất nhập khẩu có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bổ sung vốn lưu động bằng VND và USD phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu đáp ứng các điều kiện cho vay của SeABank sẽ được hưởng mức lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với VND và 4%/năm đối với USD. Tiếp đó, SeABank miễn giảm tới 20% tất cả các mức phí trong biểu phí thanh toán quốc tế, đồng thời miễn phí chuyển tiền đến từ nước ngoài cho tới hết năm.
Còn Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) cũng đã ra thông báo tiếp tục triển khai chương trình tín dụng với 50 triệu USD dành cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có nhu cầu vay vốn lưu động bằng USD với lãi suất 2,5%/năm, thời hạn cho vay 6 tháng. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn miễn phí phát hành 3 thẻ Visa Credit Card hoặc Visa Debit Card; miễn phí phát hành 3 thẻ ATM (không yêu cầu số dư tối thiểu) và miễn phí 3 tháng đầu dịch vụ trả lương qua tài khoản của VRB.
Trước đó, ACB cũng đã triển khai chương trình “Tín dụng nhập khẩu lãi suất ưu đãi” với quy mô 1.400 tỷ đồng. Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2014 này được đánh giá là công cụ hỗ trợ đắc lực để các DN tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, giảm chi phí đầu vào, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các chương trình cụ thể nêu trên, thực hiện chính sách ưu đãi DN xuất nhập khẩu của NHNN, các NHTM đều có những hình thức ưu đãi, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng của mình. Theo số liệu thống kê của NHNN, đến hết quý I/2014, cho vay xuất khẩu đạt 176.052 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2013.
Ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty Hagashi - đơn vị kinh doanh mặt hàng phòng cháy chữa cháy cho biết, DN của ông vừa qua đã dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục nhập các nguồn hàng và mở rộng quy mô. Nhưng theo ông, hiện tại ưu đãi lãi suất còn có thời gian ngắn và không cố định, trong khi đó các đơn hàng của công ty thường kéo dài trong vòng nửa năm đến một năm. Ông kiến nghị, các ngân hàng cần có gói tín dụng phù hợp hơn với chu kỳ thực hiện hợp đồng xuất khẩu của DN để các DN đảm bảo kế hoạch sản xuất và trả nợ.
Phố Giang
thời báo ngân hàng
|