Thứ Hai, 09/06/2014 15:56

Phát mãi tài sản thế chấp: Ngân hàng phải chịu thiệt

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao và sự chuyển dịch nhanh về nhóm nợ 3, 4 và 5. Đây là những nhóm nợ NH không còn khả năng thu hồi nợ gốc, lãi khi đến hạn, thậm chí mất vốn. Liên quan đến những vướng mắc trong việc phát mãi tài sản thế chấp ở các NHTM, ĐTTC đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng.

PHÓNG VIÊN: - Hiện rất nhiều NHTM đang gặp khó trong xử lý tài sản chế chấp bất động sản (BĐS) bằng cách phát mãi để thu hồi nợ. Theo ông, nguyên nhân nào khiến một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, chặt chẽ về pháp lý như NH lại rơi vào cảnh này?

Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG: - Có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, do thị trường BĐS đóng băng nhiều năm qua làm giá trị nhà, đất sụt giảm và khó giao dịch nên thỏa thuận giá BĐS thế chấp khi thanh lý thu hồi vốn giữa NH và các bên liên quan khó đạt được. Về chủ quan, vướng lớn nhất do thủ tục pháp lý để tiến hành phát mãi tài sản thế chấp kéo dài, có thể kéo dài nhiều năm.

Trong đó, ngoài việc bên có tài sản bảo đảm tìm cách lách luật để kéo dài vụ án, phải kể đến sự chậm trễ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án. Thí dụ, bên vay thường tìm cách tạo ra vụ tranh chấp của bên thứ 3 đối với BĐS thế chấp. Trong trường hợp này tòa án không thể đưa ra phán quyết để phát mãi tài sản thế chấp tại NH mà phải chờ kết quả của vụ án tranh chấp phát sinh.

- Kiện ra tòa có phải là một giải pháp tốt để giúp NH xử lý nợ xấu triệt để, thưa ông?

- Đó chưa phải là giải pháp tốt nhất, vì người ta hay nói “vô phúc đáo tụng đình”, nhưng sẽ là giải pháp cuối cùng, hiệu quả khi các bên không còn giải pháp nào khác. Giải pháp này có tính cưỡng chế và bắt buộc thi hành so với giải pháp khác chỉ mang tính thỏa thuận, thương lượng.

Tức các bên không thể tự thương lượng được phải đưa nhau ra tòa. Tại tòa án, HĐXX vẫn khuyến khích các bên tự hòa giải - một thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Vì thế, việc đưa nhau ra tòa án chỉ có thể xem là giải pháp tốt khi đặt nó ở góc độ trong mối quan hệ cụ thể.

Ở góc độ vĩ mô, để giải quyết tình trạng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng (TCTD), cần sự cải tiến mạnh mẽ về thủ tục pháp lý theo hướng rút gọn thủ tục xử lý tài sản thế chấp trong quan hệ tín dụng. Có thể xem đây là thủ tục tố tụng đặc biệt, trong đó cần xem xét việc trao quyền cho NH tự phát mãi tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.

- Có ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay không ủng hộ người đi kiện vì vừa mất thời gian, thắng kiện cũng chưa nên vội mừng vì còn lắm nhiêu khê ở khâu thi hành án?

- Pháp luật luôn điều chỉnh và hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay còn nhiều khe hở để các đương sự lách luật nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và không loại trừ những người tiến hành tố tụng dựa vào đó để gây khó dễ cho đương sự.

Vì vậy, khi cân nhắc quyết định đưa vụ việc ra tòa, các đương sự thường hoài nghi đến tính khả thi của vụ kiện. Bản thân tôi đã từng nhận bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong 1 vụ án. Vụ án này kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong. Ông A là Việt kiều không đứng tên nhà đất được nên đã nhờ chị B đứng tên, có làm giấy tờ hẳn hoi. Chị B tự động đem giấy tờ nhà đi thế chấp NH để vay tiền, đến thời hạn không có tiền trả nên bị NH kiện ra tòa để phát mãi tài sản thu hồi vốn.

Vụ án này đã được giải quyết xong bằng bản án có hiệu lực, căn nhà chuẩn bị đưa ra phát mãi. Ông A phát hiện và khiếu nại bản án đó, đồng thời kiện bà B để đòi lại nhà. Kết quả bản án này bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, còn NH phải chờ kết quả giải quyết vụ tranh chấp của ông A với bà B.

- Trong vấn đề xử lý nợ xấu, các NH hầu như đổ lỗi do khách quan (người thế chấp hoặc cơ quan thực thi pháp luật), nhưng trách nhiệm của các NH cũng không nhỏ?

- Đúng như vậy, có nhiều tiêu cực trong các khoản vay, trong đó có khâu thẩm định tín dụng. Cán bộ tín dụng có thể vì lợi ích cá nhân đã dễ dãi trong khâu thẩm định năng lực tài chính và giá trị tài sản thế chấp. Thực tế có nhiều vụ án bị khởi tố liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó phần lớn liên quan đến hoạt động thẩm định tín dụng.

Về vướng mắc do các nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ xấu tín dụng hiện nay. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ là khâu kiểm soát tín dụng của các NHTM chưa được tốt. Nếu NH làm tốt khâu thẩm định tín dụng, chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều đối tượng mất khả năng thanh toán nợ vay.

- Ông có thể chia sẻ đâu là những bài học cũng như giải pháp để đánh tan “cục máu đông” nợ xấu tại NHTM?

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn của các TCTD là rất đáng hoan nghênh. Lời giải chuyên môn để giải bài toán “cục máu đông” nợ xấu của các TCTD dành cho các chuyên gia kinh tế.

Ở góc độ pháp luật và thực tiễn, tôi nghĩ các TCTD nên chịu thiệt thòi, thậm chí thiệt hại một chút để đạt được thỏa thuận với các bên liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm đang tồn đọng tại NH, thay vì chờ hệ thống pháp luật được cải tiến.

Vì thỏa thuận là giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp trong 1 vụ án dân sự. Tuy nhiên rất cần thiện chí của các bên. Bởi, trong quan hệ tín dụng, người đi vay ở thế yếu, luôn ở tình trạng của người phá sản, nên rất cần sự thiện chí của NH. Thí dụ, NH chỉ cần thu lại khoản tiền gốc, miễn khoản tiền lãi suất cho bên vay.

- Xin cảm ơn ông.

Minh Tuấn (thực hiện)

Sài Gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   NamABank – Sức mạnh để thay đổi và phát triển (09/06/2014)

>   Ngộ ra với tín dụng nông nghiệp nông thôn… (09/06/2014)

>   Tỷ giá bật tăng sau phát biểu của Thống đốc (09/06/2014)

>   Bầu Kiên 30 năm tù, khởi tố thêm 2 vụ án hình sự tại ACB và Vietbank (09/06/2014)

>   Ngân hàng bán lẻ: Khối ngoại “leo thang” (09/06/2014)

>   Thống đốc: Thị trường ngoại hối sẽ ổn định từ nay đến cuối năm (08/06/2014)

>   Chính sách tiền tệ: Tạo sự ổn định và niềm tin cho thị trường (08/06/2014)

>   Cuộc chơi mới mang tên ngân hàng bán lẻ (07/06/2014)

>   2 ngân hàng được cho vay vượt trần 6 doanh nghiệp dầu khí (07/06/2014)

>   Thống đốc mời doanh nghiệp Nhật Bản mua nợ xấu Việt Nam (07/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật