Thứ Ba, 17/06/2014 18:22

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Cần quy định cụ thể về ngành nghề cấm kinh doanh

Sáng 17-6, Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Hội trường về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Luật Doanh nghiệp được coi như “xương sống” cho hoạt động của doanh nghiệp. Đi vào thực tiễn từ năm 2005 đến nay, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ một số bất cập cần được chỉnh sửa.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đóng góp ý kiến.

Có nên rà soát ngành kinh doanh hàng năm?

Cho ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đa số đại biều đồng tình với quy định tại dự thảo Luật là không phải kê khai và ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề và điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề pháp lệnh và nghị định không cấm.

Tuy nhiên nhiều đại biểu băn khoăn về quy định cụ thể ngành nghề và điều kiện kinh doanh.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, đây là những quy định gắn trực tiếp và nhằm cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức đã được hiến định mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như cả xã hội rất quan tâm.

Tuy nhiên, các nội dung về cấm kinh doanh như quy định của dự thảo còn chung chung, phạm vi nội hàm quá rộng và chưa có nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ ràng nên chưa đảm bảo tính xác định cần có của loại hình cấm.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh phải được quy định cụ thể, thống nhất trong Luật Doanh nghiệp, không nên quy định dàn trải trong nhiều đạo luật khác nhau.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến, hiện nay về vấn đề này đang có 3 danh mục khác nhau, đó là danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực địa bàn khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư và danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo Luật Thương mại. Do đó, đại biểu đề nghị hợp nhất 3 danh mục này thành một để đảm bảo tính thống nhất và giảm bớt phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra đại biểu phân tích, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những điều kiện kinh doanh giao cho Chính phủ quy định cụ thể, tuy nhiên danh mục này cũng phải đảm bảo tính ổn định lâu dài, chứ không nên được rà soát, điều chỉnh định kỳ hàng năm như quy định tại Khoản 4, Điều 7 của dự thảo.

Quy định rõ hơn về M&A

Thảo luận về một loại hình doanh nghiệp mới được quy định tại dự thảo Luật- doanh nghiệp xã hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhất trí với việc quy định về doanh nghiệp xã hội như dự thảo Luật để luật hóa và tạo điều kiện hành lang pháp lý hoạt động cho một loại hình doanh nghiệp hiện đang khá phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có quy định thêm trong luật hoặc nghị định của Chính phủ những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng sẽ có nhiều doanh nghiệp lách luật, “khoác áo” doanh nghiệp xã hội để hưởng ưu đãi, tương tự như nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn “khoác áo” hợp tác xã trước đây.

“Bởi lẽ nếu doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và khuyến khích nhưng chi phí hoạt động lớn dẫn đến bị lỗ hoặc không có lợi nhuận, khi đó điều kiện 51% lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường sẽ không còn ý nghĩa”- đại biểu phân tích.

Về tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung quy định về chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên và ngược lại.

Đại biểu cho rằng, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên và ngược lại. Do đó, cần đưa các hướng dẫn về chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên và ngược lại vào dự thảo để doanh nghiệp và các bên có liên quan có cơ sở để thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, hoạt động chia tách, sáp nhập, hợp nhất (M&A) doanh nghiệp diễn ra càng nhiều và trở nên phổ biến. Về vấn đề này, dự thảo vẫn còn quy định chung chung như các quy định liên quan đến người lao động, tài sản, các quyền và nghĩa vụ của các công ty sau khi thực hiện thủ tục chia tách sát nhập, hợp nhất. Do đó, cần có quy định cụ thể để hướng dẫn về thủ tục cũng như giải quyết các vấn đề sau khi chia tách, sát nhập, hợp nhất doanh nghiệp.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị xem xét bổ sung các quy định về bán công ty hoặc bán chi nhánh, đơn vị trực thuộc của công ty đối với các loại hình doanh nghiệp khác, do hiện nay chưa có khung pháp lý quy định cho việc bán công ty, trừ doanh nghiệp tư nhân nên thực tế các bên chỉ tiến hành chuyển nhượng cổ phần dẫn tới rủi ro cho bên tiếp nhận, vì không có cơ chế theo pháp luật quy định rõ trách nhiệm.

Nhiều vấn đề khác của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng được các đại biểu thảo luận như các quy định liên quan đến công ty hợp danh, trách nhiệm của hội đồng quản trị, quyền của ban kiểm soát… Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8.

An Tư

hải quan

Các tin tức khác

>   12 loại hàng hóa Trung Quốc được phép nhập khẩu vào Việt Nam (17/06/2014)

>   TS Vũ Thành Tự Anh: Căng thẳng hiện tại là cơ hội lớn không chỉ cho kinh tế (17/06/2014)

>   Xuất khẩu gỗ hướng mốc 4,9 tỷ USD (17/06/2014)

>   Việt Nam có hơn 900 giếng dầu (17/06/2014)

>   Việt Nam có hơn 900 giếng dầu (17/06/2014)

>   Siết hoàn thuế VAT với doanh nghiệp xuất khẩu gạo (17/06/2014)

>   Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I: Quý 1-2015 thông qua nghiên cứu khả thi (17/06/2014)

>   Con trai đại gia Diệu Hiền làm Chủ tịch Quỹ tín dụng Hậu Giang (17/06/2014)

>   “Lực cản” văn bản (17/06/2014)

>   Thu hút FDI từ nay đến cuối năm - Nhiều triển vọng (17/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật