Thứ Ba, 17/06/2014 16:10

TS Vũ Thành Tự Anh: Căng thẳng hiện tại là cơ hội lớn không chỉ cho kinh tế

"Căng thẳng hiện tại là cơ hội lớn cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, không dừng lại ở mặt kinh tế. Vấn đề là cơ hội lớn này phải có bộ óc lớn để mà nắm lấy".

“Bản chất vấn đề không nằm ở “thoát Trung” - TS Vũ Thành Tự Anh, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nói với TTCT.

TS Vũ Thành Tự Anh

* Trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung căng thẳng hiện tại, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi “thoát Trung” nhưng có vẻ anh có quan điểm khác về vấn đề này?

- Tôi nghĩ nếu “thoát Trung” chỉ là một cách nói thì có thể chấp nhận được, bởi nó chạm vào tế bào thần kinh của chúng ta và do vậy là thông điệp để thu hút sự chú ý và sự ủng hộ. Nhưng nếu nhìn vào bản chất thì vấn đề cơ bản của Việt Nam hiện nay không phải là “thoát Trung” vì mấy lý do.

Thứ nhất, ta không thể phủ nhận một thực tế là khoảng 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng ta cũng không thể phủ nhận Việt Nam - Trung Quốc ở ngay sát cạnh nhau. Chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế là trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, Việt Nam - Trung Quốc có những mối liên hệ về ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, và cho đến những năm gần đây là cả về mặt chính trị.

Gần đây hơn, cùng với quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước là sự tương thuộc về mặt kinh tế. Gần như mọi phương diện, kể cả chính trị, văn hóa, xã hội, địa lý, thương mại, đầu tư... đều có sự tương thuộc chặt chẽ với Trung Quốc.

Không những thế, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự tương thuộc đã trở thành bản chất của mọi quan hệ giữa các quốc gia, không thể nói một quốc gia đơn phương thoát ra một quốc gia khác, nhất là khi đây không phải là quốc gia bình thường - đây sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và luôn muốn phủ bóng lên Việt Nam.

Do vậy, điều quan trọng hơn của Việt Nam không phải là thoát ra khỏi người láng giềng Trung Quốc, mà là làm thế nào để sống một cách đĩnh đạc bên cạnh người khổng lồ đang lên với đầy tham vọng và tính toán mưu mô.

* Đặt ra vấn đề “thoát Trung” vì với tình hình hiện tại, rất dễ xảy ra khả năng Trung Quốc có thể trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam hoặc có những đòn trả đũa. Như vậy, việc giảm dần sự phụ thuộc kinh tế là hướng đi hợp lý?

- Tương thuộc là bản chất của các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia hiện nay. Khi đã tương thuộc rồi mà cứ muốn “thoát” ra thì sẽ đồng nghĩa với tự phủ định mình. Trong thời đại toàn cầu hóa này, sự tương thuộc kinh tế dứt khoát sẽ càng ngày càng mạnh lên, ngoại trừ trường hợp bị gián đoạn bởi các yếu tố phi kinh tế khác.

Nhưng điều đó không phủ nhận một thực tế là chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc.

Về kinh tế, dễ thấy nhất là xuất nhập khẩu: Theo số liệu của ADB, năm ngoái Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 23 tỉ USD. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.

Tính theo tỉ trọng thì xuất khẩu đi Trung Quốc chỉ chiếm 10% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam và tỉ trọng này về cơ bản dao động xung quanh mức này suốt từ năm 2000 cho tới giờ. Trong khi đó tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt từ khoảng 9% năm 2000 lên đến 27% năm 2013. Như vậy sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc của mình là rất lớn, còn sự phụ thuộc vào xuất khẩu ở mức vừa phải.

Nhưng ngay trong nhập khẩu cũng phải chia ra các nhóm khác nhau: Tỉ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc hiện là khoảng 60%, 40% còn lại là nhu cầu cuối cùng, chủ yếu bao gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng. Như vậy, ngay cả khi Trung Quốc cấm vận hoàn toàn thì đối với 40% hàng phục vụ nhu cầu cuối cùng, tác động này không phải là quá ghê gớm.

Hôm nay mặc áo sơ mi Trung Quốc, mai không có thì ta hoàn toàn có thể kiếm áo sơ mi chỗ khác. Máy móc của Trung Quốc nhập vào Việt Nam tuy rẻ nhưng chất lượng thường thấp và đều có thể thay thế từ các nguồn nhập khẩu khác. Tác động của việc cấm xuất khẩu từ Trung Quốc sang VN đối với từng mặt hàng sẽ có ảnh hưởng khác nhau.

Nguyên vật liệu thì khó hơn, đáng lo hơn nhưng vẫn có thể xử lý được, nó không thể làm nền kinh tế hay nền sản xuất VN sụp đổ chỉ vì 60% lượng nhập khẩu từ Trung Quốc không còn nữa vì các doanh nghiệp của chúng ta có thể nhập khẩu từ một nước khác, hoặc nhập khẩu chính hàng của Trung Quốc nhưng qua một nước thứ ba.

Khi chúng ta có thêm thị trường nhập khẩu khác, một mặt chúng ta đảm bảo luồng đầu vào ổn định cho sản xuất, mặt khác sự đa dạng hóa thị trường này sẽ giúp giảm rủi ro. Rõ ràng có rất nhiều thị trường mới mà chúng ta từ trước tới nay quá ỷ lại, quá phụ thuộc, đi theo lối mòn nhập khẩu từ Trung Quốc nên bỏ qua, ví dụ như Ấn Độ cũng là một cường quốc về xuất khẩu vải.

Về ngắn hạn, việc cấm vận (nếu có) sẽ có tác động một lần, nhưng về dài hạn những gián đoạn đơn phương từ phía Trung Quốc sẽ có lợi cho Việt Nam. Lúc đấy Việt Nam sẽ tự bươn chải, tự chủ động hơn và trong chừng mực nào đó phát triển được những thị trường rất tiềm năng mới mà từ trước tới giờ chúng ta không để ý.

Trên khía cạnh đầu tư, tổng đầu tư (đăng ký) trong giai đoạn 1990-2013 của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ là 8 tỉ USD trong tổng số 230 tỉ USD cả thế giới đầu tư vào Việt Nam. Tức là chỉ hơn 3% nên không đáng kể. Vì vậy, kể cả khi Trung Quốc cấm vận đầu tư thì Việt Nam sẽ không bị sốc bao nhiêu. Vấn đề là Việt Nam rất cần tránh chuyện vì sợ mất đầu tư mà quay lại thu hút đầu tư bằng mọi giá, đó sẽ là một sai lầm.

Đầu tư Trung Quốc hiện tại phần lớn là đầu tư tư nhân, xuất khẩu Trung Quốc sang Việt Nam cũng chủ yếu là tư nhân, họ hoàn toàn có thể qua một số nước khác để đầu tư ngược trở lại Việt Nam vì nhà kinh doanh rất sáng tạo. Cho nên chúng ta không nên lo lắng thái quá về tác động của việc Trung Quốc cấm vận đầu tư nếu điều đó có thể xảy ra.

Về thị trường xuất khẩu, vì sản phẩm của mình là xuất khẩu thô, do vậy có thể xuất khẩu đi rất nhiều nước khác nhau. Hơn nữa, tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chỉ khoảng 10% thôi. 90% còn lại là xuất khẩu đi các nước khác... Trong trung hạn, nền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ phải điều chỉnh, vấn đề đặt ra là năng lực điều chỉnh của nền kinh tế Việt Nam.

* Nhưng với thị trường nông sản thì sẽ là khó khăn cho nông dân?

- Đó là cú sốc quan trọng nhưng là vì chúng ta không nghĩ đến thị trường khác chứ không phải không tồn tại thị trường khác.

Trong mọi thách thức đều nảy sinh cơ hội. Vấn đề nằm ở năng lực và đó là điều then chốt. Phải chuẩn bị năng lực và có phương án để ứng xử trước những tình huống như thế, không đợi đến lúc xảy ra rồi mới tính tới chuyện đa dạng hóa xuất - nhập khẩu.

Từ trước đến giờ chúng ta nói đến chuyện này nhiều nhưng trên thực tế làm được rất ít. Có dấu hiệu là chính trong giai đoạn được coi là khẩn cấp về mặt kinh tế này thì lại hay có sai lầm. Ví dụ, vấn đề đầu tư: sau vụ Bình Dương, Vũng Áng với nguy cơ Trung Quốc cấm vận, có xu hướng là các tỉnh, thành đã nghĩ tới chuyện thu hút đầu tư bằng mọi giá, đảo ngược chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc.

* Cú sốc đối với nền kinh tế có thể xảy ra, ở góc độ nhà kinh tế anh dự đoán khoảng thời gian sốc sẽ bao lâu?

- Chúng ta hoàn toàn có thể tính được nếu có đủ các dữ liệu vi mô vì phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh. Ví dụ sản phẩm có chu kỳ kinh doanh rất ngắn như dệt may chẳng hạn, ngay lập tức phải tìm nguồn cung ứng mới, thị trường mới. Với các sản phẩm khác có chu kỳ kinh doanh dài hơn như nông sản, thực phẩm có mùa vụ 4-6 tháng thì thời hạn phản ứng lại khác. Đồng thời, mức độ dự trữ càng cao thì tác động của cú sốc sẽ càng xa.

Việc đa dạng hóa nguồn cung và thị trường đầu ra lẽ ra đã phải làm từ lâu rồi mới phải. Vấn đề vẫn là động cơ có hay không. Nếu mua hàng Trung Quốc rẻ hơn thì tại sao tôi phải đi đa dạng hóa ở đất nước khác đắt hơn, thị trường mới chưa quen? Cái đó nên để doanh nghiệp tính toán, Nhà nước không nên can thiệp mà hãy đảm bảo môi trường kinh doanh tốt.

Ví dụ khi họ xuất/nhập khẩu thì hải quan đừng làm khó dễ họ. Thay vì nói là khuyến khích nhập khẩu từ chỗ khác, hãy đơn giản các hoạt động hỗ trợ và thuận lợi hóa thương mại, giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nhanh hơn, rẻ hơn. Ta nói đa dạng hóa nguồn cung và thị trường mà chi phí đa dạng hóa quá cao thì đời nào doanh nghiệp làm.

* Trong rất nhiều khó khăn hiện nay, biện pháp gì chúng ta cần làm ngay, cần ưu tiên?

- Chúng ta phải chia ra hai nhóm biện pháp: một là về chính trị, hai là về kinh tế. Ta phải rất rõ ràng về mặt chính trị. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là sự kiện chính trị chứ không phải kinh tế. Nó có tác động tới kinh tế nhưng gốc gác là chính trị và quân sự. Vì vậy phải giải quyết gốc gác vấn đề trên phương diện ấy.

Để giải quyết việc này, nói “thoát Trung” không sai, nhưng đúng đắn hơn là chúng ta phải thoát khỏi những vòng kim cô mà ta đã tự buộc vào mình trong thời gian quá lâu. Đấy mới là cái thoát cơ bản, là cái căn cơ.

Về mặt kinh tế, đầu tiên chúng ta phải làm cường tráng nội lực. Nếu có nội lực cường tráng, có một ý chí mạnh mẽ hơn và biết tận dụng ngoại lực một cách hiệu quả hơn để bảo vệ chính mình thì chắc chắn chúng ta có thể chống chọi được được sức ép bên ngoài.

Đâu là yếu tố thúc đẩy nội lực ở Việt Nam? Về kinh tế, bộ phận tạo ra nội lực mạnh mẽ nhất chính là khu vực dân doanh. Đó mới là cái sâu rễ bền gốc. Đó chính là khu vực có khả năng thích nghi nhanh nhất, có thể biến cả khả năng cấm vận kinh tế từ Trung Quốc thành cơ hội cho Việt Nam nếu được tạo điều kiện.

Ở đây chỉ cần làm đúng những gì pháp luật quy định và chính sách hứa hẹn đối với khu vực dân doanh Việt Nam cũng đủ để tạo một môi trường thuận lợi hơn để họ có thể ứng phó một cách linh hoạt, nhanh nhẹn, mạnh mẽ trước những cú sốc từ bên ngoài. Đó là biện pháp cơ bản.

Cụ thể: thứ nhất, Chính phủ phải tạo mọi điều kiện để tăng cường thuận lợi thương mại, từ thuế, hải quan, các hàng rào thuế quan, phi thuế quan của Việt Nam đến đa dạng hóa xuất khẩu. Thứ hai, thay vì xuất khẩu thô ta có thể xuất khẩu các mặt hàng tinh hơn và chuyển sang xuất khẩu dịch vụ. Một tính toán của tác giả Bùi Trinh cho thấy nếu trong xuất khẩu mà tăng tỉ trọng dịch vụ thì GDP của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Như vậy, nếu tăng được giá trị ngay trong cơ cấu rổ hàng hóa xuất khẩu của mình, nền kinh tế cũng được lợi rồi.

Cần phải nói thêm là chắc chắn sẽ không có lời giải toàn bích. Nhưng những bước đi hợp lý sẽ giúp quá trình chuyển đổi luồng thương mại sang những thị trường mới và luồng đầu tư từ những nhà đầu tư. Thậm chí tôi nghĩ Trung Quốc cũng chẳng cần cấm vận Việt Nam vì nếu để tình trạng hiện nay vẫn tiếp diễn, đấy cũng là một thắng lợi cho Trung Quốc về mặt kinh tế rồi. Nó tạo ra sự hỗn loạn, nỗi lo sợ, tạo ra một sự đổi hướng chính sách theo lối sai lầm kiểu thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Trong điều kiện Trung Quốc có gây áp lực với Việt Nam thì nguồn lực của chúng ta phải xác định là ngày càng khan hiếm. Chúng ta đang rất cần tiết kiệm từng tí một để làm tăng nội lực của nền kinh tế. Các dự án lãng phí chỉ chứng tỏ là bản năng sinh tồn của nền kinh tế chúng ta đang bị tiêu diệt.

* Xin cảm ơn TS.

Chuyện chúng ta phải đối diện với Trung Quốc là hằng số - mấy ngàn năm chúng ta phải đối mặt với họ. Lịch sử dạy chúng ta rằng mỗi khi người dân chúng ta có được sự đồng thuận và ý chí của người dân được chính quyền coi là ý chí của mình thì nội lực quốc gia và đoàn kết dân tộc được gia tăng gấp bội, chúng ta không ngại sự va chạm với bên ngoài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ sự độc lập của đất nước. Những giai đoạn quật khởi của dân tộc đã thể hiện điều này rất rõ.

Nhưng khi có những rạn nứt trong các mối quan hệ nội tại của chúng ta, tham nhũng, bất công xã hội ngày càng bức bối... thì giàn khoan Hải Dương 981 không chỉ khoan vào thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà khoan vào những điểm yếu có tính chết người của nền kinh tế, của xã hội, của nền chính trị Việt Nam.


Thanh Tuấn

tuổi trẻ cuối tuần

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gỗ hướng mốc 4,9 tỷ USD (17/06/2014)

>   Việt Nam có hơn 900 giếng dầu (17/06/2014)

>   Việt Nam có hơn 900 giếng dầu (17/06/2014)

>   Siết hoàn thuế VAT với doanh nghiệp xuất khẩu gạo (17/06/2014)

>   Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I: Quý 1-2015 thông qua nghiên cứu khả thi (17/06/2014)

>   Con trai đại gia Diệu Hiền làm Chủ tịch Quỹ tín dụng Hậu Giang (17/06/2014)

>   “Lực cản” văn bản (17/06/2014)

>   Thu hút FDI từ nay đến cuối năm - Nhiều triển vọng (17/06/2014)

>   Dệt may Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế (17/06/2014)

>   Gazprom muốn mua 49% cổ phần lọc dầu Dung Quất (16/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật