Thứ Ba, 17/06/2014 06:59

Thu hút FDI từ nay đến cuối năm - Nhiều triển vọng

Những tháng đầu năm, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, triển vọng thu hút FDI từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, nhất là khi nhiều dự án đầu tư “khủng” sắp được cấp phép.

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaiser ở tại KCN Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương.

Khu vực phía Nam tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 5,5 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Điểm đáng chú ý là các tỉnh khu vực phía Nam như Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai… có số vốn đầu tư tăng mạnh. Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, đầu tư nước ngoài FDI đã thu hút được 978,4 triệu USD, đạt 97,8% kế hoạch của cả năm, tăng 14,9% so cùng kỳ với 65 dự án đầu tư mới và 56 dự án điều chỉnh tăng vốn. Còn TPHCM, tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 793 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sở dĩ tình hình thu hút FDI những tháng đầu năm vào Bình Dương tăng khá là do ngay từ đầu năm tỉnh đã chuẩn bị quỹ đất sạch với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ các NĐT. Mặt khác, tỉnh kiên quyết thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các khâu, thông qua việc hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ chế “1 cửa - 1 cửa liên thông hiện đại” tại trung tâm hành chính mới và các huyện, thị xã, TP nhằm phục vụ cho NĐT ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, tỉnh đã xây dựng chương trình tiếp thị đầu tư, định hướng mời gọi đầu tư.

Cải thiện toàn diện môi trường đầu tư

Dù tình hình thu hút đầu tư những tháng đầu năm của cả nước còn thấp, nhất là sau sự cố một số đối tượng quá khích đập phá máy móc, nhà xưởng của NĐT nước ngoài tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vừa qua. Tuy nhiên, những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ phía Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã giúp NĐT yên tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay có nhiều dự án đang trong quá trình đàm phán để đi đến ký kết nên triển vọng thu hút đầu tư FDI những tháng cuối năm của Việt Nam còn rất lớn.

Theo thông tin từ UBND TPHCM, hiện TP đã chấp thuận địa điểm đầu tư Dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử với tổng vốn trên 1 tỷ USD cho Tập đoàn Samsung tại Khu Công nghệ cao TP. Còn tại chương trình dân hỏi bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho biết: “Hiện có một số dự án lớn đang được đàm phán, có thể được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay. Do đó, dự báo thu hút FDI năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013”.

Để nâng cao thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cho biết sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến xúc tiến đầu tư, tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn hỗ trợ NĐT. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore 2014 (VSBF 2014) diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, để các NĐT nước ngoài có thể yên tâm đầu tư lâu dài, ổn định, Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, về giải pháp thu hút đầu tư trong những tháng cuối năm, trước tiên phải thực hiện chủ trương của Chính phủ là khắc phục nhanh nhất, tốt nhất tạo niềm tin để ổn định sản xuất kinh doanh cho các NĐT bị thiệt hại bởi sự cố vừa qua. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tiếp thị, mời gọi đầu tư và giải quyết vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo niềm tin, tạo môi trường đầu tư tốt hơn và thông qua những NĐT này sẽ có tác động đến các NĐT khác.

Trên cơ sở đó công tác tiếp thị mời gọi đầu tư của tỉnh có cơ sở thu hút mạnh hơn. Cuối cùng, tỉnh sẽ triển khai nhanh công tác quy hoạch hạ tầng để sẵn sàng nếu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương quan tâm đến dự án công nghệ cao; trong đó sẽ kiến nghị với Chính phủ có những chính sách ưu đãi để mời gọi NĐT tiềm năng có công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ giải quyết tốt hơn nữa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy phép. Cụ thể, những hồ sơ nào theo quy định của pháp luật không phải hỏi ý kiến của các bộ, ngành thì không hỏi nữa. Đối với các hồ sơ sẽ phân loại, cái nào đơn giản thì sẽ giải quyết nhanh so với quy định hiện nay.

Mặt khác, tích cực hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hồ sơ nhanh hơn, cũng như để thông tin đến các NĐT quá trình giải quyết hồ sơ. Đồng thời, công khai quá trình luân chuyển hồ sơ lên mạng để NĐT, người dân, lãnh đạo giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, tăng cường các buổi đối thoại trực tiếp với các NĐT, hiệp hội để từ đó hiểu khó khăn và giải quyết nhanh nhất.

Đình Lý

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Dệt may Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế (17/06/2014)

>   Gazprom muốn mua 49% cổ phần lọc dầu Dung Quất (16/06/2014)

>   Nhiều ngành sản xuất tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc (16/06/2014)

>   Việt Nam nhiều cơ hội xuất nguyên liệu nhựa sang Thổ Nhĩ Kỳ (16/06/2014)

>   Thua đau hàng Việt, cà phê Trung Quốc giở trò 'chơi xấu' (16/06/2014)

>   Vụ “nhà máy ngàn tỷ, xây xong rồi... bỏ không” ở Bình Phước: Thiệt hại 215 tỷ đồng/năm (16/06/2014)

>   Việt Nam vẫn là địa chỉ tiếp nhận đầu tư an toàn, thân thiện (16/06/2014)

>   Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Dừng đầu tư lúc này là quá chậm! (16/06/2014)

>   Thu hút đầu tư nước ngoài: Không nên làm một cách đại trà (16/06/2014)

>   Áp lực xuất khẩu thủy sản (16/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật