Áp lực xuất khẩu thủy sản
Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, trong đó mặt hàng tôm xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, các DN lo ngại vẫn còn nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm 2014.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm thời gian gần đây tăng mạnh, chiếm trên 49% giá trị xuất khẩu thủy sản, và mặt hàng này đang giữ vai trò chủ đạo quyết định mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản. Xuất khẩu tôm chân trắng 5 tháng đầu năm tăng 149% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch 829 triệu USD.
Tôm sú đạt 483 triệu USD, tăng 5%, đưa tổng xuất khẩu tôm lên khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 63%. Nguồn nguyên liệu trong nước tăng, giá tôm cao tại các thị trường nhập khẩu chính và sản lượng giảm do dịch bệnh EMS tại các nước xuất khẩu chính như Thái Lan, Trung Quốc là những yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm trong nước những tháng đầu năm.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang các thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoài: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ tăng 3 con số, lần lượt 120%, 108% và 109%. Các thị trường khác đều tăng ở mức 2 con số (11-96%). Với đà này, dự báo xuất khẩu tôm năm 2014 sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết tôm Việt Nam cũng đang gặp thách thức tại thị trường Nhật Bản do quyết định kiểm tra 100% lô tôm đối với chất cấm oxytetracilyn (OTC). Xuất khẩu tôm nước ta cũng đang chịu áp lực cạnh tranh với Ấn Độ do nước này không bị kiểm tra OTC.
Bên cạnh đó, hiện kháng sinh trị bệnh EMS trên tôm đang kháng thuốc và dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát trở lại trên diện rộng. Để đáp ứng các yêu cầu, đã đến lúc quy hoạch các vùng nuôi tôm sạch để đảm bảo xuất khẩu tôm phát triển bền vững dù giá thành nguyên liệu sẽ tăng khoảng 20.000 đồng/kg.
Thiếu nguyên liệu
Theo báo cáo của VASEP, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục, chỉ giảm khoảng 7,6% so cùng kỳ, đạt 655 triệu USD; cá ngừ giảm 23%, đạt 195 triệu USD; mực, bạch tuộc tăng 8,5%, đạt 172 triệu USD; cá biển nói chung tăng 15%, đạt 369 triệu USD…
5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 153 thị trường. Các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc có mức tăng từ 19-43%. Đối với cá tra, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 có thể giảm khoảng 5% so với năm 2013, đạt 1,7 tỷ USD, vì ngoài lý do thiếu nguyên liệu chế biến, DN còn khó vay vốn ngân hàng.
Xuất khẩu cá ngừ dự báo giảm 15% so với năm 2013, đạt khoảng 450 triệu USD; xuất khẩu mực-bạch tuộc tăng 5%, đạt khoảng 470 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 dự báo đạt 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013.
Tuy nhiên, theo các DN, thách thức cho DN xuất khẩu thủy sản năm 2014-2015 là vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu (cả nguồn khai thác và từ nuôi trồng) cho chế biến. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho biết tình hình bất ổn trên biển Đông trong tháng vừa qua đã làm việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn và DN cũng gặp khó trong thu mua nguyên liệu hải sản.
Vì vậy, một số đối tác Nhật Bản đã thông báo lùi thời thời hạn ký tiếp hợp đồng cho năm 2015. Do thương lái Trung Quốc tranh mua tranh bán, nâng giá để thu gom nên để có nguyên liệu đáp ứng đơn đặt hàng, DN Việt Nam vẫn phải gia tăng nhập khẩu mực-bạch tuộc từ Thái Lan, Malaysia, Đài Loan… Để duy trì năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, VASEP cho biết nhiều DN trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để phục vụ cho sản xuất xuất khẩu. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu còn cao đối với một số loại thủy sản có giá trị thương mại lớn. Cụ thể, tôm các loại (10-15%), cá ngừ (12-24%), mực-bạch tuộc (10-25%). Bên cạnh đó, nguyên nhân do dịch bệnh EMS trên tôm ngày càng phức tạp, vấn đề bơm tạp chất vào tôm sú của thương lái Trung Quốc, thời tiết xấu và năng lực hạn chế trong đánh bắt xa bờ, điều kiện bảo quản sau thu hoạch chưa tốt khiến sản lượng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc vẫn còn thấp. Hiện Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã và đang đưa ra các hàng rào kỹ thuật về thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình nuôi trồng khiến con đường đi vào các thị trường này càng hẹp và gian nan hơn.
Liên quan Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20-6-2014, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG), bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, ông cho cho biết cộng đồng DN và cả người nuôi cá tra đều đang chờ đợi các thông tư hướng dẫn Nghị định ban hành, đặc biệt là thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Vì hợp đồng kinh tế là bí mật kinh doanh của từng cá nhân, từng công ty, gồm những điều khoản không được tiết lộ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin với một hiệp hội (bên thứ 3) là chưa hợp lý.
Minh Tuấn
sài gòn đầu tư tài chính
|