Vì sao Luật Phá sản lại… phá sản?
Luật Phá sản hiện hành chỉ mới bảo vệ chủ nợ mà chưa quan tâm đến con nợ.
Gần 61.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2013, theo Tổng cục Thống kê. Con số này khiến cho không ít người phải giật mình. Nhưng điều đáng băn khoăn là rất hiếm trường hợp tuyên bố phá sản trong khi Việt Nam đã có Luật Phá sản 2004.
Muốn phá sản cũng khó
Có nhiều lý do khiến việc tuyên bố phá sản chưa phổ biến. Một phần là do phá sản mang đến áp lực tâm lý nặng nề cho chủ doanh nghiệp khi cộng đồng chưa xem phá sản là chuyện bình thường trong kinh doanh. Thậm chí, nhiều trường hợp còn bị hình sự hóa các quan hệ dân sự. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do Luật Phá sản hiện hành còn nhiều điểm bất hợp lý.
Một trong số đó là thủ tục phá sản khá rườm rà, thường kéo dài khoảng 5 năm và tiêu tốn đến 15% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Và đối với những doanh nghiệp vỡ nợ, các bên liên quan chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản, theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Luật Phá sản 2004 cũng không quy định rõ số nợ và thời gian quá hạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của con nợ trước khi bị tuyên bố phá sản.
Cái giá phải trả quá lớn cũng chi phối đến động cơ phá sản của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp thuộc khu vực phi nhà nước sẽ bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp trong thời hạn từ 1-3 năm kể từ ngày công bố phá sản. Sự trừng phạt đối với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước còn khắc nghiệt hơn khi họ vĩnh viễn không còn cơ hội sửa sai.
Một nút thắt khác là trình tự xử lý phá sản của Luật Phá sản hiện hành được cho là “quy trình ngược”, tức là xử lý tài sản trước khi tòa án tuyên bố phá sản, dẫn đến doanh nghiệp rơi vào tình trạng sống dở chết dở.
Nhìn chung, Luật Phá sản hiện hành được các chuyên gia đánh giá là chỉ mới bảo vệ và đảm bảo công bằng cho chủ nợ nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến con nợ. Trong khi đó, trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, pháp luật phá sản được xây dựng để bảo vệ những doanh nghiệp thua lỗ. Theo đó, những tổ chức, cá nhân kinh doanh thua lỗ được quyền mở thủ tục phá sản và được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh sau đó.
Ở Nhật, Luật Phá sản còn quy định sự phục quyền. Công ty phá sản vào bất cứ lúc nào đều có thể yêu cầu tòa án ra lệnh phục quyền khi đáp ứng được các quy định của pháp luật. Lệnh này được ban hành sẽ hủy bỏ tất cả các quyền đòi nợ khi đã trả tiền lãi, trừ một số khoản nợ như nợ thuế, các khoản tiền phạt hình sự.
Ngoài ra, Nhật quy định tình trạng phá sản đối với pháp nhân là không có khả năng trả nợ khi khoản tiền nợ lớn hơn tài sản có của pháp nhân đó. Điều này giúp các doanh nghiệp bị mất cân đối tài chính tạm thời có thể xoay xở trả nợ nhằm tránh tình trạng phá sản hàng loạt. Trong khi đó, theo pháp luật Trung Quốc, khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn thì sẽ bị xem xét khả năng phá sản.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần có thái độ khoan dung đối với những doanh nghiệp đăng ký mở thủ tục phá sản. Theo quan điểm kinh tế, cơ chế phá sản là quá trình phân bổ lại nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn. Ngược lại, để tồn tại những doanh nghiệp “chết mà chưa chôn” trở thành những “xác chết biết đi” sẽ gây ra sự hao phí nguồn lực xã hội và ách tắc trong quản lý cũng như hạn chế cơ hội phục hồi của nền kinh tế nói chung.
Kỳ vọng vào Dự thảo Luật Phá sản
Chính vì những điểm chưa hợp lý nói trên ở Luật Phá sản hiện hành mà Dự thảo Luật Phá sản đã được đưa ra bàn luận nhằm giúp doanh nghiệp “đã chết” được “chôn” và có cơ hội làm lại từ đầu.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 5 quy định “chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn”.
Theo Công ty Luật Phước & Partners, việc bổ sung quy định về thời gian so với Luật hiện hành là một “giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ”, còn thời hạn bao lâu tùy thuộc vào nhà làm luật khi cân nhắc lợi ích giữa con nợ và chủ nợ.
Luật Phá sản của Nga cũng có quy định về thời hạn tương tự, trong khi Trung Quốc cho phép chủ nợ khởi kiện vụ án phá sản ngay khi doanh nghiệp không trả được nợ.
Trả lời báo giới, Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng nên kéo dài thời gian trên thành 6 tháng vì 3 tháng quá ngắn để con nợ có thể xoay xở nguồn tiền.
Điều khoản liên quan đến quyền được thành lập doanh nghiệp mới sau khi phá sản của các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có những thay đổi. Theo đó, Khoản 3, Điều 130 xác định cụ thể hơn: những người nắm giữ các chức vụ quản lý tại doanh nghiệp bị phá sản sẽ không được phép thành lập doanh nghiệp mới, chứ không đánh đồng tất cả các trường hợp như Khoản 2, Điều 94 của Luật Phá sản hiện hành. Điều này khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và cho thấy thái độ cởi mở hơn đối với doanh nghiệp phá sản.
Quy trình xử lý tài sản ngược nói trên cũng được đảo lại trong dự thảo lần này. Theo đó, sau khi tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản rồi mới tiến hành thanh lý và chia tài sản của doanh nghiệp. Điều này được đánh giá là một thay đổi rất quan trọng để giải quyết sự bất hợp lý hiện nay.
Mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng về khái niệm “mất khả năng thanh toán”, “tình trạng phá sản” và một số điều khoản khác, nhưng với những sửa đổi quan trọng trên, chúng ta có quyền kỳ vọng rằng Luật Phá sản mới sẽ không tiếp tục bị . . . phá sản như Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 và 2004.
Hoàng Điền
Nhịp cầu đầu tư
|