Thứ Hai, 16/06/2014 06:17

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đòi hỏi cấp bách

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào của nước ngoài đã khiến doanh nghiệp (DN) trong nước mất đi lợi thế cạnh tranh: chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra thấp, lợi nhuận đem về cho DN không nhiều... Phát triển công nghiệp hỗ trợ được nhiều DN trong nước kỳ vọng như "chìa khóa" giải bài toán giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế.

Nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu

"Hiện nay, công ty chúng tôi đang phải nhập khẩu đến 70% số nguyên liệu từ thị trường nước ngoài, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 60% và nguyên liệu được nhập khẩu nhiều nhất là vải", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết. Sở dĩ, phần lớn các DN dệt - may Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài là do năng lực sản xuất các mặt hàng này của DN trong nước chưa đạt yêu cầu. Đơn cử, về chủng loại, do thị trường nguyên phụ liệu ở trong nước chưa thật sự phong phú cho nên các khách hàng vẫn ưu tiên nhập khẩu.

Cụ thể hơn, đối với loại vải thun, thị trường Việt Nam chỉ có thể cung cấp những mặt hàng từ loại trung cấp trở xuống, còn loại cao cấp thì việc nhập khẩu từ thị trường bên ngoài sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều. Chưa kể thời gian giao hàng, hầu hết các nhà cung cấp nước ngoài sẽ đáp ứng ngay yêu cầu do nguồn hàng luôn có sẵn và dồi dào. Ngược lại, với các nhà cung cấp trong nước, muốn có hàng theo yêu cầu thì phải đặt hàng từ trước đó cả tháng. "Rõ ràng, yếu tố cạnh tranh về mẫu mã, thời gian giao hàng, chúng ta đang đi sau rất nhiều so với các nước", Chủ tịch Phạm Xuân Hồng phân tích.

Cùng chung quan điểm này, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Gia Định, Nguyễn Chí Trung cũng cho rằng, hầu hết các DN da - giày, dệt -may trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài. Ngay như Công ty Gia Định đã có nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất da - giày nhưng hằng năm vẫn phải nhập khẩu hơn 10 triệu USD nguyên phụ liệu, trong đó, 80-90% có xuất xứ từ Trung Quốc. "Thực tế, các nhà cung cấp trong nước chỉ cung cấp được những loại phụ liệu đơn giản, chất lượng, mẫu mã lại không đa dạng như hàng nhập khẩu. Trong khi đó, hàng Trung Quốc đặt hàng là có ngay, giá cũng khá mềm, mẫu mã cũng dễ thay đổi và thanh toán khá linh hoạt, có thể trả chậm. Do đó, nếu không mua nguyên phụ liệu từ nước ngoài thì sản phẩm da-giày sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường vì giá thành cao, nguồn cung cũng chưa ổn định...", Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Trung nhận định.

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, mỗi năm DN này phải nhập khẩu khoảng 40-50 triệu USD tiền vải các loại, trong đó 80% là từ Trung Quốc, còn lại là từ Nhật Bản. Theo Giám đốc nhân sự Nguyễn Hồng Anh, giá nguyên phụ liệu từ Trung Quốc so với các nước khác là khá thấp, dễ cạnh tranh trên thị trường và khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Nếu khách hàng chấp nhận thay thế chất liệu vải tốt hơn thì giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 10-15%. Chẳng hạn một chiếc áo sơ-mi nếu dùng vải Trung Quốc thì chi phí hết 2 USD/áo, còn sử dụng vải Nhật sẽ là 2,4 USD/áo.

Không chỉ các DN trong nước mà các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gặp phải tình trạng phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hoạt động trong lĩnh vực dệt - nhuộm, với công suất 50.000 tấn sợi/năm. Tuy nhiên, hơn 90% số nguyên phụ liệu để sản xuất đều phải nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty, khiến chi phí sản xuất của Meisheng Textiles luôn cao hơn các DN trong khu vực.

Chủ động nguyên liệu đầu vào

Có thể nói, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu là yêu cầu cấp bách của các DN Việt Nam. Mặc dù hai năm gần đây, nước ta đều đạt thặng dư thương mại và năm tháng đầu năm nay, cả nước đạt xuất siêu 1,6 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhưng một thực tế đáng buồn là thành tích xuất siêu này hoàn toàn thuộc về khu vực FDI.

Còn khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu. Có nhiều nguyên nhân khiến các DN trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhưng Giám đốc Công ty TNHH May quốc tế Việt An (Cụm công nghiệp Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Phạm Văn Hữu lại luôn mong muốn: "Những nguyên liệu phổ thông, không đòi hỏi công nghệ cao, chúng ta vẫn có thể hoàn toàn đáp ứng được. Và để thực hiện kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ 50 đến 55% trong giai đoạn tới, chúng tôi đã xây dựng chiến lược hợp tác, đặt hàng với các DN trong nước trong lĩnh vực dệt - may để bổ sung nguồn nguyên phụ liệu này".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các DN trong nước hiện nay hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) Lê Văn Học cho biết, Việt - Séc là DN đầu tiên trong cả nước sản xuất tàu, thuyền bằng chất liệu tổng hợp PPC, đạt tiêu chuẩn EU. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào của Việt - Séc hiện hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn, trong khi rất nhiều linh kiện, trang thiết bị lắp ráp trên các sản phẩm của Việt -Séc, các DN trong nước có thể đáp ứng được. Thí dụ: vỏ tàu và máy móc có thể phải nhập khẩu nhưng các trang thiết bị khác như hệ thống điện, cứu sinh, cứu hỏa, nội thất tàu..., đều có thể sản xuất được trong nước. Do vậy, trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành liên kết với các DN trong nước nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của mình.

Chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước là mong muốn của rất nhiều DN. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là năng lực của các nhà cung cấp trong nước có đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất không. Theo Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh, tại các khu, cụm công nghiệp của Bình Dương cũng có nhiều DN liên danh sản xuất nguyên phụ liệu dệt - may, nhưng cũng chỉ là loại đơn giản như dây kéo, mác, nhãn, nút đồng... với số lượng cũng không lớn, mẫu mã không đa dạng.

Về lâu dài, Nhà nước cần khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này; thành lập các khu công nghiệp tập trung chuyên sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt - may, giúp DN từng bước giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung, việc khai thác nguồn nguyên phụ liệu trong nước hầu như rất khó. "Suốt thời gian dài, các địa phương mới chỉ chú trọng "thu hút vốn đầu tư bằng mọi giá", chứ chưa tính đến việc chúng ta sẽ cung cấp cho nhà đầu tư cái gì trong chuỗi giá trị đó. Vì vậy nhiều năm nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển, cứ luẩn quẩn quanh chuyện nhập siêu và gia công lắp ráp với giá lao động rẻ", Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Trung bức xúc nói. Để giúp DN giảm bớt lệ thuộc nguồn nguyên liệu của nước ngoài, cần có chính sách hỗ trợ tích cực từ Nhà nước như cho vay đầu tư trong lĩnh vực này với lãi suất thấp, thời gian dài; ưu đãi về thuế, cho thuê đất; đào tạo tay nghề cho công nhân miễn phí...

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng đề xuất, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành sản xuất nguyên phụ liệu (sợi, dệt, nhuộm) nhằm tạo ra thị trường trong nước ổn định về nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho ngành này, đơn cử là nhà máy xử lý chất thải. Những hoạt động này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn cho nên rất khó để DN đầu tư. Thay vì chờ DN đầu tư, Nhà nước sẽ triển khai sau đó các hình thức thu hồi vốn, thu phí nhằm tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các DN phát triển. Ngoài ra, các DN trong cùng lĩnh vực cần cố gắng chủ động hơn nữa, tổ chức kết nối các DN cung cầu trong lĩnh vực dệt-may nhằm tạo thị trường thống nhất, ổn định, hạn chế dần sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài...

Nhu cầu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước của các DN là rất lớn.

Đây chính là cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ, các DN mới có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và của DN.

"Các DN Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung và nguồn tiêu thụ từ nước ngoài. Nỗi lo tụt hậu kinh tế song hành với nỗi lo đánh mất quyền tự chủ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế khiến không ít DN phải lo lắng".

Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

"Nếu các DN Việt Nam có thể cung cấp được nguồn nguyên phụ liệu thì không những các DN FDI như Meisheng Textiles được lợi, mà chính các DN trong nước sẽ là người thụ hưởng".

G.Na-Ra-Xim-Ha Rao- Giám đốc tài chính Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam


Quý Thẩm - Hà Tuấn

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Trung Quốc quấy rối, khai thác hải sản vẫn tăng (15/06/2014)

>   Nhìn lại các chính sách trừng phạt kinh tế của TQ: Ít có khả năng xảy ra với VN (15/06/2014)

>   Con tôm hẹp 'đường bơi' vì dư lượng kháng sinh (15/06/2014)

>   Kinh doanh thương mại điện tử: Nhiều “chiêu” gian lận thuế (15/06/2014)

>   Kiểm soát hóa chất tồn dư: Doanh nghiệp da giày "tự bơi" (15/06/2014)

>   Tham gia các FTA thế hệ mới: Doanh nghiệp cần chủ động (14/06/2014)

>   Đà Nẵng xác định 5 nội dung cơ bản thực hiện tái cơ cấu kinh tế (14/06/2014)

>   TPHCM sẽ in quảng cáo trên 156 xe buýt (14/06/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì kinh doanh phân bón giả (14/06/2014)

>   Vốn ngoại “đón lõng” đầu tư nguyên liệu (14/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật