Thứ Hai, 16/06/2014 11:37

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: Dừng đầu tư lúc này là quá chậm!

Trước những khó khăn vướng mắc của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An khẩn trương xây dựng phương án xử lý theo hình thức thanh lý hoặc nhượng bán lại nhà máy để trình Thủ tướng trong tháng 6-2014.

 

Phối cảnh Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Vào tháng 3-2006, Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư trên 2.000 tỉ đồng từ ngân sách. Dự án được quảng bá là sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu. Ở thời điểm đó, chính quyền tỉnh Long An cũng nhanh chóng phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh được quy hoạch tại ba huyện khu vực Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh với gần 9.000 héc ta.

Năm 2009 nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mâu thuẫn về giá mua nguyên liệu với người trồng đay, nhưng chủ yếu là do máy móc liên tục bị trục trặc, dẫn đến việc mua nguyên liệu của người nông dân không đều đặn... Sau đó, dự án phải giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam. Rồi lại đầu tư, chạy thử, trục trặc, kéo dài...

Trao đổi với TBKTSG, một vị từng làm công tác quản lý đầu tư ở tỉnh Long An và từng được đề nghị tham gia vào ban quản lý dự án (nhưng từ chối) đã thẳng thắn chia sẻ quyết định dừng dự án lại lúc này là quá chậm so với thực tế khó khăn đã xảy ra, dẫn đến mất nhiều thời gian, kéo dài thua lỗ và ảnh hưởng đến rất nhiều nông dân địa phương khi tham gia trồng đay cung cấp nguyên liệu cho nhà máy...

 Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xem là một trong những ví dụ thất bại của trào lưu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, đầu tư ngoài ngành thiếu chiến lược.
Vị này cho rằng mình từ chối tham gia dự án vì ngay từ đầu đã thấy dự án ít tính khả thi. Tradico là một công ty có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xây dựng các công trình giao thông, xuất khẩu lao động... chưa có kinh nghiệm phát triển nhà máy giấy. Mặt khác, dự án này sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ cây đay, vốn chưa có nhà máy giấy nào ở Việt Nam dùng. Bên cạnh đó, dự án được đánh giá có độ rủi ro rất cao, bởi ngành giấy trong nước trước khi Việt Nam gia nhập AFTA và WTO được Nhà nước “bao bọc” khá kỹ nhưng không ít doanh nghiệp còn chật vật với giấy nhập khẩu.

Ở góc độ chuyên môn, lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy nhiều năm cho biết ông và một doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy của Nhật Bản cũng đã từng đi khảo sát thực tế dự án này ở giai đoạn bắt đầu triển khai. Đánh giá của ông và đối tác Nhật Bản đều cho thấy Long An thích hợp để phát triển nhà máy bột giấy từ nguyên liệu là cây đay vì có sẵn vùng nguyên liệu, có thể mở rộng thêm diện tích trồng cây đay, và các nước trên thế giới đã sử dụng nguyên liệu này. Chỉ có thể lý giải việc không thành công của dự án này là do chủ đầu tư không có nhiều kinh nghiệm trong ngành giấy. Thông tin cho thấy, hoạt động sản xuất của nhà máy trong thời gian qua không xuyên suốt và luôn bị trục trặc, có thể việc đầu tư máy móc thiết bị sản xuất của dự án không đồng bộ. Mặt khác, chiến lược cho đầu ra sản phẩm của chủ đầu tư như thế nào mà dẫn đến việc trì hoãn sản xuất của nhà máy khá lâu? Điều thành công của dự án này là chính quyền địa phương đã vận động được người nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lớn - vốn là khâu rất phức tạp và không dễ dàng đối với các dự án đầu tư nhà máy bột giấy khác. Tuy nhiên, thật tiếc là do dự án đầu tư gặp trở ngại trong khâu sản xuất nên chủ đầu tư mua nguyên liệu không xuyên suốt như cam kết ban đầu và giá mua được cho là không đảm bảo cuộc sống của người trồng đay.

Một số ý kiến trong ngành cho rằng nếu dự án phải chuyển công năng để làm chuyện khác, thiệt hại sẽ không nhỏ vì như thế Nhà máy Bột giấy Phương Nam sẽ phải tháo dỡ bán sắt vụn. Phương án tốt nhất là tìm được nhà đầu tư tư nhân khác trong ngành, để họ tiếp nhận, điều chỉnh dự án cho phù hợp để tiếp tục triển khai.

Phương án này cũng phù hợp với mong muốn của chính quyền tỉnh Long An. Trên thực tế, trong thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã liên tục kiến nghị các cấp trung ương về vấn đề Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam, đề nghị Nhà nước có phương pháp hỗ trợ để nhà máy có thể tiếp tục hoạt động, tạo điểm nhấn để phát triển vùng đay nguyên liệu theo quy hoạch đã được đề ra.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xem là một trong những ví dụ thất bại của trào lưu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, đầu tư ngoài ngành thiếu chiến lược. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp, thất thoát đồng vốn đầu tư nhà nước mà còn ảnh hưởng lớn đến người dân phục vụ cho dự án này.

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thu hút đầu tư nước ngoài: Không nên làm một cách đại trà (16/06/2014)

>   Áp lực xuất khẩu thủy sản (16/06/2014)

>   Nhật Bản giúp ngư dân Việt Nam đưa cá ngừ sang thị trường Mỹ (16/06/2014)

>   Lời nhắn không riêng gửi EVN (16/06/2014)

>   Trái cây, rau củ... sang EU, Ấn Độ (16/06/2014)

>   Vì sao Luật Phá sản lại… phá sản? (16/06/2014)

>   Thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ tăng 33% (16/06/2014)

>   Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đòi hỏi cấp bách (16/06/2014)

>   Trung Quốc quấy rối, khai thác hải sản vẫn tăng (15/06/2014)

>   Nhìn lại các chính sách trừng phạt kinh tế của TQ: Ít có khả năng xảy ra với VN (15/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật