Thứ Ba, 17/06/2014 15:02

Luật Đầu tư công: Những câu hỏi cần ngay câu trả lời

Dự thảo Luật Đầu tư công với sáu chương, 106 điều được đánh giá có nội dung khá toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều quy định dưới luật hiện nay trong việc quản lý đầu tư công đã được luật hóa, trong đó, quan trọng nhất là việc phân cấp đầu tư; thẩm quyền quyết định đầu tư; những hành vi bị cấm trong đầu tư công... Tuy nhiên, nghiên cứu toàn văn dự thảo luật vẫn thấy còn vài vấn đề cần xem xét điều chỉnh.

Luật của những “nguyên tắc”

Dự thảo luật có quá nhiều nội dung chỉ mang tính nguyên tắc. Trong toàn văn dự thảo, có tới 12 điều có tiêu đề là “Nguyên tắc”. Ngoài những điều được ghi rõ là “nguyên tắc” này, nội dung của không ít điều cũng chung chung, chỉ mang tính định hướng hoặc chuyển cho văn bản dưới luật quy định.

Chính vì vậy, có thể gọi dự thảo luật là “luật của những nguyên tắc, những định hướng”. Liệu khi ban hành Luật Đầu tư công thì những vấn đề bức xúc hiện nay về đầu tư công có được khắc phục? Câu hỏi đó chưa thể có câu trả lời vì phải chờ các văn bản dưới luật. Hơn nữa, theo dự kiến, Luật Đầu tư công (nếu được Quốc hội thông qua) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Thời gian còn lại cho việc chuẩn bị, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn không còn nhiều. Liệu có thể có được “một hệ thống” những văn bản dưới luật đúng hạn, hợp lý và có tính khả thi?

“Chuyển giao” không hợp lý

Nhiều vấn đề dự thảo luật “chuyển giao” cho các văn bản dưới luật là hợp lý. Song, cũng có một số nội dung không thể “chuyển giao”, bởi đó là những vấn đề quan trọng, cần quy định ngay trong luật để có cơ sở pháp lý cao hơn. Ví dụ, điều 32 về “Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư khẩn cấp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, dự thảo luật quy định như sau:

“1. Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư khẩn cấp nhằm khắc phục kịp thời các sự cố thiên tai và các trường hợp bất khả kháng khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công tránh thất thoát, lãng phí. 2. Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại điều 18 của luật này và quản lý chặt chẽ phần vốn đầu tư công. Đối với phần vốn đóng góp của các thành phần kinh tế khác vào dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chủ động thực hiện dự án theo đúng mục tiêu đầu tư và cam kết với Nhà nước. 3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư khẩn cấp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trừ các dự án quan trọng quốc gia”.

Quy định như dự thảo luật nêu trên thực chất là luật không quy định gì về việc đầu tư những dự án thuộc diện khẩn cấp và đầu tư theo hình thức công tư (PPP). Trong khi đó, đầu tư các dự án thuộc diện khẩn cấp rất cần được quy định chi tiết hơn ngay trong luật để tránh tình trạng “lạm phát” các dự án “khẩn cấp” nhằm lách luật trong đầu tư công, chẳng hạn, thế nào là thuộc diện khẩn cấp; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp. Đầu tư theo hình thức PPP là hình thức đầu tư rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn. Hơn nữa, PPP là hình thức đầu tư “lồng ghép” về vốn, rất cần có quy định minh bạch trong luật để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Vì vậy, lẽ ra, đầu tư theo hình thức PPP phải là một mục với một số điều cần thiết trong văn bản luật.

Quy định về hiệu quả đầu tư công còn mờ nhạt

“Đầu tư kém hiệu quả” là cụm từ được nhắc đến trong khá nhiều văn bản, hội nghị, hội thảo về đầu tư công, phòng chống lãng phí, tham nhũng. Vì vậy, một kỳ vọng được đặt ra với Luật Đầu tư công là có những quy định cụ thể về hiệu quả của đầu tư công. Song, thật đáng tiếc, toàn văn dự thảo luật, vấn đề hiệu quả của đầu tư công được đề cập rất mờ nhạt. Khoản 4 điều 12 về nguyên tắc quản lý đầu tư công có quy định: “Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; tránh thất thoát, lãng phí”. Tuy nhiên, quy định nêu trên chỉ là nguyên tắc. Câu hỏi đặt ra là, hiệu quả của đầu tư công được đánh giá theo những tiêu chí nào? Ai chịu trách nhiệm đánh giá? Đánh giá trước hay sau khi đã thực hiện dự án đầu tư công? Những câu hỏi đó khi chưa được trả lời, chắc chắn sẽ có nhiều lập luận định tính, chung chung như “nâng cao uy tín quốc gia”, “nền thể thao nước nhà sẽ lớn lên rất nhiều”... như thuyết minh về việc đăng cai tổ chức Asiad 19 năm 2018 (đã bị dừng lại) vừa qua.

Thiếu chế tài xử lý vi phạm

Những hành vi vi phạm trong đầu tư công chưa được đề cập ngoài quy định về những hành vi bị cấm trong đầu tư công tại điều 16. Điều 103 dự thảo luật về xử lý vi phạm quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Quy định nêu trên có thể là “mẫu số chung” cho tất cả các luật và nghị định của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm trong đầu tư công cũng phải theo quy định của pháp luật và đã quy định ở các luật khác như Luật Cán bộ, công chức; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Xử lý vi phạm hành chính... Ý kiến đó không sai nhưng chưa đủ. Bởi, từ trước đến nay, các luật nêu trên đã có nhưng sai phạm trong đầu tư công vẫn xảy ra không ít và cũng rất ít trường hợp bị xử lý.

Mặt khác, đầu tư công là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và người quyết định đầu tư là những người có chức, có quyền. Vì vậy, chế tài xử lý vi phạm trong đầu tư công không thể tương tự như xử lý vi phạm ở những lĩnh vực khác. Trước hết, luật cần quy định cơ chế “tuýt còi” hoặc đình chỉ ngay những dự án có nguy cơ gây lãng phí, kém hiệu quả ngay từ khi chương trình dự án đó mới hình thành. Chẳng hạn, nhờ báo chí, công luận lên tiếng khá đồng bộ, gay gắt, Chính phủ đã quyết định rút đăng cai Asiad 19 và do đó, hàng loạt dự án đầu tư công nguy cơ lãng phí, kém hiệu quả cao đã không thể thực hiện.

Hơn nữa, trong thực tế, có những dự án đầu tư công hoàn toàn không trái luật, tức là được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, song khi dự án hoàn thành thì không phát huy tác dụng. Trong trường hợp này, sẽ khó có thể “xử lý vi phạm” về trách nhiệm pháp lý. Như vậy, xử lý vi phạm trong đầu tư công không chỉ là xử lý về mặt pháp lý mà phải xử lý cả về trách nhiệm chính trị như cách chức, bãi nhiệm đối với người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Vì những lý do trên, rất cần quy định cụ thể hơn về xử lý vi phạm trong đầu tư công ngay trong Luật Đầu tư công.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nợ công của Việt Nam và những thông điệp nóng (17/06/2014)

>   Tính toán trả nợ không dễ (16/06/2014)

>   Thủ tướng chỉ đạo tăng cường độc lập, tự chủ về kinh tế (16/06/2014)

>   Kinh tế nửa cuối năm vẫn khó lường (16/06/2014)

>   Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm: Công bố các khoản nợ để xã hội giám sát (16/06/2014)

>   Ngân sách Việt Nam nặng gánh với áp lực trả nợ (13/06/2014)

>   Xuất khẩu sốt ruột chờ VN thành nền kinh tế thị trường (13/06/2014)

>   50% vay nước ngoài, 50% vay trong nước (12/06/2014)

>   Luật Đầu tư công: Khắc phục đầu tư lãng phí, dàn trải (10/06/2014)

>   IMF: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt (10/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật