Luật Đầu tư công: Khắc phục đầu tư lãng phí, dàn trải
Dự thảo Luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế cơ chế “xin-cho”, tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Trong thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH và cung ứng các dịch vụ công; tạo môi trường thực hiện thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém.
Tình trạng triển khai quá nhiều dự án vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước các cấp, đẩy Ngân sách Trung ương vào thế bị động diễn ra trong nhiều năm qua.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến ở tổ và hội trường về dự án Luật Đầu tư công. Dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các chuyên gia ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam. Ngày 24/5/2014, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này tại Hội trường trước khi được thông qua (ngày 18/6/2014).
Những điểm nhấn của dự án Luật Đầu tư công có thể tóm tắt như sau:
Dự thảo Luật thống nhất khái niệm "Đầu tư công" là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển KTXH.
Khái niệm này giúp làm rõ 3 đặc điểm của đầu tư công, đó là, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đầu tư công là từ Nhà nước; mục tiêu của hoạt động đầu tư công là các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển KTXH, trong đó chủ yếu là theo đuổi các mục tiêu của chính sách công.
Khuyến khích đầu tư trực tiếp của tổ chức, cá nhân
Đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn hỗn hợp của cả Nhà nước và tư nhân (dự án PPP), vì nhu cầu xuất phát từ phía Nhà nước, xét về bản chất do chính sách xã hội hóa đầu tư mà Nhà nước phải vay vốn hoặc nhượng một số quyền của Nhà nước cho doanh nghiệp khác nên phương thức đầu tư, quản lý và giám sát đầu tư của mô hình PPP sẽ có một số điểm khác so với đầu tư công hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước.
Dự thảo Luật đã đưa ra nguyên tắc khuyến khích các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư các dự án kết cấu hạ tầng KTXH và cung cấp các dịch vụ công, ưu tiên thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.
Để bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án PPP, phần vốn đầu tư công của Nhà nước sẽ được quản lý chặt chẽ. Phần vốn đóng góp của các thành phần kinh tế khác vào dự án sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để chủ động thực hiện dự án theo đúng mục tiêu đầu tư và cam kết với Nhà nước.
Quản lý đồng bộ, hạn chế “xin-cho”
Với phạm vi điều chỉnh và các đối tượng phạm vi áp dụng, dự thảo Luật Đầu tư công điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư để cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công.
Dự thảo đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế cơ chế “xin-cho”, tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đáng chú ý, việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và một chiều trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, cùng với thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, dự thảo Luật cũng có quy định nhằm tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.
Chuyển từ kế hoạch đầu tư ngắn hạn sang trung hạn
Ngoài ra, việc quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn là bước đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH 5 năm.
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.
Trong đó, điều kiện để các dự án, chương trình được đưa vào danh mục dự án của Kế hoạch đầu tư trung hạn là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn trên cơ sở mức độ ưu tiên, tính cấp thiết và khả năng cân đối nguồn vốn.
Nguyên tắc, nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện đầu tư công để nâng cao tính công khai minh bạch trong đầu tư công cũng đã được quy định rõ hơn, cụ thể hơn.
Dự án quan trọng phải lấy ý kiến dân cư nơi thực hiện
Quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống KTXH của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật cũng quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội hằng năm lập kế hoạch giám sát cộng đồng chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Nội dung của việc giám sát là, theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; giám sát công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền lợi của nhân dân; giám sát toàn diện các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công; việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công.
Ngoài ra, phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án…
TS. Nguyễn Đức Kiên/Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
chính phủ
|