Thứ Ba, 17/06/2014 10:45

Nợ công của Việt Nam và những thông điệp nóng

Nhiều dấu hiệu cho thấy “độ nóng” nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh cả về định tính và định lượng, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong nhận thức, cách tính, ngưỡng an toàn, hiệu quả quản lý và sử dụng.

Tăng nhanh về quy mô, dịch vụ và điều kiện nợ

Theo Bộ Tài chính, tính đến 31.12.2010, tỉ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài 42,2%, nợ công là 57,3%. Cuối năm 2011, nợ công khoảng 54,6% GDP. Cuối năm 2012, nợ công khoảng 58,4% GDP.

Với việc nâng mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% GDP, đến cuối năm 2013 nợ công đạt tới 56,2% GDP, dư nợ chính phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia 39,5% GDP. Theo tờ báo Anh The Economist, so với năm trước, nợ công của Việt Nam tăng 11,2% trong năm 2013 và sẽ tăng gần 15% năm 2014.

Ngày 8.11.2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của Việt Nam: đến 2015 nợ công không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Tuy nhiên, mức này chỉ tính đến nợ công không có nợ của các doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả…

Bên cạnh đó, gần đây tổng số dịch vụ nợ công (trả nợ cả gốc và lãi) của Chính phủ thường chiếm khoảng 14-16% tổng thu NSNN hằng năm. Năm 2014, dịch vụ nợ công nhảy vọt, chiếm 25% tổng thu NSNN cả năm 2014 và vượt 30% trong những năm tiếp theo. Trong khi theo thông lệ quốc tế, mức dịch vụ nợ an toàn là không quá 35% tổng thu NSNN hằng năm.

Dịch vụ nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm 2010 là 1,67 tỉ USD (bằng tới 50% tổng đầu tư phát triển cùng năm), trong đó riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỉ USD của năm 2009. Năm 2011, Việt Nam trả nợ 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% tổng thu NSNN; năm 2012 phải trả 100.000 tỉ đồng, chiếm 13,5% tổng thu.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cảnh báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008; trong khi mức khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới là trên 200%.

Việc mua vào hàng chục tỉ USD trong thời gian gần đây giúp nâng tổng dự trữ ngoại tệ tính đến tháng 4.2014 là 34 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đã cải thiện tỉ lệ an toàn này của Việt Nam. Song, việc mua vào ngoại tệ ồ ạt dễ trở thành nguồn xung lực làm tăng lạm phát tiền tệ nếu không kịp thời thu hút lượng tiền đã tung ra để mua ngoại tệ vào...

Các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số có lãi suất thấp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, điều kiện vay ngày càng ngặt nghèo hơn do Việt Nam đã bị giảm mức nhận ưu đãi khi gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, ít nhiều bị giảm mức tín nhiệm quốc gia (theo một vài đánh giá cá biệt) vì những e ngại bất ổn kinh tế vĩ mô và sự kiện Vinashin.

Nguyên nhân làm tăng nợ công

Nguồn thu NSNN đang gặp nhiều áp lực cả khách quan và chủ quan. Cả nước hiện còn khoảng 400.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, 70% không có lãi; 50% DN FDI báo lỗ; khoảng 2/3 số DN vừa và nhỏ đang ở tình trạng hết sức khó khăn về nợ xấu, hàng tồn kho, điều kiện tiếp cận vốn và duy trì lợi nhuận kinh doanh, nhất là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản.

Gánh nặng nợ công tăng nhanh cả về quy mô, dịch vụ và điều kiện nợ

Nguồn thu NSNN giảm không chỉ do các doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh, mà còn do nhà nước thực hiện nhiều giải pháp nới lỏng tài chính, giảm thuế, tiền thuê đất và các hỗ trợ khác.

Trong khi đó, nhiệm vụ chi NSNN ngày càng tăng do nhiệm vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vừa khách quan, vừa bị lạm dụng từ bất cập phân cấp quản lý quy hoạch và đầu tư.

Việt Nam hiện có 194 khu công nghiệp (46.600 ha), cùng 1.643 cụm công nghiệp (73.000 ha) 15 dự án khu kinh tế ven biển (662.000 ha -2% diện tích tự nhiên của Việt Nam), nếu không cắt giảm bớt, ước tính cần hơn 2.000 tỉ USD (bằng toàn bộ đầu tư cả nước trong 50 năm nữa) để đầu tư. Năm 2011, cả nước “lọt lưới” 333 dự án mới sai đối tượng sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.

Nguồn làm tăng nợ công ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi kết quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, dù một phần nợ của chúng chưa được tính vào nợ công.

Cụ thể, DNNN chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và tăng lên 39,3% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013; chiếm 31,41% tổng thu nội địa năm 2012 và trên 32% năm 2013, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và tạo ra khoảng 30% GDP hằng năm.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nợ nần chồng chất. Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước vừa được hoàn thành vào tháng 5.2014 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều con số đáng lo ngại từ khu vực này.

Có 23/27 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh vẫn có lãi, một số đơn vị tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%; 4 doanh nghiệp còn lại và một số công ty con thuộc các tập đoàn, tổng công ty này thua lỗ. Kết quả kinh doanh của không ít đơn vị giảm mạnh.

Kết quả kiểm toán tại 27 “ông lớn” này cũng đã điều chỉnh giảm tổng tài sản - nguồn vốn 1.477 tỉ đồng, tổng doanh thu - thu nhập thuần 1.015 tỉ đồng, tổng chi phí 2.347 tỉ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế 1.305 tỉ đồng cho thấy chất lượng báo cáo tài chính thấp do gian lận. Tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN tính đến cuối tháng 7.2013 là 118.840 tỉ đồng - mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một DNNN. Còn theo báo cáo mới nhất của bộ Tài chính, nợ vay cả ngắn hạn, dài hạn từ các ngân hàng thương mại của EVN là hơn 103.000 tỉ đồng, chưa kể, khoản nợ nước ngoài 112.625 tỉ đồng.

Hiệu quả sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của doanh nghiệp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng độc quyền, không chịu sức ép cạnh tranh, dẫn đến sức ỳ lớn, năng lực, quản trị yếu kém, trách nhiệm làm thất thoát vốn, tài sản, nợ xấu, thua lỗ chưa hoặc không được xử lý rõ ràng, cụ thể.

Nhận thức và quản lý nợ công còn nhiều bất cập

Nợ công tăng nhanh, nhưng trên thực tế Việt Nam còn nhiều bất cập cả trong nhận thức, cũng như xử lý nợ công, đặc biệt là còn chậm và thiếu đầu mối tập trung tổng hợp, thống kê cập nhật tổng dư nợ, kế hoạch vay - trả nợ chưa được thẩm định chu đáo, bố trí vốn đối ứng chậm và chậm giải phóng mặt bằng… Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, người có trách nhiệm tham mưu vay nợ dường như coi ODA là nguồn vốn rẻ, thời hạn vay dài và càng vay nhiều càng tốt…

Cách tính nợ công Việt Nam hiện chưa đưa vào nợ của DNNN tự vay tự trả, kể cả nợ nước ngoài. Trong bối cảnh thế giới cho thấy luôn có sự chuyển hóa mau lẹ giữa nợ doanh nghiệp và nợ công, thì những khoản nợ xấu của khu vực DNNN, mặc dù không thuộc diện bảo lãnh, nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi họ làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn hay đứng trước nguy cơ phá sản. Ví dụ như khoản nợ quốc tế 600 triệu USD của Vinashin hay hàng chục triệu USD của HUD...

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng nợ ngân hàng của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 ngàn tỉ đồng, tương đương 52,5% GDP. Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước), vẫn còn tới 40,9% GDP nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh.

Nếu cộng cả số này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế.

Dù tự tin và thận trọng, muốn hay không thì cũng phải rung chuông tự cảnh cảnh báo rằng mức nợ công của Việt Nam đã tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế so với khả năng trả nợ, vì rõ rằng đã ở chấp chới dưới mức cảnh báo an toàn về nợ nước ngoài của WB như trên đã nêu.

Cần tỉnh táo thấy rõ sự thực trần trụi rằng, nếu khủng hoảng nợ công xảy ra, Việt Nam sẽ phải “một mình vượt cạn”, khó trông cậy vào sự cứu trợ “giá rẻ “hay vô tư nào từ các chủ nợ, các khối kinh tế hay tổ chức tài chính khu vực và quốc tế như chuyện của EU hiện tại…. Vấn đề càng nhạy cảm hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang bao phủ toàn cầu và đe dọa nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ mới vô tiền khoáng hậu…

Một số giải pháp kiểm soát

Để kiểm soát tốt nợ công, góp phần phát triển bền vững đất nước và con cháu mai sau không phải chịu cảnh “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, trước hết cần có những điều chỉnh thích hợp cả trong nhận thức và cách tính nợ công bám sát những chuẩn quốc tế chung về nợ công.

Đặc biệt, cần tăng cuờng giáo dục, tuyên truyền, quán triệt nhận thức và trách nhiệm về vay và trả nợ công, không để tình trạng coi nợ công là không của ai cả và không ai chịu trách nhiệm, coi của vay là của đuợc, càng nợ nhiều càng có nhiều cơ hội lạm dụng có lợi cho mình.

Trong khi chưa áp dụng cách tính chính thức bao gồm cả những khoản nợ của các DNNN tự vay, tự trả thì các cơ quan chức năng liên quan cũng cần có những kịch bản chủ động chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất là NSNN phải gánh vác dịch vụ nợ của những khoản vay này, khi DNNN vỡ nợ kiểu tập đoàn Vinashin.

Đồng thời, cần rà soát, bổ sung những cơ sở pháp lý hạn chế sự lạm dụng các khoản vay của các DNNN kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, trong đó có những luật về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật đầu tư công và Luật về Nợ nước ngoài.

Cần cơ chế công khai minh bạch và thống nhất một đầu mối thông tin và quản lý nợ công, có hệ thống chân rết từ TW tới địa phuơng; phân cấp và định vị rõ ràng, cụ thể, trách nhiệm thông tin, giải trình và giám sát cảnh báo, với các chế tài nghiêm khắc tới từng cá nhân có liên quan cho mỗi hành vi vi phạm các nguyên tắc vay, sử dụng, giải trình, kiểm tra, trả nợ công...

Ngoài ra, cần thúc đẩy tái cơ cấu nợ theo huớng giảm dần nợ nước ngoài và tăng nợ trong nước để Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ; phát triển thị trường mua - bán nợ công có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

Hơn nữa, trong thời gian tới, cần đổi mới mô hình tăng trưởng và công tác kế hoạch, tăng cường phân cấp, tái cấu trúc và quản lý hiệu quả đầu tư công theo hướng vừa tôn trọng tính năng động, trách nhiệm và sáng tạo trong tự phát triển của địa phương và sự phát triển tổng thể nền kinh tế, vừa tăng cường hơn vai trò tổng cân đối chung của Chính phủ; giảm bớt chức năng “nhà nước kinh doanh” , giảm quy mô đầu tư và tỷ trọng đầu công tư, nâng cao kỷ luật tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong và Nguyễn Trần Minh Trí

một thế giới

Các tin tức khác

>   Tính toán trả nợ không dễ (16/06/2014)

>   Thủ tướng chỉ đạo tăng cường độc lập, tự chủ về kinh tế (16/06/2014)

>   Kinh tế nửa cuối năm vẫn khó lường (16/06/2014)

>   Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm: Công bố các khoản nợ để xã hội giám sát (16/06/2014)

>   Ngân sách Việt Nam nặng gánh với áp lực trả nợ (13/06/2014)

>   Xuất khẩu sốt ruột chờ VN thành nền kinh tế thị trường (13/06/2014)

>   50% vay nước ngoài, 50% vay trong nước (12/06/2014)

>   Luật Đầu tư công: Khắc phục đầu tư lãng phí, dàn trải (10/06/2014)

>   IMF: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt (10/06/2014)

>   Củng cố lòng tin nhà đầu tư (10/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật