Thứ Hai, 16/06/2014 17:24

Tính toán trả nợ không dễ

Nợ công tính theo số tuyệt đối đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng liệu nó có thực sự an toàn như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên trả lời chất vấn hôm 10-6?

Đáng ngại nhất là áp lực trả nợ

Nếu chỉ dựa vào những con số thì tỷ lệ nợ công đều ở ngưỡng an toàn, nhưng thống kê của Việt Nam luôn có vấn đề.

Ví dụ như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (10-2013) là ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2013 sẽ hụt khoảng 25.200 tỉ đồng so với dự toán. Nay báo cáo đánh giá bổ sung thu NSNN năm 2013 cơ bản đã đạt dự toán và thậm chí còn vượt dự toán 0,7%.

Điều đó cho thấy, xét về bề nổi, nợ công là an toàn dù tỷ lệ có tăng trong mấy năm qua: 51,7% (năm 2010); 50,1% (2011), 50,8% (2012) và 54,1% (ước năm 2013). Để đảm bảo trả nợ, từ năm 2011-2015, ngành tài chính phải tăng thu ngân sách 12-14%, dành khoảng 20% tổng thu ngân sách cho việc này.

Nói là vậy nhưng tăng thu trong thời điểm này là không dễ, chính Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận điều này trong báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.

Điều đáng ngại nhất về nợ công là thời điểm trả nợ, cho dù 50% nợ công là đi vay nước ngoài, thời hạn dài (14-15 năm). Phần còn lại là vay nợ trong nước, chủ yếu qua con đường phát hành trái phiếu chính phủ, chủ yếu là bán cho các ngân hàng thương mại với kỳ hạn ngắn.

Nhiều khoản Chính phủ cũng đã huy động vốn theo kiểu “lưu động” và nếu không cẩn thận thì cũng rơi vào tình trạng nhiều khoản vay ngắn hạn lại dùng để đầu tư dài hạn. Nó không an toàn trong bối cảnh đầu tư công hiệu quả thấp, việc trả nợ dây dưa, kéo dài.

Khoảng 30% vốn huy động trong nước có thời hạn trả nợ từ 1-3 năm, khiến cho áp lực trả nợ luôn đè nặng, trong khi hiệu quả của các dự án đầu tư công thấp, thời gian vay vốn để đầu tư kéo dài.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất hệ trọng và việc này đã báo cáo Chính phủ để tìm giải pháp”. Bởi phát hành trái phiếu chính phủ nhiều đã chèn lấn các kênh dẫn vốn khác ra nền kinh tế.

Tuy Bộ trưởng cho biết là Bộ Tài chính đã có những bước đẩy phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài 5-10 năm nhưng thực tế đến năm 2014, tình hình vẫn chưa chuyển biến là bao.

Mới qua năm tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động khoảng 96.000 tỉ đồng trái phiếu, tương đương với lượng trái phiếu đã huy động cả năm 2013. Điều này có liên quan mật thiết đến việc vì sao tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22-5 vừa qua chỉ tăng 1,31% so với năm ngoái.

Có chuyên gia nhận định rằng, nhiều khoản Chính phủ cũng đã huy động vốn theo kiểu “lưu động” và nếu không cẩn thận thì cũng rơi vào tình trạng nhiều khoản vay ngắn hạn lại dùng để đầu tư dài hạn. Nó không an toàn trong bối cảnh đầu tư công hiệu quả thấp, việc trả nợ dây dưa, kéo dài.

Vay để đảo nợ: chỉ là đẩy nợ về tương lai

Để trấn an các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có phân tích về tỷ lệ trả nợ của Chính phủ/tổng thu ngân sách là 25% và khoảng trên 10% là vay mới để đảo nợ cũ, không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ.

Năm 2014, dự kiến vay trong nước là 367.000 tỉ đồng, trong đó vay để đảo nợ là 70.000 tỉ đồng. Xét về mặt quản trị dòng tiền, đây là điều bình thường, nhưng thực chất nó cũng là biện pháp kỹ thuật để đẩy nợ về tương lai. Như vậy, áp lực trả nợ vẫn còn, mà nguyên nhân sâu xa của nó là vay nợ quá mức cân đối và hiệu quả đầu tư không theo kịp dòng tiền trả nợ.

Đơn cử như trường hợp Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) đã phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nhưng không trả đúng hạn nên đã được Chính phủ cho phép chuyển qua ngân sách nhà nước cấp phát, trả thay 607 tỉ đồng (năm 2013).

Vay để đảo nợ chủ yếu chỉ là vay trong nước bởi các nguồn vay từ nước ngoài rất hạn chế cho vay vì mục đích này. Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đồng ý cho ba doanh nghiệp nhà nước vay 320 triệu đô la Mỹ để “cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng số 1 và tập đoàn Dệt may. Mục đích của việc vay này thực chất cũng là đảo nợ, nhằm giảm sức ép trả nợ, tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn thành dài hạn và tăng cường năng lực quản trị công ty trong ba năm. Khoản vay đảo nợ này nếu không phát huy hiệu quả thì nợ doanh nghiệp biến thành nợ Chính phủ trả thay là điều hoàn toàn có thể.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thủ tướng chỉ đạo tăng cường độc lập, tự chủ về kinh tế (16/06/2014)

>   Kinh tế nửa cuối năm vẫn khó lường (16/06/2014)

>   Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm: Công bố các khoản nợ để xã hội giám sát (16/06/2014)

>   Ngân sách Việt Nam nặng gánh với áp lực trả nợ (13/06/2014)

>   Xuất khẩu sốt ruột chờ VN thành nền kinh tế thị trường (13/06/2014)

>   50% vay nước ngoài, 50% vay trong nước (12/06/2014)

>   Luật Đầu tư công: Khắc phục đầu tư lãng phí, dàn trải (10/06/2014)

>   IMF: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt (10/06/2014)

>   Củng cố lòng tin nhà đầu tư (10/06/2014)

>   Tăng thu ngân sách 12-14%/năm mới đảm bảo trả nợ (09/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật