Xuất khẩu gạo: Đàm phán lại với Philippines
Liên quan đến việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xin trả chỉ tiêu, không tham gia xuất khẩu 800.000 tấn gạo cho Philippines thời gian qua, đại diện Việt Nam đã cử người sang đàm phán lại với nhà nhập khẩu.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam- VFA- (xin không nêu tên), cho biết VFA và Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo cho Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và 2) sang Philippines đàm phán lại với Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) về một số điều kiện khi giao hàng.
Tuy nhiên, theo vị này, cho đến nay, kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán vẫn chưa có.
Trong khi đó, theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, rất khó để NFA sửa lại những điều kiện trong hợp đồng 800.000 tấn được ký kết giữa Việt Nam và NFA theo hướng có lợi hơn cho Việt Nam. “Bây giờ đàm phán, yêu cầu NFA sửa lại một số điều kiện khi giao hàng cũng là hơi khó. Nếu có sửa thì NFA cũng đặt vấn đề phải hạ giá nữa thôi”, ông Tuấn cho biết.
Lý do khiến VFA và Bộ Công Thương yêu cầu Vinafood 1 và 2 đi đàm phán lại với NFA vì trước đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã có văn bản gửi đến VFA và Vinafood 2 xin không thực hiện hợp đồng ủy thác do Vinafood 2 giao.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), doanh nghiệp đã xin rút lui do giá trúng thầu quá thấp và hợp đồng ràng buộc nhiều điều kiện không có tiền lệ.
“Theo ràng buộc của hợp đồng, khi giao hàng cho NFA, nếu tỷ lệ tấm nhiều hơn 1% (mức quy định trong hợp đồng) doanh nghiệp sẽ bị phạt 3 đô la Mỹ/tấn, lố 2% sẽ bị phạt 6 đô la Mỹ/tấn và nhiều hơn 10% thì sẽ bị phạt 30 đô la Mỹ/tấn”, ông Tuấn của Thịnh Phát cho biết.
Theo ông Tuấn, hiện ông vẫn đang chờ kết quả đàm phán của đại diện Vinafood 1 và 2 với NFA như thế nào mới quyết định chính thức có trả chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu lại hay không.
Hiện nay, nguồn cung của vụ lúa hè thu 2014 ở ĐBSCL đang tăng lên nên giá lúa, gạo nội địa tiếp tục sụt giảm.
Theo một số thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ ở quanh mức 4.100 - 4.200 đồng/kg, tiếp tục giảm 100-150 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần.
Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào rất yếu, với giá chỉ trên dưới 6.600 đồng/kg, giảm 50-100 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần.
Sai lầm trong nhận định tình hình
Liên quan đến hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, phân tích của một số doanh nghiệp xuất khẩu, cho rằng đã có sai lầm trong nhận định tình hình.
Theo ông Tuấn của Thịnh Phát, đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong thực hiện hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines chỉ có Thái Lan, bởi xét về cự ly giao hàng đến Philippines, thì Ấn Độ và Pakistan xa hơn Việt Nam rất nhiều và giá bán của họ cũng cao hơn.
Một lý do khác cũng được ông Tuấn dẫn chứng cho sự sai lầm này, đó là trước khi đấu thầu, NFA đưa ra tiêu chuẩn: chỉ chấp nhận nhập gạo không quá 4 tháng, kể từ khi được thu hoạch. Trong khi đó, Thái Lan họ đã ngưng mua kể từ tháng 2-2014, có nghĩa là gạo của Thái Lan chủ yếu là tồn kho của năm 2013 và 2012.
“Như vậy, nếu căn cứ vào các yếu tố như tiêu chuẩn chấp nhận nhập khẩu của Philippines (gạo không quá 4 tháng); thời gian Thái Lan nhập kho gạo (từ trước tháng 2-2014) và thời gian nhận hàng của Philippines (từ tháng 5 đến tháng 8-2014), thì rõ ràng coi như chỉ còn một mình chúng ta (Việt Nam) một chợ thôi”, ông Tuấn phân tích.
Thực tế, khi NFA công bố kết quả đấu thầu của hợp đồng này vào ngày 15-4-2014 rồi, đại diện của Thái Lan chỉ bỏ thầu cung cấp với khối lượng vỏn vẹn chỉ 100.000 tấn.
Theo giám đốc của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác ở ĐBSCL (không muốn nêu tên), giá trúng thầu của Việt Nam là quá thấp. “NFA đã công bố ngân sách dự kiến bỏ ra để mua 800.000 tấn được quy ra tương đương với giá đạt khoảng 477 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, nếu là người giỏi, anh phải biết bỏ thầu với giá nào cho hợp lý, đằng này so với đối thủ lại thấp hơn đến hơn 30 đô la Mỹ/tấn, bình quân chưa đến 440 đô la Mỹ/tấn nữa”, vị này cho biết.
Trung Chánh
tbktsg
|